Vị xuân ở phía quê nhà

Mùa xuân luôn gợi lên trong ta cảm thức hoài niệm. Khí xuân, sắc xuân và đặc biệt là vị xuân thấm đượm, quyện hòa trong chiếc bánh chưng xanh đưa tôi về miền ký ức tươi đẹp của những tháng ngày học tập bên trời Tây, khi tôi là học viên khóa 3 - chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Thanh Hóa.

Tác giả (ngoài cùng, bên trái) và những người bạn du học sinh Việt tại Vương quốc Anh.

Tác giả (ngoài cùng, bên trái) và những người bạn du học sinh Việt tại Vương quốc Anh.

Ngày ấy, các học viên như tôi sẽ được học ngoại ngữ sáu tháng tới một năm rồi thi chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT. Sau khi đạt đủ điểm “đầu vào”, chúng tôi bắt đầu nộp đơn xin vào các trường đại học phù hợp với chuyên ngành của mình trên khắp thế giới. Năm tôi học, Đại học Sheffield (vương quốc Anh) ký Bản ghi nhớ hợp tác và đồng ý cấp học bổng một phần cho học viên của chương trình đào tạo. Thế nên năm đó có tới bốn học viên đủ điều kiện về ngoại ngữ, bằng cấp và kinh phí để nhập học chuyên ngành: điện, hóa dầu, điện tử viễn thông, tài chính quốc tế.

Những ngày đầu ở cư xá Omnion, thực phẩm mang từ Việt Nam qua thật vô cùng quý giá. Là mì tôm, ruốc bông, hạt nêm, muối, rong biển khô, tôm khô, muối lạc. Ăn phải chừng vài ba tháng mới hết. Hết rồi mới thấy muối bột canh và hạt nêm thật đáng giá. Gia vị ở đây khác hẳn, không đậm đà như ở Việt Nam. Mua được chai nước mắm Thái Lan mà vị nhạt. Vậy nên có lần chúng tôi phải kho thịt với muối trắng. Bốn anh em mỗi người một phòng riêng, mỗi người học một ngành học khác nhau. Chỉ gặp nhau vào bữa cơm trưa và tối. Đó là những khoảng thời gian vui vẻ trước khi lại trở về căn phòng nhỏ một mình.

Những ngày đầu tiên bao giờ cũng là những ngày vất vả nhất. Mọi thứ đều mới mẻ. Ai cũng phải cố gắng gấp đôi, gấp ba bình thường để theo kịp chương trình học khá nặng với 180 tín chỉ. Sau kỳ nghỉ Giáng sinh ba tuần, chúng tôi bước vào kỳ thi mà môn cuối cùng của tôi đúng vào hôm mùng 1 Tết Nguyên đán. Dù bận rộn với việc học hành, nhưng nhóm học sinh Việt Nam ít ỏi vẫn không quên chuẩn bị đón cái tết cổ truyền tươm tất trên đất Anh. Chúng tôi đã họp bàn với nhau và thống nhất rằng: Muốn có không khí tết quê hương thì một trong những điều không thể thiếu là bánh chưng xanh. Chúng tôi quyết định nấu bánh chưng.

Gạo nếp, đậu xanh rồi thịt mỡ và các gia vị chúng tôi có thể tìm mua được ở các siêu thị và cửa hàng bán đồ của Trung Quốc. Thế nhưng “bài toán khó” đặt ra cho chúng tôi là tìm đâu ra lá dong để nấu đủ 20 chiếc bánh chưng chia đều cho mỗi người. Ở Sheffield thì “bói” không ra một chiếc lá dong nào.

Ấy thế là chúng tôi kết nối, nhờ một bạn gửi lá dong từ tận Luân Đôn xuống. Thủ đô nước nào cũng vậy, chẳng thiếu thứ gì, nghe bảo “đặc sản” như mắm tôm còn có nữa. Tất cả đều được gửi từ Việt Nam sang. Nhưng với cước phí vận chuyển và số lượng có hạn nên chúng tôi chỉ có thể nhờ bạn đặt mua đúng một bó lá dong. Lớp lá này chỉ vừa đủ để gói lớp áo bên trong cho bánh chưng có màu xanh. Trong “cái khó ló cái khôn”, một anh trong hội bảo gần nhà anh có cái cây gì đó có lá giống lá chuối lắm. Chẳng phải ngần ngại gì nữa, chúng tôi hạ hết số lá “giống lá chuối” đó, tập hợp đầy đủ nguyên liệu để gói bánh.

Ngày gói bánh chúng tôi tập trung ở nhà bạn chi hội trưởng. Hôm đó vui như ngày hội. Chúng tôi đông là thế nhưng cũng chỉ có đúng một bạn biết gói bánh chưng, còn lại lăng xăng phụ việc này việc nọ. Tất nhiên là chúng tôi chẳng có lạt chẻ từ ống giang để buộc bánh, nên đành bằng lòng với việc dùng dây ni lông dày để cột lại. Tới chiều muộn thì mẻ bánh cũng gói xong rồi. Khâu nấu bánh cũng là một điều gian nan. Bởi vì ở đây chẳng ai có nồi đủ to để mà bỏ vừa số lượng bánh đó. Chúng tôi cũng không có củi để nấu mà dùng bếp ga, bếp điện. Bạn chi hội trưởng quyết định chia bánh chưng cho từng nhà tự luộc. Các nhóm bạn nhận bánh chưng cho riêng mình. Thế là nhà ai cũng nấu bánh chưng, cũng có không khí tết rồi, vui đáo để.

Bốn anh em chúng tôi nhận được 4 chiếc. Chúng tôi chia bánh vào hai chiếc nồi to nhất trong nhà có thể huy động được. Đổ nước vào nồi và cho nổi lửa. Hôm đấy tôi vừa cầm sách học bài ôn thi, vừa ngồi trong bếp trông nồi bánh và châm thêm nước khi cần. Nấu đủ 12 tiếng, chúng tôi vớt bánh ra, cũng bắt chước bố mẹ ở nhà, lấy chiếc thớt nặng ép bánh chưng cho vuông thành sắc cạnh. Bánh ép ráo rồi, chúng tôi vui mừng với thành quả của mình là bốn chiếc bánh chưng xanh trông cũng đẹp mắt trên đất Anh những ngày lạnh giá khi tuyết đang rơi dày.

Có lẽ là may mắn cho 3 chàng trai vụng về chúng tôi là có em gái cùng nhà khá đảm đang. Em đi chợ gần nhà mua được tai lợn về làm giò xào. Giò giòn thơm mùi tiêu bắc, ăn ngon chẳng thua gì món ăn này ở quê nhà. Trong siêu thị đã có bán sẵn hành muối nên chúng tôi mua mấy lọ về. Vậy là trong câu đối quen thuộc của người Việt - “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, chúng tôi đã có tới ba món rồi. Tết xa mà gần, quê nhớ mà thương.

Bữa cơm sum vầy ngày mùng 1 tết của các du học sinh Việt tại Vương quốc Anh.

Bữa cơm sum vầy ngày mùng 1 tết của các du học sinh Việt tại Vương quốc Anh.

Ngày mùng 1 tết, vừa chợp mắt sau một đêm dài học bài tới tận khuya để hôm nay thi nốt môn cuối cùng thì bạn bè ở Việt Nam gọi điện sang chúc tết. Trời ạ, mệt muốn đứt hơi, lại còn buồn ngủ nên nghe được hết câu chúc là tôi cũng đã gắng gượng lắm rồi. Mùa này, Việt Nam và Anh quốc chênh nhau 6 giờ đồng hồ, thế nên bạn gọi điện chúc tết cũng đã là chiều mùng 1 ở Việt Nam rồi. Tôi thi nốt môn cuối, người như nhẹ nhõm hẳn. Vậy là tôi đã “sống sót” qua kỳ học đầu tiên, và thật vui khi chiều nay tôi cùng các bạn được đón cái tết Việt đầu tiên trên đất Anh.

Buổi chiều hôm đó, mấy anh em túm tụm lại để nấu nướng “ăn tết”. Ngoài bánh chưng, giò xào và dưa hành đã mua trước đó, chúng tôi còn làm món cánh gà nướng mật ong. Em gái cùng nhà khéo tay tỉa cà rốt làm đĩa dưa món và nhúng mấy quả dâu tây vào sô cô la làm món tráng miệng. Tôi bóc bánh chưng và thật bất ngờ chiếc bánh xanh, đẹp mắt chẳng thua gì nấu ở quê nhà. Cắt mấy khoanh giò và nấu thêm bát canh to nghi ngút khói, thế là chúng tôi có một bữa ăn “thịnh soạn” chào đón tết. Mở chai rượu rót ra bốn chiếc cốc nhỏ, chúng tôi nâng ly chúc nhau một năm mới an khang thịnh vượng. Vui vẻ trò chuyện nói cười, cùng nhâm nhi những món ăn ngày tết, có lẽ vì vậy mà nỗi nhớ nhà trong mỗi người cũng vơi bớt phần nào. Dù biết rằng, sau bữa ăn, lại mỗi người về phòng riêng và trong không gian đó, chẳng ai mà không nhớ tới những rộn ràng của cái tết nơi quê hương.

Nếu ai hỏi với những sinh viên du học xa nhà, cái tết có gì khác với ở quê. Có nhiều điều khác chứ, nhưng một điều tôi còn nhớ mãi. Đó là những ngày trước tết, dù bao vui cười khi cùng nhau sắm sửa tết, nhưng tới khuya muộn phòng nào cũng sáng đèn. Là khi một ngày mưa giáp tết, tôi đứng ở ban công nhìn ra, thấy lấp ló ánh đèn tỏa ra ở các căn bên cạnh. Ai cũng đang cố gắng dùi mài kinh sử cho những ước mơ cháy bỏng của tuổi trẻ, về một thành tựu nào đấy, một khao khát nào đó, sẽ được khẳng định trong cuộc đời này. Ước mơ đẹp, thật đẹp. Sau này có người thành, người bại, nhưng khi nhớ tới những cố gắng ngày còn trẻ, khi nhớ tới cái tết xa nhà trong quãng thời gian đi du học, ai lại chẳng bồi hồi...

Bài và ảnh: Lê Ngọc Sơn

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/vi-xuan-o-phia-que-nha-35210.htm
Zalo