Vì tương lai của trẻ em gái

Năm 2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chọn ngày 11/10 hằng năm là ngày Quốc tế trẻ em gái, nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái nói riêng và phụ nữ nói chung.

Hưởng ứng chủ đề của ngày Quốc tế trẻ em gái năm 2024 là “Tầm nhìn của trẻ em gái về tương lai”, những thông điệp có ý nghĩa được Lào Cai đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các hoạt động truyền thông trực tiếp, băng rôn, khẩu hiệu được treo ở những nơi tập trung đông người, như “Đầu tư cho tương lai của trẻ em gái là đầu tư vào tương lai của đất nước”; “Hãy xây dựng một tương lai để mọi trẻ em gái đều được bảo vệ, tôn trọng và trao quyền”; “Đảm bảo an sinh xã hội là nền tảng thúc đẩy bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng về sự quan tâm, bảo vệ, chăm lo tương lai cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái.

Tại các địa phương vùng cao, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo đồng bộ về y tế, giáo dục, đời sống… thông qua thực hiện các chính sách, chương trình, dự án nhân văn. Trong đó, tiêu biểu là Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, đã có 130 thôn/66 xã tại 9 huyện, thị xã, thành phố được hưởng lợi. Dự án có mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em; thực hiện bình đẳng giới, tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số.

Thực hiện dự án, đã có hàng nghìn phụ nữ và trẻ em tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn vùng cao Lào Cai được tham gia, hưởng lợi thông qua các hoạt động ý nghĩa, như tổ truyền thông cộng đồng; các cuộc thi tìm kiếm sáng kiến, giải pháp truyền thông hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ trẻ em; “Địa chỉ tin cậy”; đối thoại chính sách ở cấp xã và cụm thôn bản đặc biệt khó khăn; câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”...

Trong đó, câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” được thành lập tại các trường học vùng khó khăn là hoạt động thiết thực, qua đó tăng cường sự tham gia, vai trò của trẻ em gái đối với thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em và bình đẳng giới. Sau hơn 1 năm thành lập, những buổi sinh hoạt sôi nổi, bổ ích của Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại Trường PTDT bán trú THCS Nấm Lư, huyện Mường Khương đã giúp các thành viên hiểu hơn về quyền trẻ em, bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực đối với trẻ em, bạo lực học đường, xâm hại tình dục; nạn bắt cóc, buôn bán trẻ em; hệ quả của nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống… Những học sinh nữ người dân tộc thiểu số vốn rụt rè, nhút nhát, sau khi tham gia câu lạc bộ đã tự tin nói lên tiếng nói về các vấn đề xã hội, chia sẻ thông tin với thầy cô, bạn bè nâng cao kỹ năng giao tiếp và thể hiện năng khiếu của bản thân…

Cô Trương Thị Thanh Mai, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Nấm Lư chia sẻ: Nhà trường luôn tạo điều kiện để học sinh được tham gia các hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao hiệu quả của câu lạc bộ. Mỗi thành viên trong câu lạc bộ tiên phong thay đổi sẽ trở thành nhân tố tuyên truyền, vận động học sinh trong trường cùng nỗ lực học tập, nâng cao hiểu biết về các kiến thức liên quan đến bình đẳng giới, quyền trẻ em. Từ những kiến thức hữu ích được trang bị, các em góp tiếng nói xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu tại địa phương.

Bên cạnh đó, các tổ truyền thông cộng đồng thuộc Dự án 8 trên địa bàn huyện Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên, Mường Khương... cũng hoạt động sôi nổi, hiệu quả. Nội dung hoạt động tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái nói riêng và phụ nữ nói chung, đặc biệt là trẻ em gái ở các gia đình sinh con một bề là gái.

Hưởng ứng ngày Quốc tế trẻ em gái, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, giáo dục về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, vận động từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái; tuyên truyền các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; tổ chức truyền thông trong cộng đồng và phối hợp với các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh, sinh viên về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, giáo dục kỹ năng sống. Các trường học cũng tổ chức chương trình hội thảo, tọa đàm về quyền của trẻ em gái, khuyến khích các em chia sẻ ý kiến và ước mơ của mình; tăng cường giáo dục về bình đẳng giới và các quyền của trẻ em gái trong chương trình một số môn học.

Để trẻ em gái được nâng cao vị thế, hướng đến xã hội bình đẳng, công tác tuyên truyền cần được nâng cao hơn nữa, các cấp, ngành, gia đình và xã hội cần chung tay xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh để các em được học tập, có cơ hội phát triển.

Phương Thảo

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/vi-tuong-lai-cua-tre-em-gai-post391666.html
Zalo