Ban đại diện phụ huynh: Nếu minh bạch, sao phải 'ồn ào'

Sau khi bắt đầu năm học mới, câu chuyện thu, chi trong các trường học lại tiếp tục được nhiều phụ huynh quan tâm, thậm chí bàn luận trái chiều.

Dù Bộ GD&ĐT đã có nhiều chỉ đạo, văn bản quy định nhằm hạn chế tình trạng “lạm thu”, thu chưa hợp lý các khoản đầu năm học mới, nhưng tình trạng đó vẫn tồn tại thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Vậy đâu là nguyên nhân? Cần làm gì để Ban đại diện cha mẹ học sinh thực sự trở thành cầu nối giữa nhà trường và phụ huynh? Để làm rõ hơn những vấn đề này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi nhanh với nhà giáo Đặng Minh Tuấn, trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn

PV: Hiện nay, Ban đại diện phụ huynh tại một số trường học bị phản ánh là đang trở thành “cánh tay nối dài” cho các khoản thu không hợp lý. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào và trách nhiệm thuộc về ai?

Ông Đặng Minh Tuấn: Mình phải vạch rõ ranh giới về việc Ban phụ huynh trong một trường học; việc tận dụng nguồn lực trong trường, đặc biệt là trường công, phải thực hiện đúng vai trò.

Trường học phải cung cấp cho học sinh một môi trường thuận lợi và an toàn. Trách nhiệm đó thuộc về quản lý của cơ quan, Phòng giáo dục, Sở giáo dục.

Phụ huynh là đối tượng không thuộc quản lý của trường học mà việc triển khai những hoạt động liên quan đến lao động trường học là không hợp lý.

Một trong những từ người ta thường đưa ra là "xã hội hóa giáo dục" và phần tự nguyện hỗ trợ để giúp cơ sở trường học, lớp học, hay học sinh được học tốt hơn là điều tốt, nhưng cần phải rõ ràng trong chuyện này.

Tính tự nguyện ở đây, câu chuyện là tự nguyện đóng góp, tự nguyện cống hiến; nó khác với chuyện ban phụ huynh đưa ra. Vì khi ban phụ huynh đưa ra, sẽ có tiếng nói của câu chuyện toàn thể, có sự định hướng của Trưởng ban phụ huynh và dẫn dắt thành hội nhóm, tức là trường học.

Mình nghĩ rằng điều đó không còn là yếu tố tự nguyện nữa; điều đó là bất hợp lý, vì họ không thuộc trường mà lại có những tác động ảnh hưởng đến hoạt động trong trường, lấy giá trị bên ngoài tác động vào mà người quản lý trong cơ sở giáo dục không điều tiết được thì có nghĩa là chênh nhau.

PV: Trong các cuộc họp phụ huynh, đôi khi các ý kiến phản biện về các khoản thu không được lắng nghe hoặc bị phớt lờ, thậm chí người phản biện nhận về nhiều điều tiêu cực. Ông đánh giá sao về vấn đề này?

Ông Đặng Minh Tuấn: Thực ra, khi tham gia hội phụ huynh, như mình nói, đó là một tập thể, thì đều có ý kiến sẽ đa dạng, có người tiêu cực, có người tích cực, điều đó không có gì bất thường vả. Nhưng vấn đề là phụ huynh sẵn sàng tuân thủ các quy định của nhà trường đưa ra, đó là các quy định cứng được thông tin đại chúng một cách minh bạch. Nếu ban phụ huynh đưa ra những thông tin không nằm trong nội dung hoặc kế hoạch và cứ phát sinh, thì chắc chắn người ta sẽ không theo.

Điều đó cho thấy xuất phát điểm phải là minh bạch hóa thông tin và thừa nhận trách nhiệm hoặc sự tham gia của phụ huynh vào là không được công bằng. Công bằng ở đây nghĩa là một sản phẩm thụ hưởng của một giáo dục công, là tất cả các người dân hay là học sinh được thụ hưởng với cái quyền của công dân, đặc biệt là trong trường công.

Mình muốn nói rằng là, người ta được Nhà nước bảo trợ thì rõ ràng con cái phải được hưởng, trong khi đó thì những khoản đóng góp nằm ngoài kế hoạch hay dự định, đặc biệt đối với những gia đình kinh tế khó khăn hoặc những cái nhà người ta cũng có kinh tế nhưng người ta thấy đóng góp đó không hợp lý thì chắc chắn người ta sẽ có những cái ý kiến trái chiều.

PV: Về lâu dài, ông có nghĩ rằng cần một cơ chế kiểm soát và giám sát độc lập để đảm bảo Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động đúng với mục tiêu ban đầu không? Nếu có, cơ chế đó nên được thực hiện như thế nào?

Ông Đặng Minh Tuấn: Tôi nghĩ với cơ chế mỗi một trường học có một Hội đồng trường thì có thể có sự tham gia của Ban phụ huynh, hoạt động có chiến lược, kế hoạch rõ ràng, thì sự đóng góp của cộng đồng phụ huynh và xây dựng giá trị cho nhà trường hiệu quả phải có kế hoạch trước và có thể gắn với hoạt động của Hội đồng trường.

Mình nghĩ cách làm đấy phụ huynh sẽ thấy tin tưởng. Và khi đưa bất kỳ một chiến lược nào thì đều có một chiến lược đã được bàn thảo và đưa trước để thống nhất trước khi năm học bắt đầu. Thì mình nghĩ phụ huynh người sẽ sẵn lòng thôi.

Vì với văn hóa Á Đông, việc học được coi trọng rất lớn nên việc đó là việc mà phụ huynh không sợ, hoặc không ngại, sẵn sàng hỗ trợ với nhà trường, các thầy cô để tạo được môi trường học tập an toàn và giáo dục tốt cho con người ta.”

PV: Xin cảm ơn ông.

Xuân Tú/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ban-dai-dien-phu-huynh-neu-minh-bach-sao-phai-on-ao-post1127614.vov
Zalo