Vị thế trung tâm nuôi biển - Bài 1: Kỳ vọng ngành hàng giá trị tỷ USD

Với đường bờ biển dài trên 380 km, cùng các vịnh, vũng kín gió, là nơi đóng chân của nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu của cả nước về biển, đại dương và người dân đã có thời gian dài làm quen với nghề nuôi trồng các loại hải sản… đã giúp tỉnh Khánh Hòa dần hình thành vị thế là một trung tâm nuôi biển của Việt Nam.

Vẫn chưa bằng lòng với thành tựu này, Khánh Hòa còn muốn vươn xa hơn, tiến đến một nền nuôi biển công nghiệp, hiệu quả hơn và thật sự bền vững.

Ngư dân cho cá ăn tại lồng bè HDPE, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Ngư dân cho cá ăn tại lồng bè HDPE, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Bài 1: Phát huy thế mạnh nuôi biển

Tỉnh Khánh Hòa đang hướng đến mục tiêu phát triển ngành thủy sản một cách toàn diện và bền vững, dựa trên những lợi thế về tiềm năng, thế mạnh về biển, vị trí địa lý thuận lợi, từ yếu tố truyền thống, bề dày trong khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa, từ năm 2021 đến nay, địa phương đã có sự tăng trưởng trong sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng. Thủy sản là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Khánh Hòa, góp phần tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, tạo việc làm cho hơn 82.900 người, chiếm gần 10% tổng số lao động tại địa phương.

Khánh Hòa hiện có 4 vùng nuôi thủy sản chính là huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh, với tổng diện tích hàng năm trên 4.000 ha, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản hàng năm đạt trên 18.000 tấn.

UBND tỉnh Khánh Hòa đã quan tâm, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu công nghiệp để đưa nhà máy sản xuất chế biến thủy sản về tập trung sản xuất như Khu công nghiệp Suối Dầu tại huyện Cam Lâm, Khu công nghiệp Đắc Lộc - Nha Trang…

Toàn tỉnh có 64 cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu được bố trí tập trung ở Khu công nghiệp Suối Dầu, Cam Lâm, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ngành. Trong năm nay, chỉ tính đến cuối tháng 10, kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản của Khánh Hòa đạt trên 511 triệu USD.

Khánh Hòa cũng là địa phương nổi bật với sự phát triển mạnh mẽ trong nghiên cứu khoa học về nuôi trồng thủy hải sản. Nơi đây tập trung nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học như Viện Hải dương học, Viện Nghiên cứu thủy sản 3, Trường Đại học Nha Trang…

Các cơ quan nghiên cứu này đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu, đặc biệt là việc phát triển các quy trình sản xuất con giống nhân tạo, hình thành các quy trình nuôi trồng thủy sản bền vững và hiệu quả.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường biển, giúp kiểm soát và duy trì sự cân bằng sinh thái trong các vùng nuôi trồng thủy sản. Điều này không chỉ giúp tăng trưởng bền vững cho ngành thủy sản mà còn bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ tương lai.

Ông Lê Văn Hoan, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa hiện có 4 vùng nuôi ao đìa chính là huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh. Đối tượng nuôi chủ yếu là tôm chân trắng, tôm sú, cá biển, ốc hương, cua… với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của cả tỉnh hàng năm trên 4.000 ha. Tôm hùm và các loại cá biển (cá bớp, cá chim, cá mú, cá chẽm…) là hai nhóm đối tượng nuôi lồng bè trên biển trọng điểm của tỉnh.

Bên cạnh đó, hàu Thái Bình Dương, hải sâm, tu hài, ngao hai cồi, trai ngọc, rong biển…cũng là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản hàng năm của Khánh Hòa đạt trên 18.000 tấn.

Tuy nhiên, nghề nuôi biển ở Khánh Hòa ngày càng bọc lộ nhiều hạn chế và có nhiều trở ngại. Khánh Hòa hiện có trên 97.000 lồng nuôi thủy sản của người dân, tập trung tại các vùng nuôi ở huyện Vạn Ninh, thành phố Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa. Lâu nay, người nuôi hải sản ở Khánh Hòa sử dụng các lồng nuôi truyền thống, chủ yếu sử dụng khung lồng bằng gỗ (bè, lồng nổi) và bằng khung sắt (lồng chìm). Hiện nay, công nghệ nuôi của người dân trở nên lạc hậu, đa số sử dụng thức ăn tươi, mật độ nuôi tại các vùng nuôi chưa đảm bảo, do đó độ rủi ro về môi trường, thiên tai, dịch bệnh ở vật nuôi thường xuyên xảy ra, nhất là tôm hùm.

Gần đấy nhất, hồi tháng 4/2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa cho biết, đơn vị liên tiếp ghi nhận tình trạng tôm hùm nuôi lồng bè chết với số lượng lớn, xảy ra tại thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh và thôn Hà Già, xã Vạn Hưng, đều thuộc huyện Vạn Ninh.

Ông Trần Minh Hiền, người nuôi tôm hùm bông ở thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh cho hay, việc nuôi thủy sản của bà con trên địa bàn không thuận lợi do thời tiết nắng nóng và con nước thay đổi khiến tôm hùm cứ liên tục chết.

Gia đình ông Hiền có khoảng 1.000 con tôm hùm bông, mỗi ngày bị chết từ 6 - 7 con. Trong khi đó, ông Trần Trung Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng bày tỏ rằng hàng năm việc nuôi tôm hùm trên địa bàn đều bị hao hụt, tuy nhiên năm nay tỷ lệ tôm chết cao hơn. Địa phương đã phối hợp cơ quan chức năng lấy mẫu để xét nghiệm nhằm xác định nguyên nhân và hướng dẫn bà con phòng trừ bệnh cho tôm. Đây không phải là hiện tượng cá biệt, “sự cố” đối tôm hùm thường xuyên xảy ra trên các vùng nuôi biển ở Khánh Hòa.

Trong khi đó, tỉnh Khánh Hòa cũng là nơi được nhiều doanh nghiệp chọn để triển khai các dự án lớn về nuôi trồng thủy sản theo hướng hiện đại và mang lại hiệu quả. Hiện Khánh Hòa có 3 mô hình nuôi biển quy mô công nghiệp điển hình hiệu quả gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Australis Việt Nam, Trung tâm nuôi biển công nghệ cao thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I và Công ty cổ phần nuôi trồng Thủy sản Phương Minh.

Ông Leonardo Mata - Giám đốc Dự án tảo biển Green Grazing (Công ty Trách nhiệm hữu hạn thủy sản Australis Việt Nam) đã nhận định: Với những tiềm năng, lợi thế rất lớn, nuôi biển Việt Nam sẽ sớm trở thành ngành mang lại giá trị hàng tỷ USD. Qua 15 năm hoạt động nuôi cá chẽm tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, đến nay Australis Việt Nam có hơn 1.000 nhân lực và quy mô sản xuất khá lớn, đóng góp 7% vào tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của tỉnh Khánh Hòa, trở thành một trong những công ty nuôi cá biển hiện đại nhất Việt Nam.

Để giải quyết những vấn đề tồn tại bất cấp trong nuôi trồng thủy hải sản ở Khánh Hòa, cần có sự thay đổi lớn trong nhận thức và cần đưa ra một phương thức mới. Đó là nuôi biển công nghiệp theo công nghệ cao, hỗ trợ khuyến khích ngư dân thay đổi công nghệ lồng nuôi kiểu gỗ truyền thống sang công nghệ lồng nuôi bằng vật liệu mới. Từ đó, đưa ngành nuôi biển trở thành ngành sản xuất chủ lực cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Đồng thời, tạo cảnh quan môi trường, giảm thiểu ô nhiễm vùng nuôi, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: tỉnh Khánh Hòa sẽ tập trung tăng năng suất, giá trị ngành nuôi trồng thủy sản và nâng cao thu nhập của người dân nuôi biển thông qua việc giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế-xã hội. Từ đó, hướng tới xuất khẩu thủy sản với tiêu chuẩn cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, từng bước hình thành vùng nuôi biển từ 3-6 hải lý để đảm bảo phát triển kinh tế biển, giảm áp lực nuôi biển ven bờ; bảo đảm giảm thiểu xung đột về không gian phát triển giữa các ngành kinh tế tại các khu vực nuôi biển. Tỉnh Khánh Hòa cũng xác định mục tiêu đến năm 2030, chuyển đổi 100% lồng bè nuôi truyền thống sang nuôi lồng nhựa tổng hợp, ứng dụng công nghệ cao, phương thức quản lý hiện đại.

Bài cuối: Quản lý tốt quy hoạch nuôi trồng

Bài và ảnh: Đặng Anh Tuấn (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/vi-the-trung-tam-nuoi-bien-bai-1-ky-vong-nganh-hang-gia-tri-ty-usd-20241217073726319.htm
Zalo