Vị thế mới của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế

Tạo được vị thế mới trong các quan hệ hợp tác, môi trường thuận lợi để phát triển hơn nữa những thị trường truyền thống, đồng thời khai phá thành công những thị trường mới thông qua các FTA mới được kí kết, thực thi... là những kết quả nổi bật của công tác hội nhập kinh tế ngành Công Thương năm 2024.

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương tổ chức chiều 23/12, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết trong năm 2024 công tác hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục nỗ lực đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào kết quả chung của toàn ngành Công Thương.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương tham luận tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Công Thương. (Ảnh: Huyền My)

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương tham luận tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Công Thương. (Ảnh: Huyền My)

Ông Lương Hoàng Thái cho biết, ngay từ đầu năm 2024, Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo công tác hội nhập kinh tế tập trung vào hai hướng.

Hướng thứ nhất, với việc 80% xuất khẩu vào các thị trường cũ, cho nên đối với những đối tác truyền thống, được Bộ trưởng chỉ đạo, công tác hội nhập cố gắng thông qua những cơ chế hợp tác đa phương để chúng ta có thể quan hệ hợp tác một cách bình đẳng với tất cả những đối tác lớn nhất.

Dẫn chứng về những điểm sáng nổi bật của công tác hội nhập trong năm qua, ông Thái chia sẻ: "Có những sự kiện mà trong cuộc đời công tác của chúng tôi có lẽ rất ít khi được chứng kiến, đơn cử như Hội nghị G7 từ trước tới nay chưa bao giờ mời Bộ trưởng Bộ Công Thương nhưng vừa qua Hội nghị G7 tổ chức tại Italia đã mời chúng ta đến và phát biểu về kinh nghiệm hội nhập như thế nào, thu hút đầu tư nước ngoài như thế nào…, qua đó khẳng định vị thế rất lớn của chúng ta. Hay khi tham dự Hội nghị Davos mùa hè tại Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc rất vui mừng khi gặp Bộ trưởng của chúng ta và đề nghị có một diễn đàn, hội nghị song phương để có thể thúc đẩy hợp tác hơn nữa giữa hai bên. Một ví dụ khác là một trong những vụ kiện phòng vệ thương mại đầu tiên xảy ra trong CPTPP, đó là Canada có thể kiện chúng ta nhưng thông qua những biện pháp xử lý một cách hài hòa và đặc biệt có những quan hệ rất đặc biệt thì chúng ta đã xử lý được vụ việc này với họ".

Như vậy, điểm đầu tiên chúng ta làm được đó là tạo được môi trường thuận lợi để phát triển hơn nữa những thị trường truyền thống của chúng ta.

Hướng thứ hai trong công tác hội nhập kinh tế đã được Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo, đó là thông qua những kênh mới để tìm những hướng đi mới. Có thể các thị trường mà chúng ta chưa có mối quan hệ không lớn nhưng bằng mọi cách chúng ta phải đa phương hóa, đa dạng để phát triển những thị trường, những mối quan hệ đó.

Hiện nay, những thị trường FTA chiếm đến khoảng 60% xuất khẩu và Hoa Kỳ chiếm khoảng 20% xuất khẩu của chúng ta. Với những dư địa đó, chúng ta cũng đã đạt được một số kết quả tích cực, trong đó đặc biệt đã khai phá thị trường mới ở khu vực Trung Đông thông qua việc đưa Hiệp định thương mại tự do với Israel vào thực thi và ký kết Hiệp định thương mại tự do với UAE (gọi tắt là CEPA). Với những kết quả đó, chúng ta tạo được một thế tương đối hài hòa và đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác.

Bước vào năm tới 2025 dự kiến tình hình có thể còn khó khăn hơn với những rủi ro về chiến tranh thương mại và khó khăn hơn nữa đối với công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh mong muốn tiếp tục nhận được sự chỉ đạo của Chính phủ cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và địa phương, ông Lương Hoàng Thái đề xuất, kiến nghị về các vấn đề trọng tâm.

Thứ nhất, Chính phủ đã có chỉ đạo đưa công tác hội nhập đi vào thực chất và thực chất ở đây phải gắn đến sự tự cường của đất nước, với lợi ích của các địa phương và của cộng đồng doanh nghiệp. Với định hướng này, chúng ta sẽ phải có nhiều những nỗ lực rất mạnh mẽ trong thời gian tới thì mới có thể đạt được mục tiêu đó.

Riêng về phía Bộ Công Thương, ông Thái cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã cùng với Trường Đại học Ngoại thương triển khai xây dựng một bộ chỉ số đánh giá công tác hội nhập ở các địa phương gọi tên là FTA Index. Bộ chỉ số dự kiến sang năm 2025 bắt đầu đi vào vận hành để giúp địa phương biết mình đứng ở đâu trong công tác hội nhập. Cùng với đó, để thực thi được phải có một hệ sinh thái hỗ trợ cho các địa phương, các doanh nghiệp để làm sao tận dụng hiệu quả nhất những cam kết FTA chúng ta đã có được.

"Đấy là mong mỏi lâu nay mà chúng tôi hy vọng được sự phối hợp của các địa phương và các bộ, ngành để thực thi", ông Thái bày tỏ.

Kiến nghị thứ hai, ông Thái cho biết công tác hội nhập hiện nay rất rộng. Vấn đề mà chúng ta phải xử lý trong năm 2024 không phải về thương mại vì thời gian qua Bộ Công Thương đã rất mạnh dạn trong cải cách thủ tục hành chính, bỏ hết các giấy phép, hạn ngạch… cho nên những khó khăn liên quan đến thương mại không còn nhiều.

Tuy nhiên, theo ông Thái, xu hướng hội nhập trong thời gian tới sẽ liên quan đến những vấn đề như: lao động, môi trường cũng như chuyển đổi xanh về năng lượng, chuyển đổi số… Do vậy cần có sự vào cuộc rất nhiều các bộ, ngành khác nhau và đặc biệt là sự chỉ đạo của Chính phủ.

"Để đạt được mục tiêu trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục có được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ cũng như đại diện của các bộ, ngành đồng hành cùng công tác hội nhập, để mặc dù bối cảnh quốc tế rất phức tạp nhưng chúng ta sẽ tiếp tục xử lý linh hoạt và thuận lợi những khó khăn phía trước", ông Lương Hoàng Thái đề nghị.

Chiều 23/12/2024, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương. Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Cùng tham dự Hội nghị có lãnh đạo Bộ Công Thương, đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương; các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Bộ Công Thương và kết nối trực tuyến với mạng lưới các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.

Báo cáo của Bộ Công Thương và ý kiến, tham luận của đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp cũng như các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ Công Thương cho thấy, năm 2024 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ban, ngành, địa phương, Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp nhằm đạt kết quả các nhiệm vụ được giao. Đến nay, có thể khẳng định, ngành Công Thương đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024.

Trong đó, công tác hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả; khai mở thành công thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, Châu Phi với việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) trong thời gian đàm phán ngắn kỷ lục (16 tháng), góp phần mở rộng thêm xa lộ hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam...

Hoàng Phương

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/vi-the-moi-cua-viet-nam-trong-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-131540.htm
Zalo