Vị thế của một cực tăng trưởng phía Nam
Theo Quy hoạch vùng huyện Phú Bình đến năm 2040, UBND tỉnh Thái Nguyên đề ra mục tiêu xây dựng địa phương này trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại và đạt các tiêu chí thị xã trước năm 2030. Thực hiện định hướng này, cấp ủy, chính quyền huyện đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, tận dụng cơ hội phát triển.
![Dự án Khu đô thị số 12 - Danko River, tại thị trấn Hương Sơn, Phú Bình, đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_458_51441332/c6cd5c6b6825817bd834.jpg)
Dự án Khu đô thị số 12 - Danko River, tại thị trấn Hương Sơn, Phú Bình, đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng.
Tiềm năng và cơ hội
Phú Bình nằm ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh, cách trung tâm TP. Thái Nguyên hơn 20km. Phía Đông và phía Nam huyện giáp tỉnh Bắc Giang, phía Tây giáp TP. Phổ Yên, TP. Sông Công, phía Bắc giáp huyện Đồng Hỷ.
Trên địa bàn huyện có khoảng 68km tỉnh lộ, có Quốc lộ 37 đi qua với trên 17km, nối liền địa phương với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Vị trí địa lý và mạng lưới giao thông thuận lợi giúp huyện mở rộng giao thương với các vùng kinh tế trọng điểm trong và ngoài tỉnh.
Với địa hình đồng bằng xen lẫn đồi núi thoải, cùng nguồn nước tưới phục vụ sản xuất dồi dào, huyện còn có điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng cây trồng và kinh tế vườn đồi. Hiện nay, Phú Bình là địa phương có sản phẩm nông nghiệp đa dạng, diện tích các loại cây trồng và tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất tỉnh. Nhờ thế mạnh này, huyện có tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và nông nghiệp công nghệ cao.
Ngoài ra, Phú Bình còn có lợi thế về nguồn lao động dồi dào. Hiện nay, toàn huyện có trên 99.000 người trong độ tuổi lao động (chiếm khoảng 60% dân số), trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 77,5%. Đây là yếu tố thuận lợi để huyện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế ở nhiều lĩnh vực.
![Cụm công nghiệp Kha Sơn đang tạo việc làm cho trên 5 nghìn lao động.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_458_51441332/e78f412975679c39c576.jpg)
Cụm công nghiệp Kha Sơn đang tạo việc làm cho trên 5 nghìn lao động.
Xuất phát từ tiềm năng, lợi thế đó, thời gian qua, huyện Phú Bình được tỉnh quan tâm quy hoạch 5 khu công nghiệp, 8 cụm công nghiệp dọc các tuyến giao thông huyết mạch. Khu công nghiệp Điềm Thụy và Cụm công nghiệp Kha Sơn đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 25.000 lao động. Các khu, cụm công nghiệp còn lại đang trong quá trình lập quy hoạch chi tiết, lựa chọn nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện cũng có các dự án, công trình trọng điểm, mang tính liên kết vùng của tỉnh đã và đang được triển khai, như: Đường Vành đai V (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang); tuyến kết nối ĐT.261 và ĐT.266… Các dự án nhằm tăng tính kết nối giữa địa phương với các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện để các nhà đầu tư rút ngắn thời gian di chuyển và chi phí đầu tư, tăng sức cạnh tranh cho mảnh đất giàu tiềm năng này.
Sự quan tâm đầu tư của tỉnh đang mở ra cho Phú Bình cơ hội lớn để phát triển trở thành cực tăng trưởng mới của Thái Nguyên trong thời gian tới.
![Tổng đàn gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 2,5 triệu con, đây là nguồn thu giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_458_51441332/8d662ec01a8ef3d0aa9f.jpg)
Tổng đàn gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 2,5 triệu con, đây là nguồn thu giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu.
Nắm bắt để phát triển
Để biến tiềm năng, cơ hội thành động lực phát triển, huyện Phú Bình đã triển khai các giải pháp đồng bộ, then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó trọng tâm là xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. UBND huyện đã lồng ghép và sử dụng hợp lý các nguồn vốn để nâng cấp đường giao thông do huyện, xã quản lý.
Thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, từ năm 2021 đến nay UBND huyện phân bổ trên 500 tỷ đồng thực hiện 50 công trình, dự án giao thông. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trên 65.000 tấn xi măng và khoảng 153 tỷ đồng đã được phân bổ để nâng cấp, mở rộng giao thông.
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng tổ chức triển khai lập các quy hoạch chi tiết, triển khai giải phóng mặt bằng và thu hút nhà đầu tư thực hiện các dự án khu dân cư, khu đô thị. Đến nay, toàn huyện đã và đang quy hoạch 81 dự án khu dân cư, khu đô thị với diện tích 1.959,73 ha; trong đó có 7 dự án đã cơ bản hoàn thành. Các dự án khu dân cư, khu đô thị được triển khai và đưa vào sử dụng sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hạ tầng, thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Cải thiện môi trường đầu tư cũng là giải pháp được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng thực hiện. UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ; nâng cao hiệu quả dịch vụ công trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp. Năm 2024, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đạt 96,9%; hồ sơ giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt 99,4%.
![Các sản phẩm chủ lực của huyện thường xuyên được trưng bày, quảng bá tại những chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài huyện.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_458_51441332/246389c5bd8b54d50d9a.jpg)
Các sản phẩm chủ lực của huyện thường xuyên được trưng bày, quảng bá tại những chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài huyện.
Đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư, hằng năm, Huyện ủy, UBND huyện thường xuyên tổ chức đối thoại để nắm bắt và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong phát triển sản xuất và triển khai công trình, dự án trên địa bàn. Riêng trong năm 2024, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức 2 buổi đối thoại với các doanh nghiệp trong và ngoài huyện.
Với sự nỗ lực, chủ động của cấp ủy, chính quyền địa phương, huyện Phú Bình đang không ngừng chuyển mình vươn lên. Hiện nay, cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ ngày càng phát triển.
Năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 25.629,4 tỷ đồng, tăng trên 1,3 nghìn tỷ đồng so với năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3512,1 tỷ đồng, tăng trên 560 triệu đồng so với năm 2023.
Thời gian tới, UBND huyện sẽ ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, phấn đấu xây dựng huyện Phú Bình cơ bản đạt các tiêu chuẩn thị xã trong năm 2025 và trở thành thị xã trước năm 2030. Cùng với đó, huyện cũng triển khai thực hiện tốt công tác thu ngân sách để có nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số cũng sẽ được đẩy mạnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư.