Vị tết, hương xuân trong lòng người xa xứ
Dẫn lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 'Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài, nhưng vắn dài đều họp nhau nơi bàn tay; trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi tổ tiên ta', Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định tại Chương trình Xuân quê hương 2025 rằng, trong thành tựu to lớn của dân tộc, luôn có sự chung tay, góp sức quan trọng của đồng bào ta ở nước ngoài, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chính là tiền đề đem lại mọi thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta.
Chiếc bánh chưng, khoanh giò lụa, lốc lịch xuân hay cành đào, phong bao lì xì thắm đỏ vẫn luôn là hình ảnh mến thương của quê hương Việt Nam trong nỗi nhớ của mỗi con người nơi xa xứ.
“Năm nay, bà con định cư bên này về Việt Nam ăn Tết đông nhưng người sang mới cũng nhiều, đa số là giới trẻ nên bầu không khí sắm Tết hồ hởi, phấn khởi hơn. Nhà có cả đào phai Nhật Tân, còn đào bích thì muộn hơn, sau 23 tháng Chạp” - chị Hà Hoàng, một cái tên quen thuộc trong trong mảng kinh doanh thực phẩm và ẩm thực châu Á tại Hungary cho biết. Chị Hoàng và chồng là anh Mạnh, hay được bà con gọi bằng cái tên thân mật Mạnh “Rau” sở hữu một cơ sở thực phẩm tại khu chợ Việt rộng rãi ở quận 8, thủ đô Budapest. Khách vào đây không có cảm giác đang ở châu Âu khi cảnh quan và người bán đa phần là châu Á. Nếu muốn tìm đến một hình ảnh chợ Việt Nam thu nhỏ với không khí đón Tết cổ truyền thì đây là địa điểm lý tưởng.
![Chủ tịch nước Lương Cường cùng kiều bào thăm khu di tích Hoàng thành Thăng Long nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Ảnh: Báo QĐND.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_99_51437508/ea27731a4854a10af845.jpg)
Chủ tịch nước Lương Cường cùng kiều bào thăm khu di tích Hoàng thành Thăng Long nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Ảnh: Báo QĐND.
Tết đến, xuân về là dịp thiêng liêng của mỗi người con đất Việt, là thời khắc để mỗi người con xa xứ trở về với cội nguồn và văn hóa dân tộc. Dù sống xa quê hương nhưng với cộng đồng người Việt tại Vương quốc Hà Lan, mùa xuân vẫn luôn trọn vẹn ý nghĩa nhờ những hoạt động đầy ấm áp và gắn kết mà Đại sứ quán Việt Nam tổ chức.
Chị Ngô Bích Ngọc, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hà Lan cho biết, buổi tiệc đón Tết ngày 18/1 vừa qua do Đại sứ quán tổ chức đã mang đến không gian văn hóa truyền thống, nơi những tà áo dài duyên dáng khẽ đong đưa trong điệu múa uyển chuyển, nơi tiếng trống lân rộn ràng khơi dậy ký ức tuổi thơ và nơi những lời ca, điệu chèo, tiếng đàn tranh thấm đẫm hồn dân tộc lan tỏa trong lòng mỗi người tham dự. Không khí Tết càng trở nên rộn ràng và đặc sắc khi sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại được thể hiện qua những bản rap trẻ trung của các bạn sinh viên. Chính sự kết hợp tinh tế ấy đã vẽ nên bức tranh văn hóa Việt Nam đa sắc màu làm ấm lòng những người con xa xứ và giới thiệu nét đẹp quê hương đến bạn bè quốc tế.
“Dẫu cách xa quê hương nửa vòng trái đất nhưng tình yêu với Tết Việt, với hồn quê và cội nguồn vẫn mãi mãi vẹn nguyên trong lòng mỗi người con đất Việt. Hãy cùng nhau gìn giữ và phát huy ngọn lửa văn hóa dân tộc để dù ở bất kỳ nơi đâu, chúng ta vẫn luôn tự hào là người Việt Nam - những người con của mảnh đất giàu bản sắc và tình yêu thương” - chị bày tỏ.
Ngày 2/2, tức mùng 5 Tết Ất Tỵ, lễ hội Tết Việt 2025 đã diễn ra trong không khí tưng bừng và ấm áp tại thành phố Higashi-Hiroshima, Nhật Bản. Lễ hội không chỉ là dịp để những Việt kiều xa quê có cơ hội hòa mình vào không khí Tết Nguyên đán của dân tộc mà còn là dịp để bạn bè Nhật Bản có cơ hội trải nghiệm thêm về văn hóa truyền thống và ẩm thực Việt Nam.
Tổng lãnh sự Vũ Chi Mai đã dành những lời chúc Tết tốt đẹp cho cộng đồng người Việt tại đây, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản tại Hiroshima đầu tư hơn nữa vào Việt Nam. Bà hy vọng Đại học Hiroshima sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ thông qua Trung tâm Việt Nam (Vietnam Center) của trường đại học này, do Giáo sư Trần Đăng Xuân (Chủ tịch VJS) làm Giám đốc.
Về phần mình, Thị trưởng thành phố Higashi-Hiroshima, ông Hironori Takagaki cùng 2 nghị sĩ Minoru Terada và Seiki Soramoto đều đánh giá cao vai trò quan trọng của cộng đồng người Việt Nam đối với nền kinh tế của Hiroshima. Với tần suất bay thẳng 3 chuyến/tuần từ Hà Nội đến Hiroshima, ông Hironori Takagaki mong muốn sẽ có nhiều hơn nữa khách du lịch Việt Nam đến thăm Hiroshima với các địa danh như bảo tàng bom nguyên tử cũng như di sản văn hóa thế giới Miyajima. Hiroshima là một trong những khu vực kinh tế trọng điểm của Nhật Bản, là nơi có hơn 20.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc. Nếu tính cả khu vực Trung Nam Nhật Bản, số người Việt Nam lên tới gần 60.000 người. Cộng đồng người Việt tại đây luôn được phía Nhật Bản đánh giá cao và đã trở thành lực lượng lao động quan trọng, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực.
Mỗi dịp Tết đến, Trung tâm Văn hóa quận Woluwe Saint-Pierre ở thủ đô Brussels lại trở thành điểm hội ngộ ấm áp của cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ. Ngày 2/2, tức mùng 5 Tết Ất Tỵ, Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ (UGVB) đã tổ chức lễ hội Tết Nguyên đán thu hút đông đảo bà con kiều bào đang sinh sống, học tập, làm việc tại Bỉ cũng như từ các quốc gia lân cận đến chung vui. Không gian Trung tâm Văn hóa rực rỡ sắc xuân với hình ảnh áo dài truyền thống, cành đào, cành mai tươi thắm, câu đối đỏ... tạo nên một bức tranh ngày Tết đậm đà bản sắc dân tộc. Bà con người Việt háo hức hòa mình vào không khí xuân đầm ấm, gợi nhớ đến quê hương.
Chị Quang Thị Minh đến từ thành phố Lille (Pháp) cùng chồng và một số người bạn vượt biên giới sang Brussels để tham dự chương trình. Chị xúc động nói rằng, không khí ngày Tết Việt ấm áp nơi đây giúp chị như được sống giữa lòng quê hương, vơi bớt nỗi nhớ nhà. Còn với ông Cao Văn Sự, người đã có 59 năm gắn bó với nước Bỉ, bày tỏ mong muốn năm Ất Tỵ sẽ mang lại sự phát triển cho quê hương, sự thịnh vượng cho cộng đồng người Việt tại Bỉ và hòa bình cho thế giới.
Xuân xa xứ, nhớ những chuyến trở về quê đong đầy ý nghĩa. Xúc động ngay khi đến Trường Sa trong những ngày đầu hè 2023, nhìn biển trời bao la, niềm cảm xúc trào dâng, anh Trần Văn Minh (kiều bào tại Đức) đã viết ngay bài thơ “Trường Sa xa mà gần” trên boong tàu với những vần thơ mộc mạc, giản dị hòa lẫn trong tiếng sóng, gió biển khơi. Anh kể, tháng 4/2023, anh vinh dự được cùng 47 đại biểu kiều bào đến từ 22 quốc gia trên thế giới tham gia đoàn công tác số 4 do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức, thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Tại các điểm đến, anh cùng đoàn kiều bào được nghe, tìm hiểu về tình hình công tác, đời sống của cán bộ, chiến sĩ; thăm hỏi, động viên và tặng quà quân dân tại các điểm đảo... Ngoài ra, anh cũng đã tham gia sôi nổi các cuộc giao lưu văn nghệ, hòa cùng anh em chiến sĩ bằng việc hát và đọc thơ về Trường Sa, gửi gắm những tâm sự, tình cảm của mình tới biển đảo quê hương. Anh chia sẻ, ra Trường Sa là niềm ao ước, mong chờ của đông đảo người Việt ở nước ngoài.
Trong Chương trình Xuân quê hương 2025 có sự tham dự của 1.500 kiều bào đang sinh sống và làm việc tại 42 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Với chủ đề “Việt Nam - vươn lên trong kỷ nguyên mới”, chương trình mang thông điệp gắn với các sự kiện quan trọng của đất nước, thể hiện khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định, người Việt Nam dù đang sống ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, dù hoàn cảnh sống khác biệt ra sao nhưng mỗi khi Tết đến, xuân về luôn hướng về quê hương, nguồn cội. Ngày Tết không chỉ là dịp để đoàn tụ, sum họp gia đình mà còn là dịp để tôn vinh, khẳng định giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, để nhắc nhở mỗi người, dù xa xôi cách trở, vẫn là một phần không thể tách rời của quê hương, đất nước. Đó chính là sợi dây thiêng liêng, kết nối bền chặt giữa những người con xa quê với Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Chủ tịch nước cho biết, Đảng, Nhà nước và đồng bào ở trong nước luôn quan tâm, dõi theo tình hình bà con ta ở nước ngoài và vô cùng phấn khởi, tự hào khi thấy năm qua, dẫu phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song đồng bào ta vẫn giữ tâm vững, nuôi chí bền, vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn; không ít bà con đã khẳng định được vị trí của mình trong xã hội sở tại, có người được ghi danh vào bản đồ trí tuệ thế giới. Đây là minh chứng rõ nét cho những tố chất đáng quý của người Việt Nam: bản lĩnh trong khó khăn, quật cường trước nghịch cảnh, ý chí vươn lên trước phong ba bão táp; khẳng định vị thế ngày càng vững chắc của cộng đồng người Việt trên trường quốc tế.
Dẫn lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài, nhưng vắn dài đều họp nhau nơi bàn tay; trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi tổ tiên ta”, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong thành tựu to lớn của dân tộc, luôn có sự chung tay, góp sức quan trọng của đồng bào ta ở nước ngoài, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chính là tiền đề, mang đến mọi thắng lợi to lớn, vẻ vang của dân tộc ta. Chúng ta ghi nhớ hôm qua để trân trọng hôm nay, nuôi khát vọng ngày mai, khép lại những gì đã qua, cùng nhau gìn giữ, vun đắp cho khối đại đoàn kết toàn dân, hướng về tương lai tươi sáng của dân tộc...