Vì sao150 tấn rác thải COVID-19 ở Bình Thuận 4 năm qua chưa được thanh toán tiền?

2 công ty thu gom xử lý 150 tấn rác thải COVID-19 nhưng 4 năm vẫn chưa được thanh toán tiền vì thiếu cơ chế.

UBND tỉnh Bình Thuận vừa có công văn gởi Bộ Y tế và Bộ Tài chính xin ý kiến giải quyết việc xử lý chất thải chứa SARS CoV-2 (rác thải COVID-19) tại 10 cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 do Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận phụ trách.

Theo đó trong năm 2021, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, đặc biệt tại TP Phan Thiết, các cơ sở điều trị đều quá tải.

UBND tỉnh đã thành lập 10 cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 nhẹ và không có triệu chứng do Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận phụ trách, nhờ đó đã góp phần quản lý được các trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn TP Phan Thiết.

 Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận thời điểm dịch COVID-19.

Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận thời điểm dịch COVID-19.

Quá trình thực hiện, số lượng rác thải COVID-19 tại 10 cơ sở này cũng tăng theo từng ngày. Mặc dù Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai xử lý tại hệ thống xử lý chất thải của bệnh viện và có ký hợp đồng với Công ty Cổ phần môi trường Khánh Hòa để xử lý nhưng số lượng rác thải nguy hại phát sinh từ 10 cơ sở này quá lớn dẫn đến tình trạng tồn đọng, ô nhiễm.

Do đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã liên hệ với Công ty Cổ phần môi trường xanh PEDACO (TP.HCM) để nhờ hỗ trợ.

Sau đó, rác thải COVID-19 tại 10 cơ sở này đã được 2 công ty thu gom và xử lý dứt điểm đến hết ngày 31-12-2021 với khối lượng là 151.980 kg.

 Khoa Sản Bệnh viện Bình Thuận từng bị phong tỏa do COVID-19.

Khoa Sản Bệnh viện Bình Thuận từng bị phong tỏa do COVID-19.

Để thanh toán cho 2 công ty trên (mức giá 2 công ty đề xuất là 27.500 đồng/kg đã bao gồm chi phí vận chuyển và thấp hơn giá thu gom chất thải y tế tạm thời 33.000 đồng/kg, chưa kể chi phí vận chuyển), ngành y tế đã có các văn bản báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế và Bộ Tài chính nhưng đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa có văn bản hướng dẫn.

Riêng Bộ Y tế có văn bản yêu cầu thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về mua sắm, đấu thầu và các văn bản có liên quan.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, việc xử lý rác thải COVID-19 do Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận phụ trách diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra hết sức phức tạp. Cạnh đó đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ nên không thể thực hiện các quy trình lựa chọn nhà thầu theo quy định.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng cho biết tại Quyết định ngày 5-8-2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 có giao cho UBND tỉnh: “Chỉ định đơn vị chịu trách nhiệm vận chuyển, xử lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 phát sinh từ các cơ sở y tế, cơ sở cách ly y tế tập trung, cách ly tại nhà và nơi lưu trú trên địa bàn, đảm bảo kịp thời hàng ngày…Thực hiện xử lý chất thải lây nhiễm tại chỗ bằng công trình/thiết bị xử lý hiện có hoặc hợp đồng với đơn vị xử lý môi trường do UBND cấp tỉnh chỉ định để vận chuyển, xử lý…”

Tại Công văn ngày 25-8-2021, Bộ Y tế cũng đề nghị UBND cấp tỉnh: “Chỉ định đơn vị chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 và các chất thải khác tại các cơ sở cách ly, khu vực phong tỏa, nơi cách ly tại nhà, các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn, không để tình trạng chất thải không được thu gom, xử lý kịp thời, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh...”.

 Một chốt tại TP Phan Thiết khi thực hiện Chỉ thị 16.

Một chốt tại TP Phan Thiết khi thực hiện Chỉ thị 16.

UBND tỉnh khẳng định việc Bệnh viện Đa khoa tỉnh liên hệ với 2 công ty để thu gom và xử lý rác thải COVID-19 tránh nguy cơ ô nhiễm môi trường làm lây lan dịch bệnh trong điều kiện cấp bách là cần thiết. Tuy nhiên, trong điều kiện bình thường mới hiện nay tỉnh Bình Thuận không có cơ sở để thực hiện thanh toán cho 2 công ty nói trên với kinh phí tổng cộng hơn 4 tỉ đồng.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, hiện Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 80/2023/QH15 về tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có chỉ đạo xử lý những khó khăn trong quá trình phòng, chống dịch... Do đó, UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ Y tế và Bộ Tài chính xem xét, tổng hợp trình Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về trình tự, thủ tục, hồ sơ, chứng từ thanh toán… đối với việc xử lý hơn 150 tấn rác thải COVID-19 nói trên.

PHƯƠNG NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao150-tan-rac-thai-covid-19-o-binh-thuan-4-nam-qua-chua-duoc-thanh-toan-tien-post843831.html
Zalo