Tuyên Quang trong trái tim của người Bình Thuận
Hai tỉnh Bình Thuận – Tuyên Quang đã trải qua 65 năm tình nghĩa vẹn tròn, bằng niềm tin bền vững để tỏa sáng lan xa tình cảm sắt son hơn ruột thịt. 50 năm, ngày giải phóng quê hương Bình Thuận (19/4/ 1975 – 19/4-2025), ân tình này lại thêm một lần nhắc nhớ khi trong gian khổ chiến tranh, Tuyên Quang luôn bên Bình Thuận. Vậy nên trong trái tim của người Bình Thuận luôn có Tuyên Quang.
1. Cô Nguyễn Thị Hữu Nam ( Phường Phú Thủy, Tp Phan Thiết)

Bình Thuận và Tuyên Quang là 2 tỉnh kết nghĩa trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Mối tình kết nghĩa này ngày càng được gắn kết nghĩa tình hơn vào những năm sau hòa bình thống nhất đất nước. Tình cảm ấy được 2 tỉnh luôn trân trọng, giữ gìn và ngày càng phát triển tốt đẹp hơn lên, như: Tại Tuyên Quang đã đặt tên đường Phan Thiết, trường Phan Thiết và một phường mang tên Bình Thuận. Cũng như Bình Thuận cũng đã có Trường Tuyên Quang, đường Tuyên Quang. Tôi rất vui khi nhà của tôi nằm trên đường Tuyên Quang. Và sắp đến theo tôi khi thực hiện Đề án sắp xếp đơn vi hành chính (ĐVHC) cấp xã - tinh gọn bộ máy, cần nên có một đơn vị hành chính mang tên Tuyên Quang. Việc làm này vừa là thể hiện tình cảm trước sau vừa là nghĩa tình, là nguyện vọng của cán bộ và nhân dân Bình Thuận đối với tỉnh Tuyên Quang kết nghĩa.

Đường Tuyên Quang tại Phan Thiết.
Tôi muốn dành bài thơ nhỏ như xuất phát từ trái tim gởi đến Tuyên Quang:
Mối tình Bình Thuận - Tuyên Quang
Thủy chung son sắt một lòng không phai
Địa danh tỉnh đặt tên Phường
Địa danh gắn với trường, đường của nhau
Mặn nồng thắm thiết biết bao
Sông sâu biển mặn, núi cao sao bằng
Cà Ty chẳng đổi thay dòng
Sông Lô sóng biếc, dập dìu Bình Ca
Từ Dục Thanh đến Tân Trào
Vĩnh dự Bác đến - tự hào 2 quê
Như sự trùng hợp ngẫu nhiên
Hai nơi Bác đến - kết duyên nghĩa tình
Lịch sử đậm nét son vàng
Mối tình son sắt bên nhau muôn đời !
2. Anh Nguyễn Anh Tiến (Huyện Hàm Thuận Bắc)

Trong một chuyến công tác tháng 12 năm 2024, tôi có dịp đặt chân đến Tuyên Quang – mảnh đất thiêng liêng được mệnh danh là “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”, nơi từng ghi dấu những bước chân đầu tiên của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Dẫu trước đó đã từng đọc không ít tài liệu, nghe kể bao câu chuyện về Tuyên Quang nhưng chỉ đến khi thực sự được bước vào không gian núi rừng nơi đây, tôi mới thấy mình thật sự nhỏ bé trước chiều sâu lịch sử và vẻ đẹp thầm lặng của đất và người.
Tuyên Quang trong tôi không chỉ là địa danh gắn liền với các dấu mốc lịch sử, mà còn là biểu tượng của lòng trung kiên, sự giản dị và thủy chung với cách mạng. Người dân nơi đây – từ các cụ già từng trải đến những em bé vùng cao – đều toát lên vẻ hiền hậu, thân thiện và giàu tình cảm. Chỉ cần một ánh mắt, một lời chào cũng đủ để người phương xa như tôi cảm thấy ấm lòng.
Tôi đặc biệt ấn tượng với cách mà Tuyên Quang làm du lịch gắn với lịch sử. Không ồn ào náo nhiệt, không nhuốm màu thương mại hóa, tỉnh đã giữ nguyên vẹn các “địa chỉ đỏ” như Đình Tân Trào, Lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào..., tạo nên một không gian gần gũi, chân thực để du khách như được sống lại không khí những năm tháng kháng chiến gian khó. Mỗi tấm bia, mỗi mái nhà sàn, mỗi thân cây cổ thụ ở đây dường như vẫn thì thầm kể chuyện – những câu chuyện về lòng yêu nước, đức hy sinh và ý chí kiên cường của cha ông.

Trường Phan Thiết tại Tuyên Quang,
Và trong những cảm xúc thiêng liêng ấy, tôi càng xúc động hơn khi nghĩ đến tình cảm son sắt, thủy chung giữa hai địa phương: Tuyên Quang và Bình Thuận. Một miền núi phía Bắc – cái nôi cách mạng, một dải đất miền Trung – nơi nắng gió tôi luyện tinh thần kiên cường của người dân xứ biển. Tuy xa cách địa lý, nhưng hai vùng đất ấy lại gắn bó máu thịt trong mạch nguồn cách mạng, trong chung một lý tưởng, một niềm tin son sắt vào Đảng, vào Bác Hồ.Trong những năm kháng chiến, không ít người con Bình Thuận đã từng hành quân, học tập, công tác tại căn cứ địa Việt Bắc – trong đó có Tuyên Quang. Ngược lại, nhiều cán bộ, chiến sĩ từ Tuyên Quang đã từng vào Nam, hòa mình với phong trào cách mạng tại Bình Thuận. Tình đồng chí, nghĩa đồng bào được đúc kết từ cùng một khát vọng độc lập, cùng một ý chí chiến đấu vì dân tộc. Truyền thống ấy không hề bị lãng quên mà vẫn tiếp tục được bồi đắp trong thời bình, bằng những chương trình kết nghĩa giữa đoàn viên thanh niên hai tỉnh, những chuyến thăm, học tập lẫn nhau đầy xúc động.
Chuyến đi để lại trong tôi nhiều suy ngẫm. Giữa nhịp sống hiện đại hối hả, được trở về với vùng đất của lịch sử, của lòng yêu nước và niềm tin son sắt với Đảng, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để sống có lý tưởng hơn, biết trân trọng hơn những giá trị mà cha ông đã dày công gìn giữ và rằng mỗi người trẻ hôm nay có trách nhiệm sống sao cho xứng đáng với những giá trị đã được vun đắp từ máu, mồ hôi và lý tưởng của các thế hệ đi trước.
3. Anh Nguyễn Ngọc Ẩn – Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Bình Thuận

Anh Nguyễn Ngọc Ẩn (áo trắng) của gần 20 năm trước khi đến với Tuyên Quang.
Sáng nay, đọc báo nghe thông tin Bình Thuận chúng ta sẽ có một xã mang tên Tuyên Quang làm cho tôi trào dâng một cảm xúc khó tả. Đó là cảm xúc hạnh phúc,cảm xúc tự hào khi mà tình cảm giữa hai tỉnh không phai mờ theo năm tháng mà ngày càng sâu đậm, bền vững.
Tôi nhớ lại cách đây gần 20 năm, vào năm 2006 lần đầu tiên ra Hà Nội đi dự liên hoan Tổng phụ trách đội giỏi tòan quốc. Lần đầu tiên đến với Hà Nội nên tôi vô cùng bỡ ngỡ, bỗng nhiên có các bạn đoàn Tuyên Quang đi tìm đoàn Bình Thuận. Gặp nhau, hai bên mừng lắm, vì nghe là đơn vị kết nghĩa nhưng mà chưa bao giờ gặp mặt lần nào. Do đó, trong 1 tuần ở tại Hà Nội và Quãng Ninh để tham dự chương trình, 2 bên rất gắn bó với nhau. Sau đó, được lời mời của các bạn tỉnh đoàn Tuyên Quang, tôi đã đến nơi này. Sự chân tình, gần gủi, ấm áp của Tuyên Quang dành cho Bình Thuận, cho bản thân tôi khiến cho tôi vô cùng hạnh phúc. Từ ngày đó, các mối quan hệ ngày càng trở nên khắng khiết, tôi còn được nhận làm con nuôi của một gia đình ở phường Phan Thiết, tỉnh Tuyên Quang.

Phường Phan Thiết tại Tuyên Quang.
Tôi được biết, năm 1960, giữa lúc đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ, hai tỉnh Bình Thuận – Tuyên Quang đã chính thức kết nghĩa, từ đó mở ra một chặng đường dài đầy nghĩa tình và sẻ chia. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, người dân Tuyên Quang đã dành những gì tốt đẹp nhất của mình để gửi về hậu phương miền Nam, đặc biệt là vùng đất Bình Thuận – nơi còn chịu nhiều gian khổ. Những gói quà nhỏ, những bức thư động viên, những giọt máu đào từ miền núi phía Bắc đã tiếp thêm sức mạnh cho chiến sĩ và nhân dân miền Nam kiên cường kháng chiến. Sau ngày đất nước thống nhất, mối quan hệ ấy không dừng lại mà ngày càng được bồi đắp qua nhiều hoạt động thiết thực. Hai địa phương duy trì giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, cùng nhau hướng đến mục tiêu chung là nâng cao đời sống nhân dân. Đặc biệt, các thế hệ trẻ ở cả hai tỉnh đã có nhiều dịp gặp gỡ, giao lưu để hiểu thêm về lịch sử kết nghĩa, từ đó hun đúc tinh thần yêu nước, đoàn kết và trách nhiệm với quê hương đất nước.
4. Trần Thị Thanh Thảo (phường Xuân An –Tp Phan Thiết)
Bình Thuận – Tuyên Quang, hai địa danh ở hai miền Nam - Bắc, mối quan hệ kết nghĩa được tiếp nối suốt 65 năm đã trở thành mối quan hệ gắn bó thiêng liêng, bền chặt, được đúc kết từ sự sẻ chia, đoàn kết và nghĩa tình sâu nặng, thắm thiết, thủy chung. Người Bình Thuận đến Tuyên Quang được trở về ngôi nhà của mình khi nhìn quanh đâu đâu cũng là những cái tên thân thuộc; Tuyên Quang ưu ái dành cho Bình Thuận, Phan Thiết những gì tốt đẹp nhất, những con đường rộng thênh thang mang tên đường Phan Thiết, đường Bình Thuận; những địa điểm trung tâm sầm uất mang tên phường Phan Thiết; những trường học, cửa hàng mang tên Bình Thuận, Phan Thiết;… Người Tuyên Quang gặp người Bình Thuận, họ mừng rỡ, niềm nở chào đón như đón người thân ở xa trở về. Ở đâu, người dân cũng rất nhiệt tình, hiếu khách, dành cho người Bình Thuận những tình cảm chân thành, nghĩa tình, mà sự hiếu khách ấy xuất phát từ tấm lòng chân thành của người Tuyên Quang, không khách sáo, không khoa trương và khiến người nhận được vô cũng xúc động. Có thể nói, khoảng cách địa lý chưa bao giờ làm vơi đi sự gắn bó giữa hai địa phương, giữa người Tuyên Quang và người Bình Thuận. Người Bình Thuận luôn nhắc đến Tuyên Quang với một niềm cảm mến chân thành. Người Tuyên Quang dành cho người Bình Thuận sự yêu thương trân quý. Tiếp nối sợi dây gắn kết giữa 2 tỉnh, những chuyến thăm, những phần quà nghĩa tình, những chương trình giao lưu của các thế hệ… đã vun đắp thêm sự hiểu biết, tình cảm và lòng quý trọng lẫn nhau. Trải qua bao thăng trầm, tình cảm đó vẫn luôn vững bền, thậm chí ngày càng sâu sắc hơn.

Trường Tuyên Quang tại Bình Thuận.
Người Bình Thuận không chỉ dõi theo bước phát triển của Tuyên Quang, mà còn cảm thấy tự hào khi chứng kiến vùng đất ấy ngày càng đổi mới, văn minh, phát triển. Trong các cuộc gặp gỡ, giao lưu, người dân hai tỉnh vẫn gọi nhau là “anh em một nhà” – một cách gọi mộc mạc nhưng chứa đựng bao nhiêu yêu thương, gắn bó. Tuyên Quang đã, đang và sẽ mãi ở trong trái tim người Bình Thuận; dù thời gian có trôi đi, dù có những thay đổi về tên gọi, thế hệ tiếp nối thế hệ, vẫn giữ vẹn nguyên tình cảm giữa hai tỉnh và sẽ tiếp tục được gìn giữ, vun đắp và phát huy; bởi hơn cả một mối quan hệ kết nghĩa, đó là một tình cảm thiêng liêng đã thành máu thịt – Tuyên Quang trong trái tim người Bình Thuận.