Vì sao xuất hiện tòa nhà của Cục Tình báo Mật ?

Tưởng như các tòa nhà của các cơ quan tình báo phải được giấu kín đối với tất cả mọi người, từ những công dân bình thường đến khách qua đường. Nhưng giả thuyết này không phù hợp với trụ sở của Cục Tình báo Mật Anh (SIS hoặc MI6), vốn được xây dựng bên bờ sông Thames, ngay tại khu phố cổ London. Hơn nữa, nó nằm trong một tòa nhà hoành tráng từ xa thu hút sự chú ý của mọi người.

Giữa thanh thiên bạch nhật

Nếu cần che giấu điều gì đó khỏi tầm mắt của dân thường hoặc các quốc gia lân cận, chính phủ luôn tìm mọi cách để làm điều đó mà không thu hút sự chú ý của công chúng và các cơ quan tình báo nước ngoài. Ở đây, chúng ta đang nói về chính phủ Vương quốc Anh, một nước có thể dễ dàng xây dựng các cơ sở bí mật và trụ sở để đặt các cơ quan tình báo một cách bí mật và hoàn toàn không bị chú ý. Nhưng không, ngay từ khi mới ra đời, các cơ quan tương tự, kể cả Cục Tình báo Bộ Ngoại giao Anh (Phòng Mật vụ năm 1909, Cục Tình báo Mật năm 1920, còn trong Thế chiến thứ hai, thường được gọi là MI6 hay Tình báo quân đội - Bộ phận 6) không hề có ý định xây dựng các tòa nhà của riêng mình.

Thông qua những kẻ giả mạo, ban đầu chính phủ thuê các dinh thự và sau đó là các tổ hợp văn phòng dưới những cái tên tưởng tượng nhằm đánh lạc hướng những người xung quanh và các cơ quan tình báo nước ngoài mà không gây chú ý đặc biệt đến chức năng của cơ quan do mình thành lập.

Thủ tướng Margaret Thatcher.

Thủ tướng Margaret Thatcher.

Tình báo quân đội bị giải mật

Không một thủ đoạn, mánh khóe nào của Mansfield George Smith-Cumming, người sáng lập và giám đốc đầu tiên của Cục Tình báo Mật có thể cứu cơ quan này khỏi bị phát hiện. Bất chấp một thực tế là bản thân ông luôn tìm cách giữ bí mật tối đa, trốn tránh cấp trên để không ai biết mình ở đâu. Cựu sĩ quan hải quân Mansfield George Smith-Cumming đã lãnh đạo tổ chức này cẩn thận và bí mật đến mức ông thậm chí còn đưa ra quy tắc riêng của mình là ký tất cả các văn bản bằng mực xanh, loại mực mà cho đến nay cấp trên vẫn sử dụng.

Tuy nhiên, chữ ký của ông chỉ có một chữ in hoa “C” nên Smith-Cumming thường được gọi là “Thủ trưởng C”. Đáng chú ý là trong nhiều thập kỷ, trước khi Chiến tranh lạnh bắt đầu, khiến tình hình chính trị thế giới trở nên phức tạp, người ta thường thuê những cơ sở thương mại khác nhau làm trụ sở cho Cục Tình báo Mật, có lẽ, vì cho rằng tổ chức này không quan trọng.

Mansfield George Smith-Cumming, Giám đốc đầu tiên của MI6.

Mansfield George Smith-Cumming, Giám đốc đầu tiên của MI6.

Năm 1964, xảy ra một sự kiện chấn động buộc chính phủ Anh phải nghĩ đến việc xây dựng một tòa nhà riêng cho cơ quan tình báo của mình. Khi MI6 chuẩn bị chuyển từ quận St James's sang trọng ở phía Tây London, nơi nó được gọi là Công ty chữa cháy Minimax (từ 1924 đến 1964), không một chút nghi ngờ, chủ nhà bắt đầu tổ chức các chuyến tham quan cho những khách thuê nhà tiềm năng trước khi cơ quan này chuyển đi. Một lần, “phái đoàn thương mại” Liên Xô thình lình xuất hiện, khiến cho các nhân viên MI6 hoảng hốt chưa từng thấy, họ phải vội vàng xé hết tất cả bản đồ treo trên tường vì nước Anh luôn phủ nhận sự hiện diện của tình báo quân đội trên lãnh thổ của mình. Mặc dù lúc bấy giờ khắp các quận trung tâm của London, người ta đồn ầm lên về việc “chuyển nhà” của cơ quan này.

Khi MI6 chuyển về phía nam sông Thames và thuê “Tòa nhà Thế kỷ” vừa được xây dựng, giới lãnh đạo đất nước kiên quyết và chính thức phủ nhận sự tồn tại của MI6, tuy nhiên, hầu như mọi người đều biết ai làm việc trong tòa nhà văn phòng này. Đến mức trên tờ báo nổi tiếng Daily Telegraph xuất hiện thông tin về “bí mật tồi tệ nhất của London, chỉ có tài xế taxi, hướng dẫn viên du lịch và điệp viên KGB mới biết!”. Còn những người soát vé xe buýt thậm chí thông báo điểm dừng bên cạnh trụ sở MI6 là “Ngõ Gián điệp”, khiến tất cả hành khách phải quan sát kỹ hơn những người ra vào ở “Tòa nhà Thế kỷ”.

Pháo đài Vauxhall Cross ở khu phố cổ London

Có thể, sự thiếu thận trọng quá mức sẽ không thành vấn đề, nếu “những người thuê nhà” quan tâm kịp thời và thỏa đáng đến việc bảo mật. Khi chính phủ một lần nữa bị “gây gổ” về việc giữ bí mật của cơ quan tình báo đã bị giải mật hoàn toàn, họ phải thành lập một ủy ban xác định mức độ an toàn. Trong báo cáo của Văn phòng Kiểm toán quốc gia năm 1985, trụ sở của MI6 được mô tả là "hết sức không an toàn". Hầu hết tòa nhà không những được làm bằng kính (thật lý tưởng cho việc do thám bằng thiết bị đặc biệt), mà còn tọa lạc bên cạnh một cây xăng (!), đây quả là điều vô cùng bất lợi cho việc bố trí một cơ quan như vậy.

Nhân dịp này, chính phủ đã tổ chức một cuộc họp và Thủ tướng Margaret Thatcher lúc bấy giờ đã ra quyết định mua một tòa nhà riêng. Năm 1988, ở đầu phía đông của cầu Vauxhall, người ta lên kế hoạch xây dựng một khu phức hợp văn phòng tuyệt vời, có thể trở thành pháo đài thực sự cho các cơ quan tình báo nằm rải rác khắp London.

Kiến trúc sư Terry Farrell.

Kiến trúc sư Terry Farrell.

Quá trình xây dựng diễn ra trên bờ kè Albert, nơi trước đây là trung tâm công nghiệp của London. Ngay từ thế kỷ XVII, các nhà máy thủy tinh và nhiều công xưởng khác đã được bố trí tại đây, sau đó, khu công nghiệp được chuyển thành không gian công cộng, được biết đến nhiều hơn với tên gọi “Khu vườn vui chơi Vauxhall”. Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Khu vườn một lần nữa biến thành khu công nghiệp, nơi xây dựng các nhà máy sản xuất rượu gin và giấm, đồng thời có các tòa nhà khác, kể cả quán rượu và khách sạn tên là “Cành nho”.

Trong những năm 1980, khu vực này đã được tái thiết và chủ sở hữu mới, Regalian Properties, đã công bố một cuộc thi để chọn bản thiết kế cho khu phức hợp này. Dự án “Làng đô thị” do kiến trúc sư Terry Farrell đề xuất đã giành chiến thắng trong cuộc thi ý tưởng đẹp nhất về khu phức hợp văn phòng, tuy nhiên, sau đó nó được hoàn thiện thêm, vì vào thời điểm xây dựng, chính phủ Anh đã bí mật mua cả khu đất và dự án.

Năm 1989, công trình từ lâu mong đợi được khởi công xây dựng, với tổng kinh phí lên tới 135 triệu bảng Anh, cộng thêm 90 triệu bảng (có tin đồn là 17 triệu) được đầu tư vào việc xây dựng một hệ thống bảo vệ có một không hai và trang bị đặc biệt cho các phòng làm việc. Nhưng ít người biết điều này, còn việc chiêm ngưỡng tòa nhà kỳ vĩ được lấy cảm hứng từ nền thẩm mỹ công nghiệp của chủ nghĩa hiện đại những năm 1930 (tương tự như các nhà máy điện Bankside và Battersea), thì vẫn như xưa, vì không ai giấu được nó đi đâu. Nhân tiện xin nói, năm 1994, Nữ hoàng Anh đã thông qua Bộ luật về các cơ quan tình báo, chính thức công nhận MI6. Rõ ràng, điều này đã loại bỏ được nhiều sự chậm trễ mang tính quan liêu phi lý buộc người ta phải giả vờ rằng có một cơ quan tình báo như vậy, hơn nữa trụ sở của nó, không tồn tại trong nước.

Trong quá trình xây dựng, các biện pháp an ninh chưa từng có đã được thực hiện. Ngay cả khi ở gần tòa nhà, bạn cũng không thể hy vọng chụp ảnh hoặc quay phim nó.

Bản thân tòa nhà là một pháo đài thực sự. Để đáp ứng nhu cầu cụ thể của các phòng, ban, người ta đã sử dụng 25 loại kính khác nhau. Cửa sổ kính ba lớp và mặt tiền bằng đá của nó có khả năng chống bom đạn. Những cánh cửa rất dày và cực kỳ chắc chắn được thiết kế đặc biệt để ngăn chặn mọi nỗ lực xâm nhập vào bên trong, ngay cả khi có sự trợ giúp của thiết bị nặng. Để phù hợp với loại cơ quan này, người ta sử dụng không gian dưới lòng đất, nơi có nhiều phòng và lối đi cần thiết để hỗ trợ kỹ thuật cho trụ sở chính, cũng như để bố trí các thiết bị siêu nhạy, trường bắn và các nhu cầu khác.

Có tin đồn rằng dưới tòa nhà mới thậm chí còn có một đường hầm xuyên qua sông Thames để kết nối trực tiếp đến Whitehall (khu chính phủ). Đồng thời, phần lớn các phòng làm việc đều được bảo vệ hết sức cẩn mật, nơi ngay cả ý nghĩ nghe lén cũng không thể xuất hiện. Ở lối vào tòa nhà, người ta lắp đặt một lồng Fraday để chặn các loại sóng vô tuyến, vì vậy điện thoại di động của những người muốn đến gần tòa nhà và quay phim, chụp ảnh sẽ không hoạt động.

Tòa nhà của MI6 bên bờ sông Thames.

Tòa nhà của MI6 bên bờ sông Thames.

Mặc dù tòa nhà có cấu trúc hình kim tự tháp nhiều tầng, với 60 sân thượng mở cùng một lúc, nhưng không thể nhìn thấy các nhân viên tình báo làm việc bên trong. Điều duy nhất là khi chính phủ công bố một sự kiện nào đấy, thì tất cả đèn trên các ban công và sân thượng đều bật sáng (như trường hợp xảy ra năm 2013, khi nhà nước tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú). Mặc dù, theo ý tưởng của tác giả dự án Terry Farrell, nhiều ban công phải biến thành “khu đất nông nghiệp” tỏa hương, giúp người lao động thành phố thoát khỏi những vấn đề của cuộc sống thường nhật và bầu không khí ngột ngạt, đưa họ đến gần hơn với thiên nhiên. Nhưng điều đó đã không thành công; thay cho những luống hoa thơm ngát và những đồn điền trồng thảo dược, tòa nhà được xây dựng kiên cố để có thể đứng vững ngay cả khi bị một nhóm khủng bố sử dụng tên lửa chống tăng RPG-22 bắn một quả rocket vào tầng 8 của tòa nhà hồi tháng 9/2000.

Tòa nhà của Cục Tình báo Mật đã trở thành bối cảnh yêu thích của các nhà làm phim. Vì những lý do dễ hiểu, những bộ phim không bao giờ được quay bên trong tòa nhà, nhưng người ta có thể xem tòa nhà hoặc nghe nói về trụ sở nổi tiếng nhất của Cục Tình báo Mật nhiều lần. Bạn có thể nhìn thấy tòa nhà của Cục Tình báo Mật tại địa chỉ số 85, Vauxhall Cross ở phía tây- nam trung tâm London, bên bờ sông Thames, cạnh cầu Vauxhall trong một số bộ phim về James Bond: “Mắt vàng” (Golden Eye, 1995), “Thế giới không đủ” (The World Is Not Enough, 1999), “Hẹn chết ngày khác” (Die Another Day, 2002), “Tử địa Skyfall” (Skyfall, 2012) và “Tổ chức Bóng Ma" (Spectre, 2015). Có thông tin cho rằng khi buổi ra mắt đặc biệt của phim “Tử địa Skyfall” được tổ chức cho các nhân viên MI6 xem ngay tại chính Vauxhall Cross, cảnh trụ sở chính của họ bị nổ tung đã được tất cả khán giả hoan hỉ tiếp nhận, thậm chí vỗ tay tán thưởng.

Anh Duy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/vi-sao-xuat-hien-toa-nha-cua-cuc-tinh-bao-mat--i739948/
Zalo