Vì sao tỷ giá nóng ngay từ đầu năm?

'Trước thời điểm ông Trump chính thức nhậm chức, kỳ vọng về việc Fed hạ lãi suất giảm thiểu. Từ đầu năm 2025, chỉ số DXY nhiều thời điểm vượt mốc 109 điểm', ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.

Kho bạc Nhà nước đã mua đủ khối lượng đô la Mỹ cần thiết để thanh toán trái phiếu đến hạn, có lẽ sức ép ngắn hạn với tỷ giá đã trôi qua. Ảnh: LÊ VŨ

Kho bạc Nhà nước đã mua đủ khối lượng đô la Mỹ cần thiết để thanh toán trái phiếu đến hạn, có lẽ sức ép ngắn hạn với tỷ giá đã trôi qua. Ảnh: LÊ VŨ

Nhiều biến số với tỷ giá 2025

KTSG: Thưa ông, khác với mọi năm, áp lực tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đã xuất hiện ngay từ đầu năm. Các định chế tài chính như Standard Chartered hay UOB đều cảnh báo sức ép tỷ giá sẽ gia tăng vào quí 2 và quí 3 trước khi hạ nhiệt vào quí 4 năm nay. Ông bình luận như thế nào về các nhận định này? Quan điểm của ông như thế nào?

- Ông Nguyễn Minh Tuấn: Theo tôi, sức ép tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đến ngay từ quí 1-2025, chứ không phải từ quí 2 hay quí 3 như dự báo của Standard Chartered, UOB. Có những yếu tố tác động đến tỷ giá trong ngắn hạn. Thứ nhất, chỉ số PMI dịch vụ của Mỹ tháng 12-2024 tăng từ mức 52,1 trong tháng 11-2024 lên mức 54,1 - cao hơn mức 53,3 được dự đoán trước đó.

Trong sáu tháng cuối năm 2024, PMI dịch vụ của Mỹ đều ở trên mức 50, chứng tỏ nền kinh tế Mỹ đang phát triển tốt, lạm phát có thể quay trở lại. Thứ hai là về thị trường việc làm Mỹ. Theo báo cáo ngày 10-1-2025 của Cục Thống kê lao động Mỹ, số việc làm phi nông nghiệp trong tháng 12-2024 tăng lên tới 256.000 việc làm, tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ xuống 4,1% - thấp hơn so với dự đoán là 4,2%.

Như vậy, trước thời điểm Tổng thống đắc cử của Mỹ - ông Donald Trump - chính thức nhậm chức, kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất giảm thiểu. Từ đầu năm 2025, chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đô la Mỹ nhiều thời điểm vượt mốc 109 điểm, đạt kỷ lục 109,94 điểm vào ngày 13-1-2024 (theo giờ Mỹ). Vấn đề tỷ giá đã nóng ngay từ những ngày đầu năm 2025. Nhiều nhà phân tích dự đoán, chính sách tài khóa của ông Trump sẽ là mở rộng, tăng thâm hụt nên lạm phát kỳ vọng sẽ tăng. Trong năm 2025, có thể Fed chỉ hạ lãi suất một lần.

Về phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), liên tiếp trong hai phiên giao dịch ngày 3-1 và 6-1-2025, NHNN cung cấp các hợp đồng kỳ hạn (có kèm quyền chọn hủy) tại cùng mức tỷ giá 25.450. Động thái này cho thấy sự tự tin của NHNN trong giữ ổn định tỷ giá liên ngân hàng quanh mức 25.450. Bên cạnh đó, việc chủ động thực hiện các chính sách kiểm soát tỷ giá ngay từ đầu năm rất đáng ghi nhận. Trong vài tháng đầu năm 2024, chúng ta đã để tiền đồng mất giá 3-4%, nên phần còn lại của năm 2024 phải đuổi theo ghìm cương tỷ giá tương đối căng thẳng.

Nhìn chung, áp lực từ tỷ giá vẫn còn trong nửa đầu năm 2025 trong khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn khoảng 80 tỉ đô la Mỹ, làm giảm khả năng can thiệp của NHNN. Nếu sau cuộc họp tháng 6-2025, Fed quyết định cắt giảm lãi suất, tỷ giá sẽ hạ nhiệt. Dù vậy, đây chỉ là một khả năng vì 2025 là một năm rất khó đoán định.

KTSG: Theo nhiều chuyên gia, hai yếu tố chính tác động tới tỷ giá là thâm hụt thương mại và chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và thế giới. Vậy thặng dư thương mại của nền kinh tế Việt Nam nhiều năm gần đây có vai trò như thế nào trong việc làm giảm sức nóng tỷ giá? Và từ góc nhìn này, có thể dự đoán như thế nào về cách thức các nhà quản lý có thể hóa giải sức ép tỷ giá trong năm 2025?

- Chúng ta cần hiểu cán cân tổng thể gồm cán cân thanh toán và thay đổi dự trữ ngoại hối. Trong cán cân thanh toán, có cán cân vốn - tài chính và cán cân vãng lai, mà thặng dư thương mại là một cấu phần trong cán cân vãng lai. Nghĩa là, trong cán cân tổng thể, thặng dư xuất - nhập khẩu của Việt Nam chỉ thể hiện một phần tương đối khiêm tốn.

Quan trọng hơn, thặng dư thương mại của Việt Nam có thể không đồng hành với thặng dư về dòng tiền. Trong giai đoạn 2020-2023, dù cán cân thương mại duy trì mức thặng dư tăng từ 15,1 tỉ đô la Mỹ lên 25,1 tỉ đô la, cán cân vãng lai lại chứng kiến mức thâm hụt 4,63 tỉ đô la vào năm 2021 và chỉ thặng dư 1,4 tỉ đô la vào năm sau đó. Nguyên nhân là do thâm hụt của cán cân dịch vụ gia tăng, trong khi kiều hối tăng chậm, thậm chí sụt giảm trong hai năm 2021-2022.

Một yếu tố khác cần lưu ý là thặng dư thương mại chủ yếu đến từ xuất siêu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Vậy nên, dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lớn hơn nhập khẩu, cán cân vãng lai vẫn phải tính đến phần doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước, thường vào tháng 3 hàng năm. Thêm vào đó, nhiều trường hợp, dòng tiền của doanh nghiệp FDI chạy lòng vòng giữa các tài khoản của họ, ở trong và ngoài nước, chứ không chuyển sang tiền đồng.

Đối với các doanh nghiệp xác định Việt Nam là thị trường chính, thậm chí, họ ít có nhu cầu bán ngoại tệ mà còn có nhu cầu mua ngoại tệ để chuyển về nước dưới hình thức lợi nhuận. Ngay cả đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, bởi lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ hiện là 0%, doanh nghiệp không có nhu cầu chuyển từ đô la Mỹ sang tiền đồng mà giữ trong tài khoản để phục vụ cho các chu kỳ mua sắm nguyên vật liệu tiếp theo. Theo quan điểm của tôi, trong vấn đề tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng, thặng dư cán cân thương mại không có quá nhiều ý nghĩa.

Như vậy, để cân bằng cán cân tổng thể, chúng ta sẽ phải nhờ vào cán cân vốn - tài chính, với phần đóng góp lớn của dòng vốn FDI giải ngân. Trong năm 2025, dòng tiền này càng đóng vai trò cốt yếu bởi lẽ khi DXY tiếp tục duy trì ở vùng cao, khối ngoại sẽ rút tiền về. Trong năm 2024, khi DXY chưa đạt tới mốc 109, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 3,5 tỉ đô la, và với diễn biến chỉ số này từ đầu năm, chưa có căn cứ để kỳ vọng khối ngoại quay trở lại thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam một cách nhanh chóng.

Từ góc độ điều hành chính sách, thúc đẩy dòng vốn FDI giải ngân sẽ tạo ra thanh khoản đô la Mỹ cho thị trường. Ngoài ra, vấn đề nâng hạng TTCK Việt Nam, nếu thực hiện thành công trong năm 2025, sẽ khiến nhà đầu tư nước ngoài có thêm động lực tham gia vào TTCK Việt Nam.

Yếu tố Trung Quốc và chính sách Trump 2.0

KTSG: Về giải pháp thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa đô la Mỹ và tiền đồng, vấn đề nằm ở chỗ, nếu tăng lãi suất tiền đồng, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp sẽ bị thu hẹp, cản trở quá trình phục hồi còn tương đối chậm của họ. Liệu có phương án nào giúp chúng ta hài hòa được cả hai mục tiêu hay không, thưa ông?

- Chúng ta đang giải quyết vấn đề này thông qua các hoạt động ở thị trường liên ngân hàng. Khi tỷ giá tăng, lãi suất cũng sẽ phải điều chỉnh tăng theo. NHNN sẽ triển khai các biện pháp hút ròng thanh khoản của thị trường liên ngân hàng thông qua việc phát hành tín phiếu, đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng lên cao hơn để làm giảm áp lực chênh lệch lãi suất giữa đô la Mỹ và tiền đồng.

Trong năm 2025, các nhà điều hành sẽ phải thực hiện các nghiệp vụ này sớm, nhanh và quyết liệt hơn. Trên thực tế, trong tuần từ ngày 6-1 đến 10-1-2025, dữ liệu của Wichart ghi nhận, NHNN hút ròng hơn 50.000 tỉ đồng thông qua nghiệp vụ thị trường mở.

Tuy nhiên, chênh lệch lãi suất mới thể hiện ở thị trường liên ngân hàng. Như đã đề cập, đối với doanh nghiệp và người dân, do lãi suất của các tài khoản đô la Mỹ bằng 0%, họ không có xu hướng bán đô la Mỹ để thu tiền đồng mà giữ đô la Mỹ ở các tài khoản, hoặc là của ngân hàng tại Việt Nam hoặc là của ngân hàng tại các nước nhập khẩu hàng hóa. Đây là vấn đề chúng ta cần phải xem xét.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, tôi thấy rằng, nếu chúng ta chỉ chăm chăm nhìn vào chính sách tiền tệ thì dư địa để hạ lãi suất sẽ rất mỏng, chưa kể cần một khoảng thời gian nhất định để chính sách thẩm thấu và phát huy tác dụng của nó đối với nền kinh tế. Vì thế, tôi kỳ vọng vào sự quyết liệt của chính sách tài khóa, bao gồm đẩy mạnh đầu tư công và giảm các loại thuế, phí cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp gia tăng nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh.

KTSG: Từ phía thị trường nhập khẩu của Việt Nam, Trung Quốc đã chính thức tuyên bố chính sách tiền tệ nới lỏng hợp lý. Đụng độ thương mại Mỹ - Trung Quốc nếu xảy ra căng thẳng hơn thì có thể Trung Quốc sẽ chủ động giảm giá đồng nhân dân tệ để ứng phó với thuế quan tăng. Những yếu tố này có tác động như thế nào tới vấn đề tỷ giá của Việt Nam, thưa ông?

- Yếu tố Trung Quốc sẽ tạo ra những tác động dài hạn tới tỷ giá. Việt Nam nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc, trong năm 2024, con số này là 83,7 tỉ đô la Mỹ. Việc Trung Quốc hạ lãi suất nhân dân tệ xuống thấp sẽ khiến vấn đề tỷ giá trở nên “nhức nhối”. Đây là thách thức cần tính tới. Dù vậy, dưới góc nhìn của tôi, NHNN đang điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các mục tiêu vĩ mô, trong đó ưu tiên lớn là kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng.

Năm 2025, kinh tế vĩ mô toàn cầu đối mặt với bất định lớn từ chính sách bảo hộ của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đối với Việt Nam, trong trường hợp thuận lợi, Mỹ sẽ đánh thuế 25% với tất cả hàng hóa Trung Quốc sau điều tra, 25% với Canada và Mexico, 10% với các nền kinh tế làm tăng thâm hụt của Mỹ do sự dịch chuyển thương mại khỏi Trung Quốc (bao gồm Việt Nam), xuất khẩu của chúng ta vẫn tương đối khả quan, vấn đề tỷ giá cũng sẽ thuận lợi hơn. Đối với kịch bản tiêu cực, mức thuế áp dụng lên hàng hóa Trung Quốc là 60% và hàng hóa từ các nước được hưởng lợi là 20%, xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng xấu. Chúng ta cần lường trước và có phương án ứng phó với tình huống này.

Hoàng Hạnh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/vi-sao-ty-gia-nong-ngay-tu-dau-nam/
Zalo