Vì sao trường đời quan trọng hơn sách vở?

Trong một buổi phỏng vấn xin việc, một người 37 tuổi học MBA ở Harvard ngồi đối diện với một thanh niên khoảng 25 tuổi bỏ học giữa chừng đã vài lần 'lỡ hẹn' với tấm bằng đại học.

Tại sao trí tuệ thực tiễn luôn đánh bại trí tuệ hàn lâm?

(Trường đời quan trọng hơn sách vở?)

Người ta thường rót vào tai bạn rằng nếu học hành chăm chỉ ở trung học, đạt điểm số cao, vào một trường đại học danh tiếng, có tấm bằng trong tay thì chắc chắn bạn sẽ thành công trong suốt cuộc đời.

Điều này có thể đúng nếu chúng ta sống cách đây 50 năm. Còn ngày nay, mọi chuyện đã khác.

Giờ đây, nếu muốn thành công, bạn phải tự trau dồi thêm cho mình các kỹ năng và tư duy thực tế. Điều này vẫn đúng cho dù bạn có học đại học hay không.

Cuốn sách này sẽ chỉ dẫn cho bạn cách làm điều đó. ** *

Trong một buổi phỏng vấn xin việc, một người 37 tuổi học MBA ở Harvard ngồi đối diện với một thanh niên khoảng 25 tuổi bỏ học giữa chừng đã vài lần “lỡ hẹn” với tấm bằng đại học chuyên ngành sân khấu và đạo diễn của Đại học Nam California (USC). Người có bằng MBA mặc vest sang trọng, đeo cà vạt vàng. Chàng thanh niên hơn 20 tuổi mặc quần jean, áo nỉ chui đầu, không mặc sơ mi bên trong, râu ria tua tủa, tóc tai bờm xờm không chải như thể anh ta vừa chui ra khỏi giường và lao thẳng đến buổi phỏng vấn vậy.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Linkedln.

Ảnh minh họa. Nguồn: Linkedln.

Buổi phỏng vấn diễn ra vô cùng nhạt nhẽo. Người phỏng vấn chẳng mảy may ấn tượng với bảng thành tích học tập của người được phỏng vấn và thấy anh ta không đủ kinh nghiệm để đem lại giá trị thực cho một công ty mới thành lập, trong bối cảnh thị trường khó khăn như công ty của anh.

Bryan Franklin, từng là một sinh viên chuyên ngành sân khấu bỏ học giữa chừng quyết định sẽ tuyển dụng một người vào vị trí nhân viên hành chính và nhập liệu cho mình với mức lương 10 đô-la một giờ, thông qua kênh tuyển dụng Craigslist vài ngày trước đó.

Khi còn theo học đại học, Bryan từng thành lập và điều hành, quản lý phát triển một công ty thiết kế âm thanh. Tổng cộng có tới hơn 300 phim truyện được biên tập hoặc lồng tiếng ở studio của anh, trong đó có Gladiator, The Last Samurai Arfitificial Intelligence. Bằng nỗ lực tự vươn lên, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và chưa bao giờ cần đến sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư.

Bryan đã bán công ty của mình vào năm 2000 sau khi Dody Dorn được đề cử giải Oscar dành cho biên tập âm nhạc với bộ phim Memento thực hiện ở studio này. Nhờ bán công ty mà “tôi mua được một ngôi nhà trên đường Lombard, San Francisco”, Bryan nói thêm với nụ cười mãn nguyện.

Đầu năm 2002, anh điều hành doanh nghiệp thứ ba do chính mình thành lập và đầu tư vốn. Bryan chia sẻ rằng việc kinh doanh rất phát đạt và cần một trợ lý, vì thế anh đã đăng quảng cáo tuyển dụng trên Craigslist.

“Trong vòng 24 giờ, tôi nhận được 200 phản hồi. Hầu hết các ứng viên đều là cử nhân đại học, một vài thạc sĩ và nghiên cứu sinh mới vượt qua kỳ thi đầu vào, thậm chí có cả một số tiến sĩ̃ đã tốt nghiệp và khoảng sáu MBA. Có một MBA tốt nghiệp Harvard khiến tôi tò mò. Tôi đưa anh ta vào danh sách chốt gồm 10 ứng viên được phỏng vấn.

“Anh ta đến nhà tôi trong bộ đồ công sở chỉn chu. Tôi nói sơ qua về website mà anh ta sẽ chịu trách nhiệm nhập số liệu với mức lương 10 đô-la một giờ và thấy anh ta quả thật là “một con gà” về công nghệ Web.

Khi tôi nói rằng: “Xem nào, tôi đang tìm kiếm người nhập số liệu và chăm sóc khách hàng. Tôi muốn chắc chắn rằng khi khách hàng gọi đến, họ sẽ cảm thấy mình là Thượng đế.”

Thì anh ta đáp lại: “Ồ, anh biết đấy, tôi nghĩ cần phải xây dựng chiến lược xem chúng ta sẽ thúc đẩy những mối quan hệ nào...” Buổi phỏng vấn cứ thế diễn ra. Có lúc anh ta hùng hồn nói: “Luôn có những con đường và giải pháp khác nhau để dẫn đến thành công, vì thế một trong những điều tôi sẽ thực hiện trong tuần đầu tiên đi làm là thiết lập một “ma trận ưu tiên” để chúng ta cùng tham khảo...” Lúc đó, tôi hình dung trong đầu cảnh tượng anh ta ngồi hí hoáy vẽ ma trận ưu tiên còn tôi thì phải hùng hục giải quyết tất cả mọi việc.

“Cuối cùng, tôi đã thuê một phụ nữ Mỹ gốc Phi còn khá trẻ. Cô ấy chỉ học hết trung học nhưng có tinh thần làm việc nhiệt tình và sở hữu nhiều “trí thông minh đường phố”. Cô đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình suốt hơn 3 năm qua, được tăng lương vài lần và hiện đang quản lý một nhóm ba nhân viên dưới quyền.”

Đương nhiên, bạn có thể học được rất nhiều điều thú vị từ trường đại học, nhưng thực tế, chúng lại chẳng giúp ích gì cho thành công trong sự nghiệp và tài chính của bạn. Bạn có thể mở rộng tầm hiểu biết, mài giũa các kỹ năng tư duy phê phán, đưa ra những ý tưởng và quan điểm mới mẻ, đam mê khám phá những di sản văn hóa hay tìm hiểu trí tuệ của những nhà tư tưởng vĩ đại nhất hành tinh. Đó đều là những đam mê đáng theo đuổi.

Giả sử, trong một thị trường bất ổn, bạn muốn là Bryan Franklin hơn là vị thạc sĩ Harvard nọ. Nói cách khác, bạn muốn tối ưu hóa các cơ hội của mình trong cuộc sống, là nhà tuyển dụng trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thay vì là kẻ xin việc.

Michael Ellsberg/Alphabooks – NXB Công Thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-truong-doi-quan-trong-hon-sach-vo-post1522750.html
Zalo