Vì sao Trung Quốc tránh giảm nhanh lãi suất?

Trung Quốc tránh cắt giảm lãi suất quá nhanh, đồng thời hút về lượng tiền mặt lớn nhất kể từ năm 2014 thông qua một công cụ chính sách...

Trụ sở PBOC ở Bắc Kinh - Ảnh: Bloomberg.

Trụ sở PBOC ở Bắc Kinh - Ảnh: Bloomberg.

Những động thái này được cho là nhằm dự trữ dư địa chính sách trước khả năng căng thẳng thương mại Trung-Mỹ trong năm tới, hãng tin Bloomberg cho hay.

Trong quyết định đưa ra ngày 25/12, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) giữ nguyên lãi suất của cơ sở cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn 1 năm ở mức 2%. Cùng với đó, cơ quan này hút ròng khỏi hệ thống tài chính lượng tiền 1,15 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 158 tỷ USD, qua MLF - đánh dấu đợt hút tiền ròng mạnh nhất qua công cụ này kể từ năm 2014.

Trong tháng 12 này, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đã tuyên bố dịch chuyển lập trường chính sách tiền tệ năm 2025 sang “nới lỏng vừa phải” từ “thận trọng” trong năm 2024. Đây là lần đầu tiên trong 14 năm qua Trung Quốc thay đổi lập trường chính sách tiền tệ. Cùng với đó, Bắc Kinh chủ trương sử dụng các công cụ tài khóa “chủ động hơn” để kích thích nền kinh tế.

Dù vậy, cho tới hiện tại, Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ một chương trình kích thích mới cụ thể nào cho năm tới. Điều này cho thấy sự kiên nhẫn chờ đợi trước khi Tổng thống đắc cử Donld Trump của Mỹ chính thức nhậm chứ và có thể triển khai việc áp thuế quan mạnh tay lên hàng hóa Trung Quốc như đã cảnh báo.

“Việc PBOC giữ nguyên lãi suất MLF lần này không nằm ngoài dự báo. Chúng tôi giữ nguyên kỳ vọng lãi suất này sẽ được cắt giảm 0,4-0,5 điểm phần trăm trong năm tới”, nhà kinh tế trưởng Ming Ming của công ty Citic Securities nói với Bloomberg. Cũng theo ông Ming, việc hút ròng thanh khoản cũng làm gia tăng khả năng PBOC sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thương mại, có thể ngay vào cuối năm nay.

Trong những tháng gần đây, PBOC không còn đề cao vai trò của MLF là lãi suất chính sách chủ chốt nữa, thay vào đó chuyển sang dùng lãi suất mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày để định hướng lãi suất trên thị trường. Lãi suất mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày đã giữ nguyên sau đợt giảm 0,2 điểm phần trăm vào cuối tháng 9.

Ngày 25/12, PBOC cung cấp lượng vốn vay 300 tỷ nhân dân tệ thông qua MLF, trong khi lượng vốn vay đáo hạn qua cơ sở này trong tháng 12 là 1,45 nghìn tỷ nhân dân tệ. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp PBOC hút ròng tiền qua MLF.

Tuy nhiên, việc hút ròng tiền này có thể được bù đắp bằng việc bơm tiền thông qua các công cụ khác để duy trì mức thanh khoản trong hệ thống tài chính. Tháng trước, PBOC bơm ròng lượng thanh khoản 1 nghìn tỷ nhân dân tệ thông qua các hợp đồng mua lại đảo ngược hoàn toàn và mua trái phiếu chính phủ.

Theo tờ Thời báo Tài chính của Trung Quốc, việc PBOC giảm việc bơm vốn vay chính sách thông qua MLF là vì thanh khoản trên thị trường đang dồi dào. Bài báo cũng nói PBOC đã tạo ra nhiều công cụ khác để giảm bớt biến động của thị trường khi có lượng lớn vốn vay MLF đáo hạn.

Thị trường hiện dự báo Trung Quốc sẽ giảm mạnh lãi suất trong năm tới. Sự đặt cược đó đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục, ở mức hơn 1,7% đối với kỳ hạn 10 năm.

Ngày 26/12, Ngân hàng Thế giới (WB) nâng dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc năm 2025 lên 4,5%, cao hơn 0,4 diểm phần trăm so với dự báo trước đó. Động thái này phản ánh loạt biện pháp chính sách mà Bắc Kinh công bố trong 3 tháng qua, cũng như xu hướng tăng trưởng xuất khẩu của nước này - định chế có trụ sở ở Washington cho hay.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/vi-sao-trung-quoc-tranh-giam-nhanh-lai-suat.htm
Zalo