Năm 2025, Kho bạc Nhà nước phải huy động 500.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ
Theo Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước, nhiệm vụ huy động vốn trái phiếu Chính phủ tăng cao nhằm đáp ứng nhu cầu chi cho đầu tư công rất cao để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng 8-10% mà Chính phủ đề ra trong năm 2025.
Năm 2025, Kho bạc Nhà nước phải huy động 500.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ.
Tại cuộc họp báo về "Kết quả công tác trọng tâm năm 2024 của hệ thống Kho bạc Nhà nước" (KBNN) do đơn vị này tổ chức chiều 13/1, bà Trần Thị Huệ, Phó tổng giám đốc KBNN cho biết, năm 2024 KBNN đã huy động được 330.375,5 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, đạt 83% kế hoạch.
Trái phiếu có kỳ hạn phát hành bình quân là 11,12 năm; thời gian đáo hạn bình quân là 9,02 năm; lãi suất phát hành bình quân 2,52%/năm, thấp hơn 69 điểm phần trăm so với năm 2023 (3,21%), góp phần giảm chi phí vay nợ cho ngân sách nhà nước...
Năm 2025, Bộ Tài chính giao cho KBNN huy động vốn qua phát hành trái phiếu chính phủ đợt 1 là 500.000 tỷ đồng.
“Đây là một thách thức rất lớn đối với KBNN vì chưa bao giờ KBNN thực hiện huy động vốn với khối lượng lớn như vậy”, bà Huệ cho biết.
Bên lề buổi họp báo, báo chí đã có cuộc phỏng vấn nhanh với ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ (KBNN) về nội dung này.
Ông Lưu Hoàng nhận định, chỉ tiêu vốn trái phiếu Chính phủ 500.000 tỷ đồng mà Bộ Tài chính giao cho KBNN huy động trong năm 2025 là một chỉ tiêu rất cao, gấp 1,25 lần mức kế hoạch của năm 2024 và gấp 1,7 lần so với thực hiện năm 2024.
Theo ông, nguyên nhân KBNN được giao huy động số vốn trái phiếu Chính phủ cao như vậy?
Thứ nhất là năm nay Chính phủ đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ tăng trưởng rất cao, khoảng 8% và phấn đấu tăng trưởng hai con số. Muốn tăng trưởng cao thì chắc chắn sẽ phải huy động lượng vốn lớn để đáp ứng nhu cầu chi cho đầu tư công.
Thứ hai, năm nay trả nợ gốc của ngân sách trung ương cao hơn năm ngoái. Dự toán chi ngân sách do Quốc hội thông qua cho thấy, năm nay chúng ta phải trả hơn 360.000 tỷ đồng nợ gốc ngân sách trung ương, năm ngoái con số này là 270.000 tỷ đồng, nghĩa là cao hơn khoảng 90.000 tỷ đồng.
Thứ ba, chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng từ 8% đến hai con số thì đương nhiên là tăng trưởng tín dụng cũng phải cao hơn để tương xứng với tăng trưởng đầu tư công.
KBNN có kế hoạch thế nào để huy động được số vốn rất lớn này?
Đứng trước nhiệm vụ lớn như vậy, chúng tôi sẽ bám sát tình hình thị trường cũng như điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước để tham mưu báo cáo với Bộ Tài chính và các cấp có thẩm quyền các giải pháp điều hành phù hợp.
Ngay từ đầu năm nay, chúng tôi sẽ thông báo kế hoạch huy động trái phiếu chính phủ ra thị trường, thông tin sẽ minh bạch hơn, công khai hơn so với hàng năm.
Ví dụ hàng năm chúng tôi thông báo theo kế hoạch hàng quý nhưng năm nay sẽ thông báo kế hoạch huy động chi tiết đến hàng tháng. Tất nhiên kế hoạch hàng tháng sẽ có sự điều chỉnh phù hợp.
Ngoài ra, KBNN sẽ tranh thủ phát hành trái phiếu chính phủ ngay từ đầu năm, tương tự như đã thực hiện trong năm 2024. Khi thị trường thuận lợi và lãi suất hợp lý, nhu cầu của nhà đầu tư cao, chúng tôi sẽ tranh thủ "hút tiền" vào các thời điểm đó.
Việc thông báo kế hoạch huy động trái phiếu chính phủ theo tháng có ý nghĩa gì?
Trước đây, kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ được thông báo theo từng năm, từng quý. Năm 2025 sẽ thông báo chi tiết đến từng tháng, qua đó giúp nhà đầu tư có sự chủ động về nguồn vốn hơn để họ có kế hoạch đầu tư phù hợp và tích cực tham gia hơn vào các phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ.
KBNN dự kiến có hoàn thành được nhiệm vụ này hay không?
Chúng tôi xác định phải nỗ lực hết sức. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi sẽ bám sát thị trường để sao cho quá trình huy động phải phù hợp với tình hình thị trường và tiến độ giải ngân.
Nếu giải ngân chậm thì có thể chưa cần huy động đến mức đó. Còn nếu giải ngân cao thì KBNN cũng sẽ có giải pháp đẩy nhanh tiến độ cho phù hợp và đáp ứng nhu cầu giải ngân.
Vì sao năm vừa qua lãi suất trái phiếu có sự điều chỉnh giảm?
Lãi suất trái phiếu chính phủ năm 2004 bình quân là 2,52%/năm, giảm 69 điểm so với mức 3,21%/năm của năm 2023. Điều hành lãi suất của chúng tôi bám sát theo khung của Bộ Tài chính.
Qua quá trình đi tìm thị trường vốn bên ngoài chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi đã giảm được lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ, giúp cho ngân sách trung ương tiết kiệm được chi phí trả lãi vay.
Lãi suất giảm như thế nhưng kỳ hạn của trái phiếu chính phủ dường như dài hơn, cái đó nói lên điều gì?
Kỳ hạn phát hành bình quân của năm 2024 là 12 năm, còn lại là 9,02 năm. Chúng tôi đã thực hiện theo đúng nghị quyết của Quốc hội về thời hạn bình quân từ 9-10 năm để đảm bảo tái cơ cấu nợ công, qua đó giúp cho ngân sách trung ương giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Thời hạn phát hành trái phiếu dài ra thì sẽ giảm được mức chi trả nợ.
Hiện nay, việc quản lý các nguồn tiền ngân quỹ nhàn rỗi được thực hiện thế nào?
Ngân quỹ do KBNN quản lý được tập trung về Ngân hàng Nhà nước để tạo nguồn lực lớn cho đầu tư. Khi nguồn lực đó tạm thời nhàn rỗi thì chúng tôi ưu tiên sử dụng cho ngân sách trung ương vay.
Phần còn lại mà ngân sách trung ương chưa có nhu cầu sử dụng thì chúng tôi thực hiện hai nghiệp vụ là gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại và mua lại có kỳ hạn đối với trái phiếu chính phủ.
Hiện nay, việc gửi tiền tại ngân hàng thương mại thì theo quy định, chúng tôi gửi tại các ngân hàng an toàn, hoạt động ổn định, theo quy định tại Thông tư 24 và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Cụ thể, hiện nay đang gửi tập trung tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Số dư nợ trung bình trong kỳ khoảng trên dưới 300.000 tỷ đồng. Toàn bộ hoạt động gửi tiền được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, ngân hàng nào chào lãi suất cao nhất thì gửi tiền ở ngân hàng đó.
Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình nợ công năm 2024, dự kiến năm 2025, tổng nhu cầu vay của Chính phủ dự kiến ở mức 815.238 tỷ đồng, tăng 20,6% so với kế hoạch vay của Chính phủ năm 2024.
Năm 2025, dự kiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 468.542 tỷ đồng, cao hơn gần 40% mức trung bình 4 năm trước đó. Trong đó trả nợ gốc khoảng 361.142 tỷ đồng, trả nợ lãi khoảng 107.400 tỷ đồng".
Theo tính toán, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước khoảng 24%, áp sát trần Quốc hội đề ra là 25%...