Vì sao tên lửa Meteor đắt như làm bằng vàng khối?
Mức giá rất đắt của tên lửa Meteor khiến các cường quốc quân sự tại châu Âu cũng không thể trang bị với số lượng lớn. 'Tiền nào của ấy', tên lửa này có vùng tấn công 'không thể trốn thoát' lên đến 60km, rộng gấp đôi so với các loại tên lửa khác.

Tên lửa Meteor do Tập đoàn MBDA của châu Âu sản xuất có tầm bắn 200 km và mức giá lên tới 3 triệu USD, vũ khí này rất hiếm ngay cả đối với lực lượng không quân châu Âu.

Ví dụ tiêu biểu được đưa ra đó là Không quân Pháp chỉ có số lượng tên lửa Meteor đủ dùng cho 1 ngày chiến đấu, cho dù ngân sách hoạt động của họ rất dồi dào.

Trong phân tích mới nhất của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Hoàng gia Anh (IISS) về việc sử dụng các vật liệu quan trọng trong việc chế tạo tên lửa Meteor, có thể hiểu rõ lý do tại sao tên lửa này được so sánh như "làm bằng vàng khối".

Để dễ hình dung, các nhà phân tích của IISS đã chia phân chia tên lửa Meteor thành các khối, theo những thành phần cấu tạo của loại tên lửa này, dễ nhận thấy sự hiện diện của nhiều thành phần hiếm.

Đầu tiên là chất bán dẫn gali nitride được sử dụng cho bộ phận dẫn đường của tên lửa, trong khi đó silicon nitride và magie aluminosilicat được sử dụng cho cấu tạo phần mũi.

Meteor giống như các tên lửa không đối không khác do châu Âu sản xuất, sử dụng vật liệu gốm 9606 Corning Pyroceram, được làm từ thủy tinh magie - nhôm silicat và titan oxit.

Bên cạnh đó còn có một đặc điểm đáng quan tâm là đối với tên lửa dùng đầu dò hồng ngoại, các kỹ sư sử dụng gương mạ niken và berili, cũng như germani, magie và yttri pha tạp mantan.

Đối với Meteor, IISS còn cung cấp thêm thông tin thú vị đó là tên lửa này sử dụng nhiên liệu có chứa tạp chất hỗn hợp, trong đó zirconium, lithium - silicon và sắt - sulfide được sử dụng làm vật liệu cách nhiệt cho các bộ phận tên lửa trong quá trình đốt cháy nhiên liệu.

Đối với các bộ phận cung cấp năng lượng cho tên lửa cần có những hợp chất hiếm và giá thành cao bao gồm samari và coban, terbi, neodymi và dysprosi.

Trong khi đó vonfram và molypden được sử dụng cho đầu đạn phân mảnh có sức nổ cao trên tên lửa dẫn đường. Ngoài ra tantali, đồng và vonfram được sử dụng cho đầu đạn có thiết bị hội tụ thành luồng xuyên.

Cần nhắc lại, tên lửa không đối không Meteor được Tập đoàn MBDA phát triển cho tiêm kích Eurofighter Typhoon, Gripen và Rafale. Loại đạn này được thiết kế để tấn công các mục tiêu cơ động ở tầm xa.

Điều đáng chú ý là quá trình tạo ra Meteor đã kéo dài hơn hai thập kỷ. Sự phát triển vì lợi ích của Lực lượng Không quân Pháp, Anh, Thụy Điển, Đức, Tây Ban Nha và Ý bắt đầu vào năm 1994.

Tuy nhiên loại đạn không chiến này chỉ được đưa vào sử dụng trong Không quân Thụy Điển từ năm 2013. Mặc dù vậy khi xem xét kết quả, rõ ràng là nó xứng đáng để chờ đợi lâu như vậy.

Về loại đạn đặc biệt này, cần bắt đầu với việc Meteor nhận được động cơ ramjet, mang lại tốc độ và khả năng cơ động cao. Đặc điểm chi tiết của động cơ chưa được tiết lộ, nhưng theo nhà phát triển, chính động cơ đã giúp tăng cự ly tác chiến.

Khi đối đầu tên lửa Meteor, cơ hội để máy bay địch trốn thoát có xu hướng bằng 0, khi vùng không thể thoát hiểm lên tới 60 km, rộng gấp đôi so với những tên lửa hiện có do Mỹ hay Nga sản xuất.

Được biết tên lửa có tầm phóng lên tới 200 - 300 km và có thể bắn trúng các mục tiêu cơ động với khả năng chịu quá tải lên đến 11G. Đồng thời tốc độ của Meteor ở giai đoạn tấn công mục tiêu có thể lên tới Mach 4.

Tên lửa không đối không MBDA Meteor có đầu dẫn radar chủ động nhưng cũng có thể nhận chỉ định mục tiêu từ các nguồn khác và hoạt động trong điều kiện tác chiến điện tử dày đặc. Quả đạn có trọng lượng 190 kg, với chiều dài 3,67 mét.

Cần phải nhấn mạnh lần nữa đó là Meteor được xem như một trong những tên lửa không đối không hiệu quả nhất, mang lại ưu thế cực lớn cho tiêm kích mang chúng trong những trận không chiến tầm xa.