Vì sao phim Việt 'Tiệm ăn của quỷ' gây sốt trên Netflix?

Những ngày qua, series kinh dị của đạo diễn Hàm Trần trở thành đề tài bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội và các diễn đàn phim.

Genre: Kinh dị
Director: Hàm Trần
Cast: Võ Tấn Phát, Lê Huỳnh, Sỹ Toàn, Kiều Trinh, Võ Điền Gia Huy, Lê Quốc Nam...
Rating: 8/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim

Chễm chệ trên ngôi vị đầu bảng Netflix Việt Nam hiện tại là Tiệm ăn của quỷ (Devil's Diner), series kinh dị tâm linh của đạo diễn Hàm Trần. Loạt phim bao gồm 6 tập. Mỗi tập có thời lượng khoảng 30 phút, xoay quanh các loại khổ hạnh của con người, gồm tham, sân, si, mạn và nghi. Tập cuối cùng nói về nghiệp báo, khi con người phải trả giá cho việc phạm lỗi, đồng thời mở đường cho việc phát triển nội dung của các mùa tiếp theo.

Với chủ đề độc đáo, Tiệm ăn của quỷ nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả khi ra mắt dịp Tết Ất Tỵ 2025. Phim trở thành chủ đề bàn luận rôm rả trên mạng xã hội và diễn đàn phim những ngày qua.

Nội dung hấp dẫn

Tiệm ăn của quỷ lấy bối cảnh chính là tiệm ăn của một đầu bếp bí ẩn (Lê Quốc Nam thủ vai). Tại đây, những thực khách tìm đến với nhiều nỗi lòng, khao khát riêng. Họ được phục vụ một món ăn đặc biệt, giúp hiện thực hóa ước muốn thầm kín. Thế nhưng, cái giá phải trả cho việc này không hề rẻ, khi thực khách phải chấp nhận đánh đổi linh hồn, thậm chí là cả tính mạng của bản thân, gia đình.

Nhìn vào lớp vỏ bên ngoài, Tiệm ăn của quỷ mang lại cảm giác là sự giao thoa giữa những tác phẩm nổi tiếng như Wish Upon và Chef's Table, trong khi concept phục vụ món ăn cho những thực khách đặc biệt lại gợi nhớ về Hannibal hay The Menu...

 Loạt phim bao gồm 6 tập, ra mắt dịp Tết Ất Tỵ.

Loạt phim bao gồm 6 tập, ra mắt dịp Tết Ất Tỵ.

Thế nhưng, nội dung đứa con tinh thần của Hàm Trần lại cài cắm nhiều nét văn hóa Á Đông, đặc biệt là yếu tố Phật giáo khi hướng ống kính vào 5 khổ hạnh của con người, vốn được coi là gốc rễ của phiền muộn. Chúng chẳng những gây phiền chuốc não cho khổ chủ, mà còn ngăn không cho họ hưởng được hương vị thanh lương, giải thoát.

Từ đó, phim đưa khán giả đi khám phá góc tối trong tâm tính con người. Từng tập phim trôi qua hé lộ những tội lỗi của thực khách, đào bới căn nguyên của những khát khao, dã tâm hay ước muốn thầm kín mà họ sẵn sàng trả cái giá không nhỏ để biến chúng thành hiện thực. Chính vì vậy, yếu tố kinh dị không dừng lại ở bề mặt giải trí, mà được Hàm Trần hô biến thành thứ chất liệu hoàn hảo, tạo ra những mẩu chuyện có chiều sâu, giàu triết lý ẩn dụ.

Tiệm ăn của người đầu bếp bí ẩn là nơi khởi nguồn của những ham muốn, dã tâm vượt tầm kiểm soát. Tại ấy, chẳng có con quỷ nào thực sự xuất đầu lộ diện, thay vào đó lại là các thực khách đặc biệt tìm đến với những khao khát riêng. Điều này ẩn ý cho việc chẳng có quỷ dữ nào xúi giục, sai khiến. Ở khía cạnh nào đó, chúng lại là nhân chứng cho những tham vọng, hành vi xấu xa mà con người thực hiện.

Tập 1 với tựa đề "Tham", tức sự tham lam, xoay quanh câu chuyện vì tiền mà bất chấp giao kèo với quỷ, đánh mất chính mình. Ở tập tiếp theo, "Mạn", là sự ngạo mạn, tự mãn, thể hiện qua nhân vật người mẹ có tính coi thường người khác, vô tình khiến con cái rơi vào bể khổ. Tới tập thứ 3, “Sân” mang nghĩa ghen ghét, oán giận dẫn đến hành động xấu. Người cha trong tập này trong sự nóng giận mà không ngại bán mình cho quỷ để hại người, chẳng ngờ tới lúc tự nhấn chìm bản thân trong bi kịch.

“Si” trong tập 4 là thần trí bất ổn, mê muội, thiếu sáng suốt. Nhân vật Tùng để cho bi kịch quá khứ nuốt chửng bản thân ở hiện tại. Cũng chính vì vậy, cậu ngày càng lún sâu vào chuỗi sai lầm khó thể quay đầu. Còn trong tập 5, "Nghi" tức sự hoài nghi, thể hiện trong hình ảnh nam chính bị quyết định của mình trừng phạt, mãi không thể thoát khỏi “địa ngục” mà chính bản thân chuốc lấy.

 Nội dung phim gây ấn tượng với nhiều cài cắm về Phật giáo.

Nội dung phim gây ấn tượng với nhiều cài cắm về Phật giáo.

Tập phim cuối cùng về nghiệp báo, như một sự gói gọn về kết cục của mọi tội lỗi, khổ hạnh mà con người mắc phải. Những quyết định mà các thực khách đưa ra đều dẫn đến hậu quả không thể né tránh.

Thực chất, tại một thời điểm nào đó, họ đều được trao cho cơ hội, nhưng chính việc đưa ra lựa chọn sai lầm đã đẩy bản thân vào kết cục khủng khiếp.

Lối kể chuyện độc đáo

Với Tiệm ăn của quỷ, Hàm Trần kể câu chuyện kinh dị xen lẫn sắc màu tâm lý. Phim chia thành nhiều mẩu chuyện độc lập, tạo cảm giác như một tác phẩm hợp tuyển với lối kể phi tuyến tính. Tại đó, sợi chỉ kết nối nằm ở nhân vật chủ tiệm ăn bí ẩn, một người đàn ông trung niên kỳ quái với tính cách cởi mở, thân thiện, sẵn sàng lắng nghe mọi câu chuyện, bí mật sâu kín nhất của thực khách tìm đến.

Với thời lượng từng tập khá ngắn, đường dây câu chuyện nhìn chung khá gãy gọn, với tiết tấu nhanh. Thế nhưng, đan xen đó vẫn là một số khoảng lặng, để người xem có thời gian chiêm nghiệm, suy ngẫm về những bi kịch đang dần thành hình đằng sau mỗi quyết định của nhân vật.

Đạo diễn tập trung phát triển câu chuyện, cho thấy sự đen tối, u ám của những tội lỗi mà con người mắc phải, thay vì lạm dụng những chiêu trò hù dọa để chơi đùa với cảm xúc khán giả. Yếu tố tâm lý cũng được đào sâu khi Hàm Trần luôn cố gắng khai thác đường dây cảm xúc của nhân vật, trước và sau mỗi biến cố lớn khiến cuộc đời họ rẽ hướng.

Bầu không khí nặng nề, hồi hộp cũng được xây đắp chậm rãi, từ từ đẩy xúc cảm người xem lên cao trào khi bi kịch ập đến với những thực khách của tiệm ăn bí ẩn. Từ đó, phim đánh thức nỗi sợ hãi một cách tự nhiên, lan tỏa trong tâm trí người xem lúc nào không hay biết. Sự khéo léo này là điểm sáng đáng khen trong lối kể chuyện của Tiệm ăn của quỷ.

 Phim còn bộc lộ hạn chế về thoại.

Phim còn bộc lộ hạn chế về thoại.

Từng có kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án kinh dị gây tiếng vang trước đó, Hàm Trần cho thấy sự nhạy bén trong việc kiểm soát ánh sáng và dàn cảnh, kết hợp với các góc máy tạo ấn tượng thị giác mạnh mẽ. Không gian Tiệm ăn của quỷ hiện lên ma mị, huyền bí, nơi những khổ hạnh, tội lỗi của loài người tìm được kết nối với thế giới tâm linh.

Về diễn xuất, dàn cast tạo thiện cảm khi làm tròn vai. Lê Quốc Nam trong vai ông chủ tiệm thu hút khán giả trong vai trò người móc nối toàn bộ câu chuyện, với suy nghĩ, tính cách kỳ quái, khó đoán.

Tuy nhiên, kịch bản bộ phim vẫn bộc lộ hạn chế như một số tình tiết khá dễ đoán, thiếu sự đột phá. Mặt khác, phần lời thoại của nhiều nhân vật tỏ ra thiếu tự nhiên, gồng gượng.

Tống Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-phim-viet-tiem-an-cua-quy-gay-sot-tren-netflix-post1529051.html
Zalo