Vì sao phải chuyển đổi 38ha rừng phòng hộ tự nhiên ở Ninh Bình để sản xuất xi măng?

Một doanh nghiệp xin chuyển đổi trên 38,1ha rừng phòng hộ tự nhiên ở tỉnh Ninh Bình để khai thác mỏ đá vôi sản xuất xi măng và đã nộp đủ gần 20 tỷ đồng nghĩa vụ trồng rừng thay thế.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa công khai tham vấn cộng đồng Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng cho dây chuyền 2 Nhà máy xi măng Duyên Hà (TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình).

Khu vực đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác có diện tích trên 381.685m2 (hơn 38,1ha) tại xã Yên Sơn và phường Tân Bình được xác định là rừng tự nhiên nghèo kiệt trên núi đá. Ở đây chủ yếu trồng cây gỗ tạp, củi và qua khảo sát cho thấy "không được thị trường thu mua", theo báo cáo ĐTM.

Khu vực khai thác ở phường Tân Bình, TP Tam Điệp. (Ảnh: Thiên An)

Khu vực khai thác ở phường Tân Bình, TP Tam Điệp. (Ảnh: Thiên An)

Do đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ TP Tam Điệp đã đề xuất không thực hiện tận thu lâm sản đối với toàn bộ diện tích 38,1ha rừng phòng hộ tự nhiên tại khu vực mở rộng hành lang an toàn khu vực mỏ. "Việc chiếm dụng đất rừng phòng hộ với diện tích 38,1ha sẽ ít gây tác động xấu, do tại đây có hệ sinh thái nghèo nàn, chủ yếu là cây gỗ nhỏ, gỗ tạp ít có giá trị sử dụng hay giá trị kinh tế; không có các loại cây gỗ lớn, gỗ quý hiếm. Khu vực đất dự kiến chuyển đổi đất làm hành lang an toàn khu vực mỏ không ảnh hưởng đến đất quốc phòng, công trình quốc phòng và phương án tác chiến phòng thủ của TP Tam Điệp và tỉnh Ninh Bình", báo cáo ĐTM thông tin.

Do không có điều kiện tổ chức trồng rừng thay thế, chủ dự án - Công ty TNHH Duyên Hà - đề nghị được nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định và được UBND tỉnh Ninh Bình ra quyết định chấp thuận. Doanh nghiệp khẳng định đã hoàn thành nghĩa vụ trồng rừng thay thế với số tiền trên 19,8 tỷ đồng; Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng có văn bản xác nhận việc này.

Ngoài ra, theo báo cáo ĐTM, tổng diện tích đất trồng lúa dự kiến thu hồi chuyển đổi mục đích sử dụng trên 17.717m2 thuộc đất ruộng của 36 hộ dân ở xã Yên Sơn. "Chủ dự án sẽ thực hiện đúng quy định về chính sách đền bù của Nhà nước và có kế hoạch rõ ràng ngay từ khâu kiểm đếm, đo đạc đều có sự tham gia trực tiếp của người dân và chính quyền địa phương", ĐTM cam kết và nhấn mạnh sẽ tránh xảy ra tranh chấp đất đai.

Công ty TNHH Duyên Hà thông báo, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng cho dây chuyền 2.

Theo thiết kế cơ sở dự án, công suất khai thác của mỏ trên 2 triệu tấn/năm. Do đặc điểm địa chất của khu mỏ là thành phần đá vôi sử dụng làm vật liệu xây dựng chiếm tỷ lệ rất cao nên lượng đá thải loại rất ít. Lượng bụi phát sinh trong quá trình vận chuyển đá thải, theo chủ đầu tư, không đáng kể. Lượng thuốc nổ dùng cho khai thác chủ yếu để phá đá trong một năm khoảng 423,65 tấn/năm, tương đương mỗi năm lượng C02 thải ra do nổ mìn khoảng 31,8 tấn. Đối tượng bị tác động trực tiếp là công nhân hoạt động trong khu vực.

Trước đó, tháng 10/2024, UBND tỉnh Ninh Bình quyết định chuyển mục đích sử dụng 38,1ha đất rừng sang dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng cho dây chuyền 2 Nhà máy xi măng Duyên Hà.

Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình được giao nhiệm vụ, căn cứ vị trí, diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (theo quyết định) để thực hiện thống nhất, đồng bộ với giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình, cách đây hơn 3 năm tại khu vực mỏ khai thác của công ty xi măng Duyên Hà xảy ra sạt trượt xuống khu vực quy hoạch đất rừng nên đã bị tạm dừng từ đó đến nay. Nguyên nhân là đơn vị cấp phép khai thác mỏ nhưng không cấp phép hành lang nên khi khai thác trên đỉnh núi kiểu gì cũng sạt trượt xuống phía dưới. Từ khi bị tạm dừng, các đơn vị chức năng làm các thủ tục xin Chính phủ cho chuyển đổi hơn 32ha để làm hành lang. Trong thời gian chờ, đơn vị cũng đã trồng cây xanh để khắc phục chỗ sạt trượt.

Văn Ngân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/vi-sao-phai-chuyen-doi-38ha-rung-phong-ho-tu-nhien-o-ninh-binh-de-san-xuat-xi-mang-post1153984.vov
Zalo