Vì sao người lao động khởi kiện Công ty CP Vận tải và Du lịch Hương Sơn?

Cho rằng Công ty CP Vận tải và Du lịch Hương Sơn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, chị Bùi Thị Mai Loan đã khởi kiện công ty này ra tòa…

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hà Nội đã thụ lý 7 nội dung công dân tố cáo về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty CP Vận tải và Du lịch Hương Sơn để giải quyết theo quy định của pháp luật

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hà Nội đã thụ lý 7 nội dung công dân tố cáo về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty CP Vận tải và Du lịch Hương Sơn để giải quyết theo quy định của pháp luật

Người lao động khởi kiện…

Ngày 3/12/2024, TAND huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã thụ lý vụ án lao động sơ thẩm số 01/2024/TLST-LĐ “Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”. Nguyên đơn là chị Bùi Thị Mai Loan, SN 1995, trú tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Còn bị đơn là Công ty CP Vận tải và Du lịch Hương Sơn, trụ sở tại xã Hương Sơn, do ông Bùi Mạnh Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật. Công ty CP Vận tải và Du lịch Hương Sơn là chủ đầu tư và cũng là đơn vị vận hành cáp treo Chùa Hương.

Chị Loan đề nghị TAND huyện Mỹ Đức giải quyết 3 nội dung sau: một là, đề nghị tòa án tuyên hủy Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động số 61/QĐ-TGĐ ngày 28/10/2024 của Công ty CP Vận tải và Du lịch Hương Sơn; hai là, buộc Công ty CP Vận tải và Du lịch Hương Sơn công khai xin lỗi và nhận chị Loan trở lại làm việc; ba là, buộc Công ty CP Vận tải và Du lịch Hương Sơn bồi thường thiệt hại cho chị Loan.

TAND huyện Mỹ Đức thụ lý vụ án "Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động" giữa nguyên đơn là chị Bùi Thị Mai Loan và bị đơn là Công ty CP Vận tải và Du lịch Hương Sơn

TAND huyện Mỹ Đức thụ lý vụ án "Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động" giữa nguyên đơn là chị Bùi Thị Mai Loan và bị đơn là Công ty CP Vận tải và Du lịch Hương Sơn

Trong đơn khởi kiện, chị Loan trình bày, Công ty CP Vận tải và Du lịch Hương Sơn và chị Loan đã ký hợp đồng lao động với chức danh nhân viên thủ quỹ phòng Tài chính kế toán của công ty. Năm 2016, mức lương và phụ cấp của chị Loan là 5,5 triệu đồng và được hưởng mức ăn ca. Năm 2017, mức lương của chị Loan được điều chỉnh tăng lên 7 triệu đồng. Trước khi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tiền lương thực tế chị Loan nhận được là 13 triệu đồng và tiền thưởng thực tế được nhận phát sinh tùy từng tháng và hiệu quả công việc, trung bình khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Ngày 10/10/2024, ông Trần Văn Năng, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải và Du lịch Hương Sơn đã ký Quyết định số 51/QĐ-TGĐ về việc miễn nhiệm đối với chị Loan thôi giữ chức vụ thủ quỹ kể từ ngày ký và phải bàn giao công việc chậm nhất ngày 12/10/2024.

Ngày 28/10/2024, ông Trần Văn Năng tiếp tục ký Quyết định số 61/QĐ-TGĐ về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị Loan – nhân viên phòng Tài chính kế toán kiêm bán vé kể từ ngày ký.

Chị Loan cho rằng, Quyết định số 61/QĐ-TGĐ của Công ty CP Vận tải và Du lịch Hương Sơn là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ) vì chị Loan không vi phạm các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 36, Bộ Luật động năm 2019 nên Công ty CP Vận tải và Du lịch Hương Sơn không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị; Công ty CP Vận tải và Du lịch Hương Sơn không báo trước cho chị Loan về việc chấm dứt hợp đồng lao động là vi phạm khoản 2 Điều 36 của Bộ luật này.

Hiện vụ việc người lao động khởi kiện Công ty CP Vận tải và Du lịch Hương sơn đang được TAND huyện Mỹ Đức thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Khi nào người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động?

Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, việc người sử dụng lao động (NSDLĐ) đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thể làm phát sinh thiệt hại và gây khó khăn cho người lao động (NLĐ). Vì vậy, giải quyết hậu quả pháp lý của việc NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ được quan tâm và điều chỉnh cụ thể trong Bộ luật Lao động năm 2019 (BLLĐ).

Việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ có thể được thực hiện theo ý chí của một trong các bên của quan hệ lao động (NLĐ hoặc NSDLĐ), là việc một bên tự mình chấm dứt quan hệ lao động trước thời gian được quy định trong HĐLĐ. Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép NLĐ và NSDLĐ đều có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn. Tuy nhiên, khác với việc NLĐ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần lý do, chỉ cần báo trước đối với từng loại HĐLĐ cụ thể, thì NSDLĐ chỉ có thể được đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong các trường hợp quy định tại Điều 36, Bộ luật Lao động năm 2019.

Điều 36, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp sau:

NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của NSDLĐ. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do NSDLĐ ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ cơ sở;
NLĐ bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 6 tháng liên tục đối với người làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn từ 12 đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn HĐLĐ đối với người làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe của NLĐ bình phục thì NSDLĐ xem xét để tiếp tục giao kết HĐLĐ với NLĐ;
Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;
NLĐ không có mặt tại nơi làm việc sau thời gian quy định tại Điều 31 của Bộ luật này;
NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên;
NLĐ cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật này khi giao kết giao kết HĐLĐ làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng NLĐ.

Nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật sẽ phải bồi thường

Việc pháp luật lao động quy định chặt chẽ đối với trường hợp NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhằm hướng tới mục tiêu bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ, hạn chế tình trạng NSDLĐ tự do chấm dứt HĐLĐ, tạo cơ hội cho NLĐ có công việc ổn định, hạn chế nguy cơ thất nghiệp. Bởi thực tế, NLĐ là bên yếu thế và bị động hơn so với NSDLĐ.

Bên cạnh đó, NSDLĐ muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ cũng cần tuân thủ các yêu cầu về thời gian báo trước theo khoản 2 Điều 36, Bộ luật Lao động năm 2019, các khoản chi trả, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc cho NLĐ theo đúng quy định của pháp luật.

Luật sư Hoàng Văn Hướng cho biết, khoản 2 Điều 36, BLLĐ năm 2019 quy định, khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, NSDLĐ phải báo trước cho NLĐ: ít nhất 45 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày đối với HĐLĐ xác định thời hạn từ 12 đến 36 tháng; ít nhất 3 ngày làm việc đối với HĐLĐ xác định thời hạn dưới 12 tháng; đối với một số ngành, nghề, công vịec đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Trên thực thế, việc NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ thường xảy ra những vi phạm như: nguyên nhân chấm dứt HĐLĐ không hợp lý; thời gian báo trước không đúng quy định đối với từng loại HĐLĐ cụ thể; trình tự, thủ tục chấm dứt HĐLĐ không đảo bảo… Việc NSDLĐ vi phạm quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ cũng dẫn đến những hậu quả pháp lý bất lợi cho chính họ như: gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị sử dụng lao động (NSDLĐ buộc phải hủy quyết định chấm dứt HĐLĐ và nhận NLĐ quay trở lại làm việc; thanh toán các khoản chi phí; bồi thường cho NLĐ theo Điều 41, Bộ luật Lao động năm 2019).

Theo luật sư Hoàng Văn Hướng, đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật là trường hợp chấm dứt HĐLĐ không đúng quy định tại các Điều 35, 36 và 37 của Bộ luật Lao động năm 2019. Nếu NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì sẽ phải bồi thường thiệt hại cho NLĐ.

Điều 41 của Bộ luật này cũng quy định về nghĩa vụ của NSDLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật như sau: phải nhận NLĐ trở lại làm việc theo HĐLĐ đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày NLĐ không được làm việc và phải trả thêm cho NLĐ một khoản ít nhất bằng 2 tháng lương theo HĐLĐ… Trường hợp vi phạm quy định về thời gian báo trước quy định tại khoản 2 Điều 36 của Bộ luật này thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo HĐLĐ trong những ngày không báo trước.

Được biết, ngày 12/12/2024, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hà Nội đã có thông báo về việc thụ lý 7 nội dung công dân tố cáo về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty CP Vận tải và Du lịch Hương Sơn để giải quyết theo quy định của pháp luật. Thời hạn giải quyết tố cáo là 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo.

Quốc Doanh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/vi-sao-nguoi-lao-dong-khoi-kien-cong-ty-cp-van-tai-va-du-lich-huong-son-406199.html
Zalo