Vì sao Ngân hàng Nhà nước không bán vàng miếng SJC từ đầu năm nay?

Chỉ trong chưa đầy một tháng, khoảng cách giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới đã bật tăng từ dưới 1 triệu đồng lên gần 16 triệu đồng/lượng.

Làn sóng mua vàng trong dân tăng mạnh, nhưng nguồn cung gần như không thay đổi.

Giá vàng nội đắt hơn vàng ngoại gần 16 triệu đồng

Ngày 8-5, Công ty SJC đang bán vàng miếng với giá 122,7 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng thế giới quy đổi chỉ vào khoảng 107,2 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Với mức chênh lệch gần 15,7 triệu đồng/lượng, vàng trong nước đang đắt hơn thế giới khoảng 14,6% – một con số gây lo ngại.

Thực tế, từ ngày 3-6-2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu thực hiện giải pháp tăng cung vàng miếng SJC thông qua 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC. Nhờ vậy, khoảng cách giá vàng trong nước – thế giới đã được duy trì ổn định, dao động trong biên độ 3-5 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm giảm về dưới 1 triệu đồng (tương đương khoảng 1%-2%) vào đầu năm 2025.

Tuy nhiên, kể từ tháng 4-2025, thị trường nhanh chóng đảo chiều. Tới ngày 23-4, chênh lệch bất ngờ bật lên mức 14,48 triệu đồng/lượng, kéo theo tâm lý hoang mang trong dân và một làn sóng mua vàng mới.

 Giá vàng miếng SJC hiện đã tăng khoảng 45% giá trị so với đầu năm nay. Ảnh: T.L

Giá vàng miếng SJC hiện đã tăng khoảng 45% giá trị so với đầu năm nay. Ảnh: T.L

Trong báo cáo mới đây vừa trình Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước đã nêu 4 nguyên nhân chính khiến giá vàng miếng SJC tăng nhanh và chênh lệch với giá thế giới nới rộng.

Trong đó, yếu tố đầu tiên là tâm lý kỳ vọng giá vàng thế giới sẽ tiếp tục tăng, dưới tác động của các yếu tố như bất ổn địa chính trị, chiến tranh thương mại, chính sách tiền tệ khó đoán của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), và các cú sốc giá hàng hóa có thể phát sinh khiến nhu cầu mua vàng tăng.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý hơn là từ đầu năm 2025 đến nay, NHNN không tiếp tục can thiệp tăng cung vàng miếng, vì cho rằng thị trường vẫn “tương đối ổn định”.

Khi lực cầu tăng mạnh nhưng nguồn cung không đổi, giá vàng trong nước dễ bị tạo sóng đầu cơ.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, NHNN cũng cho rằng không loại trừ khả năng có doanh nghiệp và cá nhân lợi dụng biến động thị trường để thổi giá, trục lợi.

Định hướng mới: Minh bạch hóa và siết chặt giám sát

Từ đầu năm đến nay, giá vàng miếng SJC đã tăng từ 85 triệu đồng/lượng lên 122,7 triệu đồng/lượng, tăng gần 38 triệu đồng mỗi lượng trong hơn 5 tháng trở lại đây.

Bất chấp mức giá cao, NHNN khẳng định các biến động hiện tại chưa gây ảnh hưởng đến điều hành tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô.

“Mặc dù giá vàng trong nước tăng cao, tuy nhiên những biến động này trước mắt chưa ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng trong nước và quốc tế, phối hợp với các cơ quan hữu quan để tăng cường công tác quản lý và có biện pháp ổn định thị trường vàng theo thẩm quyền”, báo cáo nhấn mạnh.

Trước tình hình trên, NHNN cho biết sẽ khẩn trương sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý vàng theo trình tự rút gọn. Đồng thời đẩy mạnh thanh tra – kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, đặc biệt là khâu phân phối vàng miếng SJC.

Bên cạnh đó, cơ quan này sẽ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính và Bộ Công thương để ngăn chặn các hành vi thao túng, đầu cơ. Ngoài ra, NHNN cam kết tiếp tục theo sát diễn biến thị trường, chủ động có biện pháp can thiệp phù hợp để giữ ổn định vĩ mô.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách minh bạch - thị trường vàng được kiểm soát chặt chẽ - nguồn cung ổn định, là ba yếu tố then chốt mà thị trường vàng trong nước đang cần hơn bao giờ hết để duy trì niềm tin và sự ổn định trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động.

Khi giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh, tâm lý phòng ngừa rủi ro trong dân ngày càng nhạy cảm, khiến ngay cả những biến động nhỏ trên thị trường hay các quyết định đầu tư đơn lẻ cũng có thể gây ra phản ứng dây chuyền mạnh mẽ.

Nếu nhà điều hành không có những điều chỉnh kịp thời và biện pháp phù hợp từ các cơ quan chức năng, thị trường vàng có nguy cơ bị dẫn dắt bởi kỳ vọng và đầu cơ ngắn hạn, khiến khoảng cách giữa giá trị thực và giá trị niềm tin ngày càng rộng.

Khi đó, vàng – thay vì đóng vai trò là nơi lưu giữ giá trị – có nguy cơ trở thành một kênh đầu tư đầy rủi ro, nơi thiệt hại thường rơi vào tay những người yếu thế, là các cá nhân nhỏ lẻ chỉ mong bảo toàn số tiền tích góp của mình. Đó là điều không ai mong muốn, và càng cần được chủ động phòng ngừa.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-ngan-hang-nha-nuoc-khong-ban-vang-mieng-sjc-tu-dau-nam-nay-post848597.html
Zalo