Vì sao năm Ất Tỵ 2025 có đến 384 ngày?

Năm Ất Tỵ 2025 có đến hai tháng Sáu âm lịch và dài tổng cộng 384 ngày.

Theo Lịch vạn niên, tháng Sáu âm lịch 2025 là tháng nhuận nên số ngày âm lịch sẽ dài hơn dương lịch 19 ngày. Điều này đồng nghĩa với việc từ mùng 1 Tết Ất Tỵ (29-1-2025) đến mùng 1 Tết Bính Ngọ (17-2-2026) dài 384 ngày.

Tương tự, năm 2028 cũng là năm nhuận âm lịch và có số ngày thực tế dài hơn 365 ngày.

Chợ hoa Hàng Lược tất bật người mua kẻ bán những ngày cuối năm. Ảnh: Tô Thế

Chợ hoa Hàng Lược tất bật người mua kẻ bán những ngày cuối năm. Ảnh: Tô Thế

Về điều này, nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) cho biết, âm lịch có cơ sở là chu kỳ pha của Mặt trăng - mỗi chu kỳ pha đó được gọi là một tuần trăng, hay như chúng ta vẫn gọi quen thuộc là một tháng âm lịch. Độ dài trung bình của một tháng âm lịch là 29,53 ngày, do đó độ dài của 12 tháng chỉ là 354 hoặc 355 ngày.

Chuyên gia lý giải: "Cứ khoảng 3 năm thì độ lệch giữa hai hệ thống lịch âm và dương sẽ dài thêm 1 tháng, việc đó gây phiền toái cho lịch sinh hoạt của những nơi vẫn sử dụng âm lịch như Việt Nam, đồng thời ngày tháng trong âm lịch không còn phản ánh đúng chu kỳ thời tiết".

Vì lý do đó mà cứ 3 năm lại có thêm một tháng được bổ sung vào âm lịch. Những năm như thế có 13 tháng và được gọi là năm nhuận âm lịch. Năm Ất Tỵ 2025 là một năm như vậy. Vì có tới 13 tháng nên thay vì 354 ngày thì năm Ất Tỵ kéo dài tới 384 ngày.

Chuyên gia cũng khẳng định, điều này không ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt, vấn đề nông nghiệp hay thời tiết, khí hậu trong năm 2025.

"Âm lịch không được coi là công cụ thích hợp cho việc dự đoán thời tiết, vì vậy việc âm lịch có thêm một tháng không phản ánh sự biến động thời tiết. Đối với sinh hoạt của người dân, những người sinh sống ở thành phố hoặc làm việc theo lịch hành chính nói chung không gặp bất cứ ảnh hưởng nào.

Còn với hoạt động nông nghiệp, việc đón Tết muộn khiến người nông dân cần điều chỉnh lại một số thời điểm, chẳng hạn như việc cấy lúa thường diễn ra trong khoảng từ tháng 1 tới đầu tháng 2 dương lịch nên việc nghỉ đón Tết vào thời điểm nào sẽ quyết định sự sai khác trong thời điểm gieo mạ và cấy lúa. Tuy nhiên, sự sai khác này không ảnh hưởng đáng kể tới kết quả khi thu hoạch", ông Sơn nói thêm.

Việc có 13 tháng trong năm Ất Tỵ 2025 có thể khiến người nông dân phải điều chỉnh lại thời điểm gieo mạ và cấy lúa. Ảnh: Đan Thanh

Việc có 13 tháng trong năm Ất Tỵ 2025 có thể khiến người nông dân phải điều chỉnh lại thời điểm gieo mạ và cấy lúa. Ảnh: Đan Thanh

Ở góc nhìn khác, ảnh hưởng rõ rệt nhất khi một năm âm lịch có 13 tháng là trẻ nhỏ phải chờ đợi dịp nghỉ Tết lâu hơn và ngược lại, người lớn lại "thở phào" vì làm được nhiều việc trước khi phải dốc ví cho việc mua sắm cuối năm.

Năm 2025 cũng là năm khá đặc biệt khi tháng Chạp (tháng 12) chỉ có 29 ngày, không có "đêm 30". Mãi đến năm 2033, người dân mới lại trải qua ngày 30 Tết.

Theo Lao Động

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/vi-sao-nam-at-ty-2025-co-den-384-ngay-690279.html
Zalo