Năm 2024 nóng kỷ lục, năm 2025 liệu có giảm?
Sự nóng lên toàn cầu là một sự thật lạnh lùng, nghiệt ngã. Nhiệt độ tăng cao vào năm 2024 đòi hỏi phải có hành động tiên phong về khí hậu vào năm 2025.
Cơ quan khí hậu của châu Âu cuối tuần qua cho biết 2024 là năm nóng nhất được ghi nhận và là năm đầu tiên nhiệt độ trung bình vượt quá giới hạn quan trọng là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Thông báo này được đưa ra khi các vụ cháy rừng trở nên tồi tệ hơn do điều kiện hạn hán hoành hành khắp Los Angeles.
Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) cho biết tất cả các tập dữ liệu nhiệt độ toàn cầu từ khắp nơi trên thế giới đều cho thấy năm 2024 là năm nóng nhất kể từ khi chúng ta bắt đầu ghi chép về nhiệt độ vào năm 1850. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã xác nhận thống kê này vào cuối ngày 10.1, đồng thời thừa nhận 2024 là năm ấm nhất được ghi nhận. WMO đã dựa trên sáu tập dữ liệu quốc tế để cho biết thêm chúng ta đã có "một chuỗi phá kỷ lục nhiệt độ bất thường" trong 10 năm qua. Nói cách khác, mỗi năm trong thập niên qua đều nằm trong top 10 năm ấm nhất được ghi nhận.
Phản ứng trước tin tức này, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết: "Sự nóng lên toàn cầu là một sự thật lạnh lùng, nghiệt ngã. Nhiệt độ tăng cao vào năm 2024 đòi hỏi phải có hành động tiên phong về khí hậu vào năm 2025", đồng thời ông kêu gọi các chính phủ đưa ra các kế hoạch hành động khí hậu quốc gia mới trong năm nay để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dài hạn ở mức 1,5°C và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất ứng phó trước những tác động tàn khốc của khí hậu.
Giám đốc C3S Carlo Buontempo nhấn mạnh rằng các "nguyên lý vật lý cơ bản rất rõ ràng", mà cụ thể là nhiệt không khí và biển ấm hơn trên thế giới dẫn đến các sự kiện cực đoan thường xuyên và dữ dội hơn. Điều này thể hiện từ các đợt nắng nóng đến các đợt mưa lớn hơn và những cơn bão tàn phá hơn.
Do đó, Buontempo cho biết, "hệ thống của chúng ta đối phó và giải quyết với các sự kiện khí hậu cực đoan trước đây đang bị thử thách đến giới hạn. Đây là lý do tại sao thích ứng không còn là một lựa chọn nữa mà là một điều bắt buộc".
Trái đất trên bờ vực nóng hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp
Giám đốc chiến lược về khí hậu Samantha Burgess tại Trung tâm Dự báo thời tiết tầm trung châu Âu, đơn vị điều hành Copernicus, cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu trong hai năm qua đã cao hơn 1,54 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Do đó, nó đã vượt qua mục tiêu ấm lên toàn cầu là 1,5 độ C theo thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015.
Bà Samantha Burgess cho biết: "Chúng ta hiện đang ở bờ vực vượt qua mức 1,5 độ C được xác định trong thỏa thuận Paris". Dù vậy, C3S và WMO nhấn mạnh rằng điều đó không có nghĩa là mục tiêu cao nhất trong thỏa thuận Paris đã thất bại vì mục tiêu đề cập đến mức trung bình trong khoảng thời gian ít nhất là 20 năm. Nói cách khác, chúng ta đang bị dẫn bàn nhưng vẫn còn thời gian để đảo ngược kết quả trận đấu. Nhưng nếu không có nỗ lực nào để "ghi bàn", chúng ta sẽ thua và nhân loại chịu nhiều hệ lụy.
Burgess nói thêm: "Nhiệt độ cao toàn cầu, cùng với mức hơi nước trong khí quyển toàn cầu kỷ lục vào năm 2024, đã dẫn đến những đợt nắng nóng chưa từng có và các trận mưa lớn, gây ra cảnh khốn khổ cho hàng triệu người".
Tháng trước, một số nhà nghiên cứu hợp tác với các dự án World Weather Attribution (WWA) và Climate Central cho biết biến đổi khí hậu đã làm trầm trọng thêm 26 trong số 29 hiện tượng thời tiết cực đoan mà họ nghiên cứu trong năm 2024.
Những thảm họa đó đã làm thiệt mạng ít nhất 3.700 người và khiến hàng triệu người phải di dời. Thế nhưng, đây chỉ là phần nổi cao nhất của tảng băng chìm của một thế giới nóng hơn. Các thảm họa thời tiết còn gây hậu quả dễ thấy hơn với lũ lụt nghiêm trọng ở miền đông Tây Ban Nha, bão ở Mỹ, hạn hán ở rừng mưa Amazon của Nam Mỹ và lũ lụt trên khắp Tây và Trung Phi.
Tổng thư ký WMO Celeste Saulo cho biết: "Cho dù ở mức dưới hoặc trên 1,5 độ C, thì mỗi lần tăng nhiệt độ toàn cầu đều làm tăng tác động đến cuộc sống, nền kinh tế và môi trường trên hành tinh của chúng ta".
Các nỗ lực trước đây đã đến giới hạn
Những nỗ lực của chính quyền khắp nơi trên thế giới nhằm thích ứng với các hiện tượng khí hậu cực đoan, chẳng hạn như lắp đặt hệ thống cảnh báo, chuẩn bị các trung tâm sơ tán, gia cố nhà cửa và rào chắn lũ lụt, và bảo vệ các hệ sinh thái… đã chậm hơn so với tốc độ gia tăng của các tác động, dẫn đến thiệt hại kinh tế ngày càng tăng.
Vào 9.1, công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới Munich Re cho biết bão, lũ lụt và các thảm họa thiên nhiên khác đã khiến các công ty bảo hiểm phải chi trả 140 tỉ USD vào năm 2024, tăng so với năm 2023 và là một trong những năm bồi thường tốn kém nhất trong lịch sử ngành bảo hiểm.
Giám đốc C3S Buontempo thừa nhận: "Chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức khí hậu rất mới mà xã hội chúng ta chưa chuẩn bị. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là dựa trên những gì chúng ta có và phát triển các dịch vụ cũng như hệ thống cảnh báo sớm để chủ động tăng cường việc tự bảo vệ".
Khí nhà kính cao nhất trong 800.000 năm
C3S cho biết dữ liệu mà họ đã biên soạn cho thấy nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2024 là 15,1 độ C, vượt qua năm 2023 - năm ấm nhất trước đó - là 0,12 độ C.
Năm ngoái cũng là năm ấm nhất được ghi nhận đối với tất cả các châu lục ngoại trừ Nam Cực và châu Úc. Năm 2024 cũng ghi nhận nhiệt độ trung bình toàn cầu cao nhất trong một ngày (vào ngày 22.7 là 17,16 độ C) cũng như nhiệt độ bề mặt biển trung bình hằng năm cao nhất (20,87°C).
Năm 2024 được đặc trưng bởi kiểu thời tiết El Nino (do nước biển Thái Bình Dương ấm lên) góp phần làm tăng nhiệt độ toàn cầu. Không chỉ vậy, các nhà khoa học cũng đổ lỗi phần lớn cho sự gia tăng khí thải nhà kính trong khí quyển do các hoạt động của con người khiến nhiệt độ Trái đất nóng hơn.
Burgess cho biết năm 2025 cũng có khả năng nằm trong ba năm nóng nhất - mặc dù năm nay có thể mát hơn năm 2023 và 2024. Lý do để Burgess tin vào điều này vì không có dự báo về El Nino trong vài tháng tới và nhiệt độ bề mặt biển đã giảm vào tháng trước.
Năm 2024, khí nhà kính được ghi nhận trong khí quyển đã đạt mức cao nhất trong ít nhất 800.000 năm qua. Cụ thể, nồng độ carbon dioxide đạt 422 ppm (phần triệu), cao hơn 2,9 ppm so với năm 2023 và khí mê-tan cũng tăng.
Các nhà khoa học nhấn mạnh thế giới cần cùng nhau đẩy mạnh nỗ lực để cắt giảm lượng khí thải đó, đồng thời họ thúc giục nhiều biện pháp thích ứng hơn để giữ cho mọi người an toàn hơn trước những hậu quả mà thế giới đang phải vật lộn.
Người đứng đầu bộ phận quan sát Trái đất tại Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Không gian của Ủy ban châu Âu là Mauro Facchini, cho biết một số hành động để thích ứng với một hành tinh nóng hơn đã được tiến hành thông qua quy hoạch đô thị hoặc quản lý đất đai tốt hơn. Điều này giúp tránh thiệt hại do lũ lụt, nhưng cần có những thay đổi lớn hơn.
Facchini nói thêm: “Trong ngắn hạn, chúng ta biết rằng có điều gì đó đang xảy ra và chúng ta phải thích nghi nếu muốn giảm thiểu tác động đến cuộc sống hằng ngày của mình”.