Vì sao một số quân nhân Mỹ trở nên cực đoan?
Theo trang The i, vụ lao xe vào đám đông tại thành phố New Orleans và vụ nổ xe Tesla ngay trước khách sạn Trump International tại thành phố Las Vegas phơi bày một thách thức mà một bộ phận quân nhân tại ngũ lẫn cựu quân nhân Mỹ phải đối mặt, đó là sự 'cực đoan hóa'.
Cựu quân nhân Shamsud-Din Jabbar (42 tuổi) giết chết 15 người khi lái một chiếc xe bán tải lao vào đám đông tập trung trên phố Bourbon chào đón năm mới. Trên xe có cờ của tổ chức khủng bố IS.
Còn tài xế của chiếc Tesla phát nổ là quân nhân đang tại ngũ Matthew Livelsberger (37 tuổi). Lính đặc nhiệm này viết trong thư tuyệt mệnh rằng muốn dùng pháo hoa cùng thuốc nổ “cảnh tỉnh” đất nước.
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) vẫn chưa tìm ra mối liên hệ tiềm ẩn giữa hai người. Tuy nhiên, thời gian phục vụ quân ngũ là yếu tố chung góp phần lý giải vì sao họ lại quyết định thực hiện hành động cực đoan như vậy.
Theo một phân tích do hãng AP thực hiện, từ năm 2017 đến năm 2023 có khoảng 480 người có thời gian làm quân nhân phạm tội với động cơ liên quan đến hệ tư tưởng (Hồi giáo cực đoan hoặc các thuyết âm mưu). Đặc biệt, hàng chục cựu quân nhân lẫn quân nhân đang tại ngũ đã tham gia cuộc nổi loạn Đồi Capitol ngày 6.1.2021.
Một nghiên cứu năm 2024 của tổ chức RAND cũng ghi nhận cựu quân nhân rất khó quay lại cuộc sống bình thường. Họ đối mặt với nhiều thử thách như cảm giác nhớ đồng đội và cuộc sống quân ngũ, không có nguồn lực, chẳng biết phải làm gì, vật lộn với chứng trầm cảm, thậm chí vô gia cư và vào tù. Trung tâm Luật Southern Poverty (tổ chức chống cực đoan) cảnh báo những thử thách như vậy có thể đẩy cựu quân nhân xuống đáy xã hội khiến họ dễ cực đoan hóa. Mạng internet đóng vai trò “tiếp tay” thúc đẩy quá trình này.
Quân nhân không tin tưởng chính phủ
Livelsberger đã tại ngũ 19 năm trong đó 18 năm phục vụ lực lượng đặc nhiệm, là chuyên gia về liên lạc, tình báo, quản lý hệ thống điều khiển từ xa cùng hệ thống tự động.
Trước khi trở thành quân nhân, Livelsberger học nghiên cứu chiến lược và phân tích quốc phòng tại Đại học Norwich (một trường quân sự trên địa bàn thành phố Vermont). Dù phục vụ quân đội nhưng người lính đặc nhiệm 37 tuổi lại không tin tưởng chính phủ. Anh từng viết trên mạng xã hội LinkedIn rằng chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm về khoản nợ sinh viên. Vài bài đăng khác thể hiện sự quan tâm đến quyền con người cũng như phúc lợi động vật.
Việc lựa chọn kích nổ xe Tesla trước cửa chính Trump International dường như mang ẩn ý.
Tỷ phú công nghệ Elon Musk - chủ sở hữu Tesla - ủng hộ Tổng thống đắc cử Donald Trump rất mạnh mẽ, không ngần ngại tài trợ lẫn dùng sức ảnh hưởng giúp chính trị gia đảng Cộng hòa giành chiến thắng. Ông được đền đáp bằng vai trò đồng lãnh đạo Bộ Hiệu quả chính phủ để thực hiện cam kết cắt giảm 500 tỉ USD chi tiêu công “không cần thiết” – trong đó có 120 tỉ USD dành cho dịch vụ y tế phục vụ cựu quân nhân.
Cựu quân nhân gặp khó khăn sau khi xuất ngũ
Jabbar là người cải đạo sang Hồi giáo, vài tháng gần đây bắt đầu hành động “điên rồ” đến mức bị cấm tiếp cận vợ cũ cùng 2 con.
Từ năm 2007 đến năm 2015, ông đảm nhận nhiều nhiệm vụ về nhân sự và công nghệ thông tin trong quân đội, từng được triển khai đến Afghanistan. Sau năm 2015 Jabbar chuyển về lực lượng dự bị rồi xuất ngũ năm 2020.
Cuộc sống sau khi xuất ngũ không hề thuận lợi. Năm 2022 cựu quân nhân 42 tuổi thừa nhận công việc kinh doanh bất động sản của bản thân năm trước đó thua lỗ đến 28.000 USD. Jabbar còn có khoản nợ thẻ tín dụng 16.000 USD, phải chăm sóc người cha đau ốm.
Trong nhiều đoạn phim quay lúc lái xe đến New Orleans, ông phàn nàn về tiền bạc, chuyện ly hôn đồng thời bày tỏ ý muốn giết chết gia đình mình.