Vì sao một số người miễn nhiễm với Covid-19?
Việc nghiên cứu người không nhiễm virus dù tiếp xúc với nguồn bệnh - có thể là nhờ phản ứng của tế bào T - sẽ cung cấp thêm manh mối cho giới khoa học về cách chống lại Covid-19.
Sau hơn 2 năm xuất hiện đại dịch Covid-19, mọi người có thể có miễn dịch từ vaccine, do từng mắc trước đó, hoặc từ cả hai trường hợp. Cũng có bằng chứng cho thấy một số trường hợp hiếm hoi có miễn dịch với Covid-19 mà chưa từng mắc bệnh hoặc tiêm chủng.
Theo dữ liệu của chính phủ, hơn một nửa dân số Mỹ có thể chưa bao giờ mắc Covid-19. Nhiều nhà khoa học băn khoăn liệu những người này có thực sự miễn nhiễm hoàn toàn với nCoV hay không.
Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến, trong khi khả năng miễn dịch của con người lại suy giảm theo thời gian nên rất khó phân biệt được có bao nhiêu người đang có miễn dịch tại một thời điểm nhất định.
Ví dụ, các nghiên cứu chỉ ra nhiễm Omicron sẽ cung cấp một số khả năng miễn dịch chống lại nhiễm Delta. Tuy nhiên, biến chủng này cũng phá vỡ các kháng thể hình thành từ lần nhiễm trước đó hoặc từ vaccine.
Không chỉ vậy, số ca mắc trong cộng đồng thực tế còn cao hơn nhiều so với số liệu chính phủ công bố, vì ngày càng có nhiều người thực hiện xét nghiệm Covid-19 tại nhà và không báo lại kết quả.
Do đó, khi số ca mắc tăng cao ở nhiều khu vực, việc nghiên cứu những người chưa từng mắc Covid-19 cũng quan trọng không kém việc nghiên cứu những ai từng nhiễm, Bloomberg nhận định.
Chuyên gia cho rằng tìm hiểu về những người có “siêu” miễn dịch kháng lại virus mà không cần tiêm phòng có thể cung cấp lời giải cho các câu hỏi quan trọng, như lý do một số người bị bệnh trong khi người khác thì không. Không chỉ vậy, điều này còn giúp ích cho sự phát triển của vaccine và phương pháp điều trị bền vững trước các đột biến của virus.
Vai trò của tế bào T
Những người chưa bao giờ nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể phân làm 2: Không xuất hiện triệu chứng nên không biết mình mắc lúc nào, hoặc đã tiếp xúc với nguồn bệnh nhưng vẫn có kết quả âm tính.
Đầu đại dịch, Leo Swadling - nhà miễn dịch học tại Đại học London - đã bắt đầu tìm hiểu thêm về những người may mắn không nhiễm virus.
“Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến những người tiếp xúc với nguồn lây bệnh. (Cơ thể họ) kiểm soát virus rất nhanh, loại bỏ virus trước khi nó có thể nhân bản và tạo ra phản ứng kháng thể”, ông Swadling cho biết. “Điều này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về khả năng miễn dịch tốt nhất, bảo vệ (cơ thể) không bị tái nhiễm”.
Ông Swadling, cùng với các đồng nghiệp ở London, đã công bố nghiên cứu trên tạp chí Nature vào tháng 11/2021. Nghiên cứu đánh giá nhóm nhân viên chăm sóc sức khỏe của Vương quốc Anh trong đợt dịch đầu tiên. Họ tìm thấy bằng chứng cho thấy cơ thể một số nhân viên y tế tiếp xúc với nguồn bệnh có thể đào thải virus ngay trước khi tạo ra kháng thể.
Nghiên cứu chỉ ra với những người này, việc tiếp xúc trước đó với loại virus corona khác ở người - như virus corona gây triệu chứng giống cảm lạnh - đã giúp cơ thể họ chống lại virus SARS-CoV-2.
Điều này xảy ra là do tế bào T - tế bào quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể - nhận ra và nhắm mục tiêu vào phần mà cả SARS-CoV-2 và các loại virus corona trước đó có. Cơ thể họ tấn công loại virus mới mà không cần sản sinh ra các kháng thể mới phản ứng với nó.
Thêm nữa, tế bào T mà cơ thể các nhân viên chăm sóc sức khỏe sản xuất nhắm mục tiêu vào phần khác của virus, không giống phần mà tế bào T ở cơ thể người mắc Covid-19 tấn công khi virus xâm nhập.
Ông Swadling cho biết trong khi tế bào T được sản xuất bởi vaccine và do từng mắc Covid-19 tấn công đột biến trong protein gai, tế bào T của các nhân viên y tế này lại nhắm mục tiêu vào “bộ máy” bên trong của virus. Các nhà nghiên cứu gọi những tế bào T chống lại các loại virus corona khác nhau là “phản ứng chéo” (cross-reactive).
“Chúng tôi xác định được các phần mới có thể giúp cải thiện vaccine”, ông Swadling cho biết. Ông nói những cải tiến này có thể làm cho vaccine hiệu quả hơn trong việc ngừa nhiễm, chống lại các biến chủng mới và bảo vệ những người bị suy giảm miễn dịch.
Hai lớp phòng thủ
Khả năng miễn dịch xảy ra khi cơ thể nhận ra mầm bệnh và chống lại lây nhiễm một cách hiệu quả. Các kháng thể tấn công virus ngay khi nó có dấu hiệu xâm nhập vào cơ thể. Tế bào T hoạt động như tuyến phòng thủ khác. Nó làm việc để ngăn chặn virus lây lan và phát triển thành bệnh khi virus đã vào cơ thể.
Các vaccine mRNA như do Pfizer và Moderna sản xuất hoạt động bằng cách “huấn luyện” cơ thể sản xuất kháng thể một cách an toàn, nhưng cũng thúc đẩy sản xuất tế bào T và tế bào B. Đó là lý do vaccine giảm tỷ lệ nhập viện, ngay cả khi nó không thể chống nhiễm virus: Khi kháng thể suy yếu thì tế bào T vẫn ở đó.
Các tác giả của nghiên cứu nói tế bào T mà họ tìm thấy - những tế bào nhắm mục tiêu vào “bộ máy” bên trong của virus - bảo vệ cơ thể trước những biến chủng mới, vì chúng tấn công vào phần ít đột biến hơn so với protein gai.
Họ đưa ra giả thuyết việc vaccine nhắm mục tiêu vào những vùng đó có thể khiến vaccine hiệu quả hơn. Công ty Gritstone Bio đang tìm cách đưa các giả thuyết của ông Swadling vào thử nghiệm.
Có nhiều người khác cũng đưa ra kết luận tương tự Swadling và đồng nghiệp của ông.
Một nghiên cứu cho thấy trong một gia đình, nếu cả nhà nhiễm mà một người không nhiễm, có khả năng người đó được bảo vệ bởi tế bào T từ những lần tiếp xúc với loại virus corona khác trong quá khứ.
Một nghiên cứu khác từ tháng 1 chỉ ra một số trẻ không phát triển kháng thể chống virus SARS-CoV-2 cũng có tế bào T “phản ứng chéo”. Đây có thể là một phần lý do trẻ em thường có các triệu chứng nhẹ hơn người lớn.
Rất khó để đánh giá có bao nhiêu người miễn nhiễm kiểu này. Một số người chưa mắc Covid-19 vì họ cẩn thận phòng ngừa, hoặc chỉ đơn giản là may mắn. Tuy nhiên, quan trọng hơn việc đếm số người chưa mắc Covid-19 là thu thập thông tin về khả năng miễn dịch sau khi phát hiện điều gì khiến họ khác biệt.
“Tế bào T tồn tại rất lâu nên chúng ta có thể không cần tiêm nhắc lại", ông Swadling nói. Ông cho rằng nghiên cứu "siêu" miễn dịch có thể giúp con người chống lại Omicron và bất kỳ biến chủng nguy hiểm nào trong tương lai.