Vì sao lũ quét có thể cuốn phăng cả một ngôi làng?

Lũ quét xảy ra khi xuất hiện cả 2 yếu tố đồng thời, gồm đất đá bở rời kém gắn kết trên đường đi của dòng chảy và xuất hiện dòng chảy với tốc độ đủ lớn để cuốn theo.

Vì sao làng Nủ lại xảy ra lũ quét lớn như vậy?

Lũ quét kinh hoàng ở làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai là một trong những thảm họa nghiêm trọng nhất ở Việt Nam do thiên tai mưa lũ. Tính tới chiều 20/9, số người chết trong thảm họa lũ quét tại Làng Nủ là 54 người. Số người mất tích hiện còn 13 người, số người bị thương 16 người, trong đó đang điều trị tại bệnh viện 14 người. Hơn chục ngày sau khi thảm họa xảy ra, các lực lượng quân đội và công an vẫn đang tích cực tìm kiếm số nạn nhân mất tích còn lại.

Cảnh tan hoang sau lũ quét kinh hoàng ở làng Nủ.

Cảnh tan hoang sau lũ quét kinh hoàng ở làng Nủ.

PGS.TS Trần Lê Lựu, điều phối viên Chương trình thạc sĩ Công nghệ, Tái sử dụng và quản lý nước (trường Đại học Việt Đức) cho biết, có nhiều yếu tố quyết định mức độ nguy hiểm của lũ quét như địa hình dốc cao, nền địa chất yếu, đứt gãy hay thiếu các mảng thực vật và cây rừng lớn để giữ đất. Tuy nhiên nguy hiểm nhất vẫn là lượng mưa nhiều trên núi thoát xuống dưới không kịp, bị tích tụ, vỡ ra và gây lũ quét. Hiện tượng này cũng giống như việc vỡ hồ chứa nước và đất trên đỉnh đồi.

Lũ quét tại khu vực núi cao và độ dốc lớn thường nặng nề hơn do khối lượng đất đá bị sạt trượt xuống nhiều cùng với lượng nước lớn bị tích tụ. Khi trọng lực lớn của nước tác động lên một sườn dốc vượt quá lực cản sẽ xảy ra trượt lở. Do đó quá trình thường sẽ diễn biến nhanh, bất ngờ, người dân không kịp chuẩn bị ứng phó và sơ tán.

Lũ quét thường xảy ra tại các địa hình dốc như chân đồi núi hoặc địa hình thung lũng. Hiện tượng nguy hiểm này cũng xuất hiện ở vùng địa hình có mật độ che phủ thực vật thấp, dẫn đến bề mặt lớp đất không ổn định. Lũ quét xảy ra khi xuất hiện cả 2 yếu tố đồng thời, gồm đất đá bở rời kém gắn kết trên đường đi của dòng chảy và xuất hiện dòng chảy với tốc độ đủ lớn để cuốn theo.

Còn hiện tượng sạt lở đất là hậu quả của sự xuất hiện các chấn động địa chất tự nhiên, do hiện tượng phong hóa, hoặc thay đổi độ ẩm trong đất, dịch chuyển của kết cấu bảo vệ của phần chân của mái dốc. Nắng nóng kéo dài gây ra nứt đất, khi có mưa to sẽ tạo thành đường trượt gây sụt đất hay sạt lở đất, đá trượt nhanh từ sườn dốc, mái dốc xuống gây ra sạt cả mảng đồi trượt xa hàng km.

Về mặt địa chất, phần lớn diện tích khu vực miền núi phía Bắc được cấu tạo bởi các loại đá cổ bị phong hóa mạnh. Lớp vỏ phong hóa như đất đạt độ sâu từ 15 - 30 m. Trong lớp vỏ này thường chứa các khoáng vật sét (nhất là monmorilonit) thay đổi đặc tính rất mạnh, đặc biệt là trương nở rất lớn khi có nước, quyết định đặc tính dễ biến dạng và tan rã của loại đất này.

Đặc biệt, khi miền Bắc chịu một đợt nắng nóng kéo dài (từ tháng 4 đến tháng 7), cấu trúc của đất đã bị phá hủy đáng kể. Tiếp theo, các đợt mưa dài ngày liên tiếp của tháng 8 và đầu tháng 9 do ảnh hưởng của cơn bão số 3 khiến cấu trúc của đất vốn đã bị suy yếu gặp nước dễ dàng bão hòa và chảy nhão như bùn.

Các mái dốc ở miền núi trong điều kiện tự nhiên vốn ổn định song khi gặp các điều kiện bất lợi, độ bền của đất suy giảm và sụp đổ vùi lấp mọi thứ ở dưới chân mái dốc. Khi mái dốc cao, thể tích khối đất lớn bị sụp đổ gây hậu quả nghiêm trọng. Đây cũng chính là nguyên nhân gây lũ quét tại Làng Nủ.

Bão cường độ mạnh, dồn dập trong các tháng cuối năm

ThS. Lê Thị Xuân Lan, nguyên phó phòng dự báo, Đài khí tượng thủy văn Khu vực Nam Bộ, cho biết cơn bão Yagi diễn ra trong giai đoạn chuyển pha từ ENSO (trung tính) sang pha La Nina (nước biển lạnh đi) bắt đầu từ tháng 9. Tuy nhiên, theo bà Lan sự chuyển pha này không phải là nguyên nhân bão có cường độ mạnh và lũ lụt sau đó ảnh hưởng nhiều tỉnh miền Bắc hiện nay. Lý do chính là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến La Nina có yếu tố dị thường, tác động mạnh hơn khiến bão cường độ mạnh, xảy ra dồn dập, mưa lớn lũ lụt, sạt lở xảy ra nghiêm trọng và kéo dài.

Ảnh hưởng biến đổi khí hậu làm bầu khí quyển nóng lên mà nhiều người gọi là sự ấm lên toàn cầu. Bầu khí quyển nóng lên làm nước biển tăng nhiệt độ. Nước biển chỉ cần tăng 0,5 độ C là đủ điều kiện cung cấp nguồn năng lượng khiến các cơn bão có cường độ mạnh hơn. Bầu khí quyển nóng cũng làm thay đổi hoàn lưu, khiến các khối không khí hoạt động mạnh hơn hoặc không theo quy luật của khí hậu, dẫn tới các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Biến đổi khí hậu là yếu tố chính khiến các hình thái thời tiết bất thường kéo dài các pha từ El Nino, Enso và La Nina khiến thiên tai như mưa bão, lũ lụt, hạn hán, rét buốt, xâm nhập mặn... ngày càng diễn biến phức tạp, dữ dội, kéo dài hơn.

Giai đoạn cuối tháng 8 đầu tháng 9 nước biển nóng ấm hơn các tháng trong năm vì vậy các cơn bão có điều kiện thuận lợi phát triển nhanh. Cộng thêm các yếu tố khác như nhiệt độ mặt biển cao, cơn bão di chuyển chậm với tốc độ vừa phải trong bối cảnh nước biển ấm tích lũy năng lượng nhiều cùng điều kiện độ đứt gió ở mức độ vừa phải sẽ làm cho năng lượng nuôi dưỡng cơn bão tích tụ. Các nguyên nhân này khiến cơn bão phát triển nhanh và mạnh lên rõ rệt, thậm chí trở thành siêu bão.

Theo thống kê, những năm La Nina thường có bão nhiều hơn so với năm ElNino do bộ đối lưu ở vùng phía Tây đẩy vào gần khu vực nước ta, dẫn tới không chỉ bão còn gây mưa nhiều hơn. Kịch bản dự báo lượng mưa trung bình tháng từ nay đến cuối năm sẽ cao hơn so với cách đây nhiều năm, ít nhất khoảng 10-20%. Kết quả dự báo mô hình cho thấy, trong tháng 9 có khả năng sẽ có ít nhất 2 cơn bão (hoặc có thể là áp thấp nhiệt đới hay vụ nhiễu động) tác động vào khu vực biển Đông, ảnh hưởng tới khu vực miền Trung, Bắc Trung Bộ phần nhiều.

Các chuyên gia khuyến cáo, dự báo trong những tháng cao điểm mưa bão tại Việt Nam từ tháng 9 - 11, có thể xảy ra 2 - 3 cơn trong một tháng. Bão lũ có thể kéo dài đến đầu năm 2025 ảnh hưởng chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung. Vào cuối năm, Nam Trung Bộ và Nam Bộ có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp của ít nhất một cơn bão. Do địa hình ở miền Bắc có nhiều đồi núi, dốc, lòng sông rộng và kéo dài, cùng với nhiều hồ thủy điện nên tình hình mưa lũ nhất là lũ quét, lũ ống rất phức tạp, ảnh hưởng lớn người dân.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-lu-quet-co-the-cuon-phang-ca-mot-ngoi-lang-169240922111011125.htm
Zalo