Báo chí hãy tạo ra những câu chuyện tích cực, mang tính xây dựng và giải pháp

Chiều ngày 21/9, tại Bình Thuận, Báo Nhà báo và Công luận đã tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập 2024 'Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?'.

Toàn cảnh Diễn đàn. (Ảnh: Báo Nhà báo và Công luận)

Toàn cảnh Diễn đàn. (Ảnh: Báo Nhà báo và Công luận)

Tham dự và chủ trì Diễn đàn có ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận; ông Đoàn Anh Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; ông Nguyễn Đức Lợi - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Diễn đàn có sự tham dự của ông Đỗ Chí Thanh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Về phía Ban tổ chức có ông Lê Trần Nguyên Huy - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, quyền Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận, Trưởng Ban tổ chức; bà Trần Lan Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận, Phó Trưởng Ban tổ chức.

Đến tham dự Diễn đàn còn có hơn 100 Tổng Biên tập các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, các cơ quan chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Thuận và các phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí đến dự và đưa tin.

Trước khi diễn ra chương trình, các đại biểu tham dự đã quyên góp cho “Quỹ ước mơ xanh” hướng về đồng bào 26 tỉnh miền Bắc chịu thiệt hại do bão lũ.

Diễn đàn bao gồm 2 phiên thảo luận. Phiên thứ nhất có chủ đề: Báo chí giải pháp - Xu hướng và tiềm năng; Phiên thứ hai có chủ đề: Triển khai báo chí giải pháp: Cách thức, mô hình nào hiệu quả?

Báo chí giải pháp cho độc giả cảm thấy được trao quyền và mang lại hy vọng

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, quyền Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận Lê Trần Nguyên Huy nhận định, báo chí truyền thống (BCTT) đã và đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ truyền thông xã hội. Tuy nhiên, thực tế đời sống báo chí thời gian qua đã cho thấy BCTT không nên và không thể cạnh tranh với mạng xã hội về tốc độ đưa tin. Vì thế, để bảo đảm sự tồn tại, kiến tạo nguồn thu và giữ chân được độc giả, BCTT buộc phải tìm những hướng đi mới. Với báo chí cách mạng Việt Nam, hướng đi đó còn là việc làm thế nào để các cơ quan báo chí tiếp tục khẳng định được dòng thông tin chủ lưu, định hướng, dẫn dắt dư luận và đóng góp được vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, không chỉ để giữ chân độc giả mà còn để củng cố niềm tin của công chúng vào báo chí.

“Từ những trăn trở đó, trước thềm kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng tôi lựa chọn chủ đề “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?” cho Diễn đàn Tổng Biên tập 2024. Hy vọng, Diễn đàn sẽ được đón nhận những ý kiến trao đổi thẳng thắn, những chia sẻ bổ ích về xu hướng báo chí mới này”, ông Lê Trần Nguyên Huy chia sẻ.

Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn. (Ảnh: Báo Bình Thuận)

Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn. (Ảnh: Báo Bình Thuận)

Mở đầu phiên thảo luận thứ nhất, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đã có bài thuyết trình "Tổng quan về báo chí xây dựng, báo chí giải pháp". Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, thông tin tiêu cực dường như trở thành ADN của báo chí. Theo đó, những bài viết về thảm kịch đối với con người, thiên tai và xung đột toàn cầu đóng vai trò chủ đạo để kích thích mọi người đọc tin mỗi ngày. Mối quan tâm đến tin tức dựa trên sự sợ hãi lên tới đỉnh điểm vào năm 2020, khi các cơ quan báo chí trên thế giới chứng kiến số lượng trả phí đọc báo điện tử và tiêu dùng nội dung tăng vọt trong đại dịch Covid-19.

“Tin tiêu cực có thể đóng vai trò quan trọng là thông tin, cảnh báo, nhưng nó cũng gây tác động có hại với độc giả, như sợ hãi, lo lắng, tức giận, hoài nghi. Hậu quả là khiến độc giả quay lưng với báo chí. Theo báo cáo 2022 của Reuters, tỷ lệ né tránh tin tức ở Brazil và Anh đã tăng gấp đôi kể từ 2017”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết.

Cũng theo ông Lê Quốc Minh, khi niềm tin với truyền thông bị xói mòn và xảy ra tình trạng né tránh tin tức, thì cơ quan báo chí phải tìm hiểu lý do, đưa ra cách thu hút, tương tác và giữ chân độc giả. Tin tức tiêu cực thường bị xem là một trong những nguyên nhân chính, vì vậy báo chí phải xác định cách thức đưa tin mà không làm độc giả xa lánh. Từ đó, ông Minh cho rằng hướng đi hiện nay phải là báo chí xây dựng, báo chí có giải pháp. “Một hướng đi đang hiện rõ cho ngành báo là báo chí xây dựng/báo chí giải pháp, theo đó các cơ quan báo chí trong khi đưa tin thì cũng đề xuất các giải pháp hoặc luận giải kỹ lưỡng để độc giả cảm thấy được trao quyền và mang lại hy vọng”, ông Lê Quốc Minh nêu rõ.

“Với chủ đề “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?”, Diễn đàn sẽ được nghe những bài viết chuyên sâu, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về báo chí giải pháp; tác động của báo chí giải pháp; cách thức, mô hình triển khai báo chí giải pháp để báo chí giải pháp đạt kết quả cao nhất”, ông Lê Quốc Minh khẳng định.

Báo chí như ngọn hải đăng để chỉ dẫn cho người dùng trong các vấn đề về công việc cũng như cuộc sống

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Báo Bình Thuận)

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Báo Bình Thuận)

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, một trong những vấn đề được nêu tại Diễn đàn chính là báo chí phải mang lại giải pháp cho xã hội, qua đó nhìn thấy giải pháp cho mình. Để phát triển báo chí, đặc biệt là báo chí giải pháp, ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng cần quan tâm nhất là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. “Chúng ta cần tìm giải pháp cho chính mình trước khi tìm giải pháp cho người khác”, ông Lâm nhấn mạnh và cho rằng tầm nhìn của các cơ quan báo chí cũng rất quan trọng.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận thứ hai, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết, báo chí đang đứng trước rất nhiều thay đổi, sự thay đổi về công nghệ đang diễn ra thần tốc dẫn đến những kết cục không thể hình dung được. Giờ đây, trí tuệ nhân tạo không chỉ đe dọa đến vị trí việc làm mà còn đe dọa tất cả các vị trí trung gian khác.

Theo ông Lê Quốc Minh, hiện nay, người dùng không nhất thiết phải tìm đến báo chí mới có được thông tin. Sự thay đổi đang diễn ra chóng mặt, trong đó chính các doanh nghiệp có thể cũng không cần đến báo chí nữa. Tuy nhiên, cũng có một thực tế là khi công chúng bị choáng ngợp trước cơn bão thông tin thì họ lại cần đến các cơ quan báo chí. Giữa những tin tức thật giả lẫn lộn, người dùng không đủ sức để xử lý, họ cần cơ quan báo chí để chọn lọc cho họ.

“Đi xa rồi lại trở về, người dùng mong muốn được các cơ quan báo chí chính thống định hướng. Lúc này, cơ quan báo chí như ngọn hải đăng để chỉ dẫn cho người dùng trong các vấn đề về công việc cũng như cuộc sống. Làm thế nào để giữ vị trị ngọn hải đăng như thế các cơ quan báo chí phải vượt qua rất nhiều những trở ngại ở hiện tại và tương lai”, ông Lê Quốc Minh nhận định.

Ông Lê Quốc Minh cũng đặc biệt nhấn mạnh: “Thứ làm báo chí khác biệt là những thứ sâu sắc. Còn nếu tiếp tục chạy đua về nhanh, về nhiều thì không thể thắng. Vì thế, tôi muốn các cơ quan báo chí, không phải tất cả phải dành nguồn lực cho báo chí chuyên sâu. Tuy nhiên, hãy tạo ra những câu chuyện tích cực, mang tính xây dựng và giải pháp, tạo thế cân bằng, đa chiều trong tin tức để thấy được sự khác biệt của báo chí”.

Diễn đàn Tổng Biên tập 2024 được xem là sự kiện có tính chất quan trọng của các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo để cùng nhau thảo luận, trao đổi và tìm ra hướng đi, sự phát triển của báo chí trong bối cảnh mới. Nhà báo Phạm Thuận Thiên - Tổng Biên tập Tạp chí Năng lượng Mới/PetroTimes tham dự Diễn đàn.

Diễn đàn Tổng Biên tập 2024 được xem là sự kiện có tính chất quan trọng của các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo để cùng nhau thảo luận, trao đổi và tìm ra hướng đi, sự phát triển của báo chí trong bối cảnh mới. Nhà báo Phạm Thuận Thiên - Tổng Biên tập Tạp chí Năng lượng Mới/PetroTimes tham dự Diễn đàn.

Được khởi đầu từ năm 2019, đến nay Diễn đàn Tổng Biên tập đã bước sang mùa thứ 6. Diễn đàn là nơi lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí... gặp gỡ, chia sẻ về những vấn đề đang là mối quan tâm hàng đầu của các tòa soạn, cùng thảo luận, đề xuất các giải pháp giúp các cơ quan báo chí vượt qua thách thức để hoạt động hiệu quả hơn.

P.V

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/bao-chi-hay-tao-ra-nhung-cau-chuyen-tich-cuc-mang-tinh-xay-dung-va-giai-phap-717909.html
Zalo