Vì sao hương xạ thôn Cao vinh dự trở thành sản phẩm chủ lực của Hưng Yên?
Nằm cách Hà Nội khoảng 40km, thuộc xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên, làng nghề hương xạ thôn Cao từ lâu đã trở thành biểu tượng của sự khéo léo, sáng tạo và thể hiện đời sống văn hóa tâm linh sâu sắc của người dân nơi đây.
Trong chuyến thăm làng nghề, chúng tôi đã gặp gỡ ông Nguyễn Như Khanh, Chủ tịch Hội Làng nghề hương xạ thôn Cao. PV đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Như Khanh để hiểu thêm về nghề làm hương, cũng như những con người đang từng ngày gìn giữ nghề truyền thống này.
![Ông Nguyễn Như Khanh, Chủ tịch Hội Làng nghề hương xạ thôn Cao, xã Bảo Khê (TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_603_51476610/61aae908db4632186b57.jpg)
Ông Nguyễn Như Khanh, Chủ tịch Hội Làng nghề hương xạ thôn Cao, xã Bảo Khê (TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên).
![Nghề làm hương ở thôn Cao đã có từ rất lâu đời.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_603_51476610/c77651d4639a8ac4d38b.jpg)
Nghề làm hương ở thôn Cao đã có từ rất lâu đời.
Làng nghề truyền thống qua nhiều đời, già trẻ đều quen mùi hương, mùi thảo mộc
- Thưa ông, nghề làm hương xạ ở làng Cao đã tồn tại bao nhiêu đời rồi?
Ông Nguyễn Như Khanh: Nghề làm hương ở thôn Cao đã có từ rất lâu đời, tính đến gia đình tôi thì đã truyền qua 6 đời rồi. Từ ông cha truyền lại cho con cháu, đời này nối tiếp đời kia. Không chỉ gia đình chú mà hầu hết các gia đình trong làng đều như vậy. Nghề này đã khắc sâu vào tâm trí người dân làng Cao, không chỉ là kế sinh nhai mà còn là nét văn hóa, là niềm tự hào của quê hương.
- Theo ông, nghề làm hương mang lại ý nghĩa gì cho đời sống người dân thôn Cao?
Ông Nguyễn Như Khanh: Nghề này có rất nhiều ý nghĩa. Đầu tiên, đây là nghề truyền thống, gắn liền với tâm linh. Người dân chúng tôi không chỉ làm nghề để kiếm sống mà còn coi đây là cách để giữ gìn truyền thống ông cha. Thứ hai, nghề này tạo công ăn việc làm cho mọi lứa tuổi. Người già, người yếu sức khỏe hay các bạn trẻ đều có thể tham gia. Ngay cả những công việc nhẹ nhàng như đóng gói cũng tạo thu nhập. Đây là điều mà không phải nghề nào cũng làm được.
- Hương xạ thôn Cao có gì đặc biệt hơn các loại hương khác đang được bày bán trên thị trường?
Ông Nguyễn Như Khanh: Sản phẩm khi làm được nén hương có mùi thơm đặc trưng theo bí quyết riêng của từng hộ gia đình mà nguyên liệu chính là tổng thể của 36 vị thuốc Bắc. Tùy thuộc vào đơn thuốc Bắc, có hộ cắt đơn đủ 36 vị, có hộ cắt đơn thuốc dưới 36 vị, tùy thuộc vào sản phẩm khách hàng đặt theo giá thành.
Mỗi hộ sản xuất sẽ có một công thức pha chế thảo mộc riêng chính vì vậy mùi hương của mỗi nơi sẽ được quyết định ở giai đoạn này. Chính vì mỗi nhà cũng có một mùi thơm tự nhiên đặc trưng riêng, không ai giống ai. Đó là điều đặc biệt của hương thôn Cao mà không nơi nào khác có được.
Công thức đã được lưu truyền hàng trăm năm và các lớp kế cận luôn phải học, phải nhớ rõ và làm đúng quy trình. Do đó, hương thôn Cao luôn tỏa ra mùi thơm dìu dịu và an toàn tuyệt đối với sức khỏe người dùng. Có không ít những vị thường được sử dụng trong đông y và trị các bệnh như cảm cúm, đau họng,...
Chính vì vậy, hương thôn Cao rất được khách hàng ưa chuộng, qua đó có thể đảm bảo kinh tế cho người làm nghề, giúp nghề có thể tiếp tục lưu truyền và mở rộng phát triển.
![Người dân thôn Cao không chỉ làm nghề để kiếm sống mà còn coi đây là cách để giữ gìn truyền thống ông cha.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_603_51476610/ee617ac3488da1d3f89c.jpg)
Người dân thôn Cao không chỉ làm nghề để kiếm sống mà còn coi đây là cách để giữ gìn truyền thống ông cha.
- Là làng nghề làm hương, thói quen sử dụng hương của người dân làng Cao có điều gì đặc biệt không?
Ông Nguyễn Như Khanh: Ở làng Cao, mọi người thường thắp hương vào buổi sáng, trước khi đánh răng, rửa mặt. Đó là cách thể hiện lòng kính trọng với tổ tiên. Vào các dịp lễ lớn, ngày Tết, người dân thường thắp 3-5 nén hương. Còn ngày thường, họ chỉ thắp 1 nén. Thói quen này không chỉ là truyền thống mà còn giúp kiểm tra chất lượng hương.
- Trong quá trình làm nghề, làng mình có thay đổi gì để đáp ứng nhu cầu thị trường không, thưa ông?
Ông Nguyễn Như Khanh: Có chứ! Trước đây, sản phẩm của làng chủ yếu tập trung vào chất lượng hương thơm, nhưng giờ đây thị trường yêu cầu cả về mẫu mã, bao bì. Người dân làng Cao đã cải tiến rất nhiều trong 5 năm qua.
Sản phẩm không chỉ dùng trong nước mà còn được làm đẹp để biếu tặng, xuất khẩu. Chúng tôi vừa giữ được hương vị truyền thống, vừa đổi mới để đáp ứng nhu cầu khách hàng hiện đại.
Thu nhập hàng năm lên tới hàng tỷ đồng
- Là một người làm hương lâu năm, đồng thời cũng là Chủ tịch Hội làng nghề thông Cao, ông ánh giá thế nào về việc giữ gìn chất lượng sản phẩm trong làng nghề?
Ông Nguyễn Như Khanh: Chất lượng là yếu tố sống còn của làng nghề. Chúng tôi luôn nhắc nhở nhau rằng nếu làm sản phẩm không đạt chất lượng, nghề sẽ mai một và ảnh hưởng đến cuộc sống của các thế hệ sau. Hội làng nghề cũng tổ chức họp định kỳ, phổ biến các quy định để đảm bảo mọi người tuân thủ, giữ vững uy tín hương xạ làng Cao.
- Nghề làm hương xạ có khó khăn gì không, thưa ông?
Ông Nguyễn Như Khanh: Nghề nào cũng có khó khăn cả. Có năm bán chạy, có năm thị trường ế ẩm. Tuy nhiên, nhờ sự yêu nghề và sự đoàn kết của dân làng, chúng tôi luôn cố gắng vượt qua. Người dân làng Cao sống nhờ nghề này, nên ai cũng có trách nhiệm giữ gìn và phát triển nó.
![Nhờ nghề này, nhiều gia đình trong làng đã có thu nhập tốt, tích lũy được vốn để mua đất, xây nhà, thậm chí có xe hơi.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_603_51476610/e4347e964cd8a586fcc9.jpg)
Nhờ nghề này, nhiều gia đình trong làng đã có thu nhập tốt, tích lũy được vốn để mua đất, xây nhà, thậm chí có xe hơi.
- Theo ông, đâu là yếu tố quan trọng nhất để làng nghề hương xạ phát triển bền vững?
Ông Nguyễn Như Khanh: Yếu tố quan trọng nhất là tình yêu nghề và sự trách nhiệm. Tôi luôn dạy con cháu rằng làm nghề không chỉ để kiếm tiền mà còn để giữ gìn giá trị truyền thống của ông cha.
Ngoài ra, phải chú trọng đến chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường. Một sản phẩm tốt không chỉ giữ được khách hàng mà còn giúp phát triển thương hiệu của làng.
- Yếu tố kinh tế có lẽ cũng là một nhân tố quan trọng để người dân làng hương gắn bó với nghề truyền thống?
Ông Nguyễn Như Khanh: Thu nhập từ nghề làm hương khá ổn định. Công nhân làm tại xưởng của tôi trung bình kiếm được 7-8 triệu đồng mỗi tháng, có tháng cao hơn. Điều đặc biệt là họ được tự do về thời gian, không gò bó như làm việc tại công ty.
Nhờ nghề này, nhiều gia đình trong làng đã có thu nhập tốt, tích lũy được vốn để mua đất, xây nhà, thậm chí có xe hơi. Doanh thu trung bình của các hộ gia đình thường đạt từ 1 tỷ đồng trở lên mỗi năm, một số xưởng lớn còn đạt 2-3 tỷ đồng.
- Giữa dòng chảy thời gian và phát triển của xã hội, ông có gửi gắm điều gì tới thế hệ trẻ của làng hương thôn Cao?
Ông Nguyễn Như Khanh: Chỉ mong thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống, giữ vững nghề cha ông. Nghề làm hương không chỉ là kế sinh nhai mà còn là trách nhiệm, là niềm tự hào của người dân làng Cao.
Chúng tôi hy vọng các bạn trẻ sẽ yêu nghề, học hỏi và sáng tạo để nghề này không chỉ tồn tại mà còn phát triển hơn nữa.
- Cảm ơn những chia sẻ chân thành của ông. Chúc làng nghề hương xạ làng Cao ngày càng phát triển và giữ vững truyền thống của mình!