Vì sao heo nhập lậu Campuchia vào Việt Nam giá chỉ từ 40.000 đồng/kg?

Trong khi giá heo hơi Việt Nam bán mức 55.000-56.000 đồng/kg thì heo hơi Campuchia chỉ có giá 42.000-45.000 đồng/kg dẫn đến tình trạng heo nhập lậu đổ bộ vào nước ta.

Tại hội nghị bàn giải pháp ngăn chặn gia súc, gia cầm nhập lậu chiều ngày 26-1, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết nếu đầu tháng 1, lượng heo nhập lậu vào Việt Nam từ biên giới Campuchia rất nhiều thì sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo lượng heo nhập lậu đã giảm.

 Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai kiến nghị cần ngăn chặn heo nhập lậu để tránh lây lan dịch bệnh, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước. Ảnh: QH

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai kiến nghị cần ngăn chặn heo nhập lậu để tránh lây lan dịch bệnh, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước. Ảnh: QH

Theo ông Công, heo lậu không còn nhập về chợ đầu mối nữa mà chuyển ra các chợ, lượng heo nhập lậu hiện chiếm khoảng 15% lượng heo tiêu thụ trên thị trường các tỉnh phía Nam.

“Heo nhập lậu không chỉ giá rẻ “giết” ngành chăn nuôi trong nước mà còn nguy cơ dịch bệnh lây lan, mất vệ sinh an toàn thực phẩm gây nguy hiểm tới sức khỏe người tiêu dùng”- ông Công nói.

Giá thành nuôi heo Campuchia rẻ hơn Việt Nam

Lý giải vì sao giá heo nhập lậu từ Campuchia rẻ hơn, lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết do giá thành chăn nuôi heo nước này thấp hơn Việt Nam.

Giá heo hơi Việt Nam hiện ở mức 55.000 - 56.000 đồng/kg, trong khi heo hơi Campuchia bán cho các thương lái nhập lậu vào nước ta chỉ ở mức 42.000 – 45.000 đồng/kg. Chỉ cần heo nhập lậu trót lọt về bán rẻ hơn chút là dễ dàng cạnh tranh trên thị trường khiến ngành chăn nuôi heo trong nước đã khó thêm khó.

 Đại diện Cục Thú y đề xuất các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam. Ảnh: QH

Đại diện Cục Thú y đề xuất các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam. Ảnh: QH

“Chi phí chăn nuôi heo hiện nay quá cao, giá loại bột thịt chủ yếu trong thức ăn chăn nuôi của Việt Nam lên tới 6.000 đồng/kg, giá loại bột thịt này ở Campuchia chỉ khoảng 3.000 đồng/kg, rẻ hơn một nửa. Bên cạnh đó, lượng thịt heo của Campuchia mấy năm nay tăng mạnh nguồn cung trong khi nhu cầu không nhiều nên họ tìm cách bán sang Việt Nam tiêu thụ”- ông Công chia sẻ.

Tình trạng heo nhập lậu diễn ra nhiều năm qua nhưng cao điểm nhất vẫn là gần Tết vì nhu cầu tiêu thụ Việt Nam tăng, giá thịt heo cũng tăng. Do đó, vận chuyển, buôn bán trái phép heo nhập lậu vào Việt Nam trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở vẫn gia tăng mạnh.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm chỉ đạo kịp thời các cơ quan chức năng lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác kiểm soát lực lượng thú y các địa phương, ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán trái phép heo vào Việt Nam.

Tăng cường liên kết cơ quan chức năng với địa phương biên giới

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có hàng loạt văn bản gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công An, Bộ Tài chính và nhiều tỉnh phía Nam như Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang, Long An, Kiên Giang... về việc phối hợp, tập trung chỉ đạo tổ chức ngăn chặn buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng đã có nhiều văn bản chỉ đạo rất cụ thể, gần nhất là chỉ thị số 29 ngày 26-12-2023 về ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.

 Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, lực lượng công an, bộ đội biên phòng, hải quan tại các tỉnh có chung biên giới với Campuchia và Lào phải cùng phối hợp với chính quyền các địa phương đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển heo nhập lậu. Ảnh: QH

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, lực lượng công an, bộ đội biên phòng, hải quan tại các tỉnh có chung biên giới với Campuchia và Lào phải cùng phối hợp với chính quyền các địa phương đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển heo nhập lậu. Ảnh: QH

Thời gian qua tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò, heo, gia cầm, tôm hùm giống qua biên giới các tỉnh miền Nam vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, đặc biệt là qua biên giới với Camphuchia, Lào.

Thực trạng này làm tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm... cũng như nguy cơ động vật được cho ăn chất cấm để kích thích tăng trưởng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng ngành chăn nuôi và sức khỏe người dân.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để chấm dứt ngay tình trạng nói trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) phối hợp, hỗ trợ chỉ đạo tăng cường kiểm soát, ngăn chặn buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò, heo, gia cầm, tôm hùm giống qua biên giới tại các tỉnh miền Nam vào Việt Nam.

“Đặc biệt, lực lượng công an, bộ đội biên phòng, hải quan tại các tỉnh có chung biên giới với Campuchia và Lào cùng phối hợp với chính quyền các địa phương đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò, heo, gia cầm, tôm hùm giống không rõ nguồn gốc, chưa có kiểm dịch của cơ quan thú y trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở”- ông Tiến cho hay.

QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-heo-nhap-lau-campuchia-vao-viet-nam-gia-chi-tu-40000-dongkg-post773895.html
Zalo