Vì sao hàng loạt cá nhân liên quan không bị xử lý ở vụ án Vạn Thịnh Phát?

Trong vụ án Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2), Viện kiểm sát nhân dân Tối cao xác định, nhiều cá nhân đã thực hiện hành vi 'tiếp tay' cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm. Tuy nhiên, những người này không được bàn bạc, trao đổi và không hưởng lợi nên không truy cứu trách nhiệm hình sự.

Không biết việc phát hành trái phiếu trái quy định

Liên quan vụ Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2), Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị cáo buộc đã ra chủ trương, chỉ đạo các nhân sự chủ chốt ở Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty chứng khoán TVSI lựa chọn 4 công ty An Đông, Quang Thuận, Sunny World, Setra phát hành 25 mã trái phiếu “khống” với tổng khối lượng là 308 triệu trái phiếu.

Qua đó, lừa đảo 35.824 nhà đầu tư, chiếm đoạt tổng số tiền 30.081 tỷ đồng để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu.

Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan.

Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan.

Xoay quanh hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị can Trương Mỹ Lan, cáo trạng xác định, ngoài các bị can trong vụ án, còn nhiều cá nhân ở Công ty chứng khoán TVSI, Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát liên quan chuỗi hành vi này.

Trong đó, thực hiện chỉ đạo của ông Nguyễn Tiến Thành (đã chết) - nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI, 6 nhân viên Phòng dịch vụ Ngân hàng Đầu tư (IB) phía Nam được giao lập hồ sơ dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu cho 4 công ty nói trên theo trình tự, thủ tục quy định của TVSI.

Ở Ngân hàng SCB, thực hiện chỉ đạo của bị can Võ Tấn Hoàng Văn - cựu Tổng giám đốc SCB, Trần Thị Minh Thảo (nguyên Phó Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ) phối hợp với Công ty Chứng khoán TVSI xây dựng kế hoạch, phương án, tài liệu đào tạo cho hơn 2.000 nhân viên sale thuộc 239 chi nhánh tư vấn bán sản phẩm trái phiếu.

Tuy nhiên, Cơ quan điều tra (CQĐT) xác định, bà Trần Thị Minh Thảo đã thực hiện việc này nhưng không biết chủ trương phát hành trái phiếu của Trương Mỹ Lan trái quy định pháp luật. Các tài liệu liệu đào tạo nhân viên sale và tư vấn bán trái phiếu theo quy trình bán hàng như các sản phẩm khác tại Ngân hàng SCB, không có dấu hiệu đào tạo nhân viên sale lừa dối khách hàng mua trái phiếu.

Ngoài ra, còn có 45 cá nhân là nhân viên tại Ngân hàng SCB liên quan đến việc “bẻ lệnh” dòng tiền khống tại Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn, Chi nhánh Bến Thành nhưng đều thành khẩn khai báo, thừa nhận việc thực hiện, ký khống các chứng từ là sai quy định pháp luật.

Kết quả điều tra xác định, các cá nhân trên không biết chủ trương phát hành trái phiếu trái quy định pháp luật, là người làm công hưởng lương, thực hiên theo chỉ đạo và bị lệ thuộc, không được hưởng lợi nên không xem xét trách nhiệm hình sự.

Tại 4 công ty phát hành trái phiếu, có 15 cá nhân tham gia tạo lập dòng tiền khống và 115 cá nhân được thuê ký khống chứng từ nộp, rút tiền.

CQĐT xác định, 15 cá nhân đứng tên đại diện pháp luật, kế toán trưởng của 4 công ty phát hành trái phiếu An Đông, Sunny World, Quang Thuận, Setra đều là những cá nhân được các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thuê trả công.

Còn 115 cá nhân được thuê ký chứng từ nộp, rút tiền tạo lập dòng tiền khống là người được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thuê, trả tiền đứng tên ký chứng từ khống.

Xét thấy, các cá nhân nêu trên không biết về chủ trương phát hành trái phiếu trái quy định pháp luật, là người làm công hưởng lương, nhiều người không có việc làm ổn định, quá trình điều tra thành khẩn khai báo, hợp tác tích cực với CQĐT nên không xem xét trách nhiệm hình sự.

Hàng loạt cá nhân tại Ngân hàng SCB có hành vi "tiếp tày" cho Trương Mỹ Lan những không bị xử lý vì không được bàn bạc, chỉ làm công ăn lương.

Hàng loạt cá nhân tại Ngân hàng SCB có hành vi "tiếp tày" cho Trương Mỹ Lan những không bị xử lý vì không được bàn bạc, chỉ làm công ăn lương.

Chi tiêu tiền bất chính nhưng không biết nguồn gốc

Xoay quanh hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, giai đoạn 2012-2022, bị can Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập các hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, vốn góp; tư vấn giữa các công ty tại Việt Nam và công ty ở nước ngoài. Thông qua các hợp đồng này thực hiện chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài tổng số tiền là 4,5 tỷ USD, tương đương hơn 106.730 tỷ đồng.

Bà Trần Thị Thúy Ái - cựu Thủ quỹ Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn là người giao tiền mặt cho Bùi Văn Dũng (lái xe riêng của Trương Mỹ Lan) tại tầng B1, Tòa nhà 927 Trần Hưng Đạo, TP. HCM.

Khi giao tiền bà Ái và bị can Dũng không ký giấy tờ thể hiện việc giao, nhận theo sự chỉ đạo của Nguyễn Phương Hồng, Thái Thị Thanh Thảo, Trần Thị Mỹ Dung. Thái Thị Thanh Thảo - Giám đốc Trung tâm Wholesale Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn là người báo cho Trần Thị Thúy Ái biết ai là người đến nhận tiền, nộp tiền, rút tiền theo chỉ đạo của Nguyễn Phương Hồng.

Tuy nhiên, Trần Thị Thúy Ái bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vì đã tiếp nhận và xử lý, ký các chứng từ nộp tiền, rút tiền liên quan đến chuỗi hành vi tạo lập trái phiếu.

Cáo trạng cũng xác định, có 12 đối tượng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đứng tên mở tài khoản tín dụng tại Ngân hàng SCB, ký các chứng từ nộp tiền vào tài khoản trong đó có bà Chu Duyệt Phấn, con gái Trương Mỹ Lan. Đây là những người có mối quan hệ thân cận với vợ chồng Trương Mỹ Lan và Chu Lập Cơ (là con, cháu, thư ký, trợ lý) được Lan nhờ đứng tên mở các thẻ tín dụng tại Ngân hàng SCB, ký hồ sơ chứng từ nộp tiền vào tài khoản thẻ.

Các lần đi cùng với vợ chồng Trương Mỹ Lan sang Hồng Kông, các cá nhân này được Lan chỉ đạo sử dụng thẻ để thanh toán mua trang sức, chi tiêu khác. Họ không biết nguồn tiền thanh toán thẻ.

Về 180 cá nhân đứng tên ký chứng từ tại Ngân hàng SCB, đứng tên các giám đốc các công ty thuê, được thuê ký các hợp đồng khống đều là lao động tự do, không có việc làm ổn định, được các đối tượng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nhờ đứng tên cổ phần, làm giám đốc, kế toán trưởng các công ty “ma” thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Khi cần ký hồ sơ, chứng từ, các cá nhân này được gọi đến các chi nhánh Ngân hàng SCB để ký các chứng từ rút, nộp tiền hoặc ủy nhiệm chi. Các chứng từ do nhân viên Ngân hàng SCB đã lập sẵn, họ không biết nguồn gốc số tiền rút, nộp, chuyển, không được nhận các khoản tiền này.

Xét thấy họ là những người lệ thuộc, người làm công, ăn lương, thực hiện theo chỉ đạo, vai trò thứ yếu, không được Trương Mỹ Lan và đồng phạm trao đổi, bàn bạc trước khi thực hiện, không biết nguồn gốc tiền, không biết các hợp đồng, chứng từ chuyển tiền, rút tiền, nhận tiền đã được Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã “lập khống”.

Vì vậy Viện KSND Tối cao cho rằng CQĐT không truy cứu trách nhiệm hình sự là phù hợp.

Lâm Vinh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vi-sao-hang-loat-ca-nhan-lien-quan-khong-bi-xu-ly-o-vu-an-van-thinh-phat-post583468.antd
Zalo