Vì sao Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức vào mùng 10 tháng 3 Âm lịch?

Giỗ Tổ Hùng Vương là một nghi lễ truyền thống quan trọng, được tổ chức hàng năm vào ngày 10/3 Âm lịch để tưởng nhớ công lao dựng nước của các Vua Hùng – những vị vua đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là dịp để tri ân tổ tiên mà còn là biểu tượng thiêng liêng gắn kết cộng đồng người Việt trong và ngoài nước.

Tín ngưỡng lâu đời của người Việt

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã có từ xa xưa, bắt nguồn từ lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân với những người đã có công dựng nước. Dù không có ngày cụ thể trong thời kỳ đầu, người dân vẫn thường chọn những dịp thuận tiện, đặc biệt là mùa xuân và mùa thu – thời điểm khí hậu ôn hòa, cây cối đâm chồi nảy lộc – để hành hương về Đền Hùng, núi Nghĩa Lĩnh (tỉnh Phú Thọ), dâng hương tưởng niệm tổ tiên.

 Người dân nô nức đi trẩy hội Đền Hùng (Phú Thọ).

Người dân nô nức đi trẩy hội Đền Hùng (Phú Thọ).

Ngay từ thời các triều đại như nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê…, việc hương khói tại Đền Hùng đã được triều đình coi trọng. Tuy nhiên, các hoạt động lễ giỗ thường diễn ra phân tán, nhiều nơi còn tổ chức vào ngày 11 hay 12 tháng 3 Âm lịch. Việc thiếu sự thống nhất này khiến lễ giỗ không thể hiện được tính liên kết toàn dân tộc.

Nhận thấy nhu cầu cần có một ngày giỗ chính thức, mang tính toàn quốc, vào năm 1917 – triều vua Khải Định, Tuần phủ Phú Thọ lúc bấy giờ là ông Lê Trung Ngọc đã đệ trình Bộ Lễ đề xuất lấy ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương cho cả nước. Đề xuất này được triều đình chấp thuận, đánh dấu mốc quan trọng trong việc thể chế hóa nghi lễ tôn vinh tổ tiên thành truyền thống văn hóa quốc gia.

Tấm bia đá tại đền Thượng còn ghi rõ: “Năm Khải Định thứ hai (1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin Bộ Lễ ấn định lấy ngày mùng 10 tháng 3 làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ vua Hùng thứ 18 một ngày".

Từ đó, ngày 10/3 Âm lịch chính thức trở thành ngày giỗ các Vua Hùng trên phạm vi toàn quốc.

Một di sản văn hóa đặc biệt

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Giỗ Tổ Hùng Vương tiếp tục được khẳng định vị thế. Ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN công nhận ngày 10/3 Âm lịch là một sự kiện trọng đại của dân tộc. Trong lần thăm Đền Hùng vào tháng 9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Từ năm 2001, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) đã ban hành quy định cụ thể về việc tổ chức Giỗ Tổ trên phạm vi cả nước. Đến năm 2007, Quốc hội chính thức phê duyệt Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ nghỉ trong năm, người lao động được nghỉ làm, hưởng nguyên lương vào ngày này.

 Từ đó, ngày 10/3 Âm lịch chính thức trở thành ngày giỗ các Vua Hùng trên phạm vi toàn quốc.

Từ đó, ngày 10/3 Âm lịch chính thức trở thành ngày giỗ các Vua Hùng trên phạm vi toàn quốc.

Lễ hội Đền Hùng được tổ chức long trọng tại Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ) với quy mô cấp quốc gia hoặc địa phương tùy năm. Những năm lẻ do tỉnh Phú Thọ chủ trì, năm chẵn tổ chức ở cấp trung ương, và còn lan tỏa ra nhiều địa phương trên cả nước.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mà còn được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, góp phần khẳng định giá trị trường tồn của đạo lý “uống nước nhớ nguồn” trong văn hóa Việt.

Câu ca dao truyền đời: “Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng Ba” vẫn vang vọng trong lòng mỗi người Việt như một lời nhắc nhở thiêng liêng – về cội nguồn, về tổ tiên và về trách nhiệm giữ gìn đất nước hôm nay.

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vi-sao-gio-to-hung-vuong-duoc-to-chuc-vao-mung-10-thang-3-am-lich-post341655.html
Zalo