Phan Việt: 'Tôi sẽ làm sách đẹp và sáng'

'Phù phiếm truyện', 'Tiếng người', 'Nước Mỹ nước Mỹ', 'Bất hạnh là một tài sản'… là những cuốn sách đã tạo nên dấu ấn của tác giả Phan Việt trong lòng bạn đọc Việt Nam, đặc biệt là người đọc trẻ.

Phan Việt tên thật là Nguyễn Ngọc Hường, sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Hiện bà là phó giáo sư tại Đại học Minnesota - đại học công lớn thứ sáu tại Mỹ. Thường xuyên về Việt Nam, bà còn được biết đến là một người tu hành với pháp danh “mae Hường”.

Cuốn sách mới nhất của Phan Việt Sống sáng là câu trả lời và là một lời mời của tác giả trước câu hỏi “Sống thế nào?”. Lời mời thế này: Không phải sống kiểu Trung Quốc, kiểu Mỹ, kiểu Nhật, kiểu Đức, kiểu Pháp, kiểu tu hành, kiểu khoa học, kiểu nghệ sĩ, kiểu Đông kiểu Tây, kiểu cổ điển hay lãng mạn mà hãy là sống kiểu sáng. Bởi vì sáng là đặc điểm xuyên suốt mọi tồn tại hạnh phúc.

Cuốn Sống sáng được viết nhằm chia sẻ nền tảng của một đời sống sáng và cách chuyển đổi cuộc sống “về sáng” dựa trên kinh nghiệm thực sống, thực tu của mae Hường trong nhiều năm qua. Mỗi bài viết - dưới hình thức các câu trả lời và bài viết ngắn - đều hướng tới ba việc. Một là chỉ ra các mảng tối và thói quen nghĩ, nói, hành động mà gây tối ở chúng ta. Hai là chỉ ra phương pháp làm sạch tối để hiển lộ ánh sáng sẵn có. Ba là giải thích cách “về sáng” trong đời sống hàng ngày, từ ăn sáng, mặc sáng, ở sáng. Mong nguyện lớn nhất của tác giả là giúp bạn đọc nhận ra ánh sáng rạng rỡ tự thân và tỏa sáng tới khắp thế giới không ngăn ngại.

Năm 2017, Phan Việt xuất gia gieo duyên lần đầu tại Thái Lan và được gọi là “maechi Hường”, rồi dần gọi tắt là “mae Hường” theo truyền thống Thái. Năm 2022, rời chùa Thái Lan sau bốn năm ở tại đó, Phan Việt trở về Mỹ làm việc tại đại học Minnesota. Khoảng cuối năm bà xúc tiến thành lập Sáng - một tổ chức phi lợi nhuận.

Phan Việt thường qua lại Mỹ, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ...

Phan Việt thường qua lại Mỹ, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ...

Xuất phát điểm là một nhà khoa học, Phan Việt đã trải qua chặng đường 25 năm luôn tìm đến tận gốc sự thật của tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống, trong chùa, ngoài chùa, trong nước, ngoài nước. Sáng là nơi bà chia sẻ những trải nghiệm, những bài học, kể cả những suy nghĩ, những việc làm của mình trong hành trình này, cho đến nay và tiếp tục sau này. Đây cũng là nơi bà sẽ đưa về Việt Nam những tiến bộ khoa học mới đang được nghiên cứu, triển khai, ứng dụng trong chăm sóc cả mặt thể chất và tinh thần cho mỗi người từ khi sinh ra đến thời thiếu niên, thanh niên và khi về già.

Phan Việt chia sẻ: “Mỗi người sáng thì gia đình họ sẽ sáng, xã hội sẽ sáng. Ánh sáng to, ánh sáng nhỏ đều tốt hết. Ánh sáng nhỏ thì là cây nến, sáng cho xung quanh. Là cái đèn, sáng to ra được một chút, cho một căn phòng. To như đèn đường thì sáng cho cả một khúc đường. Như mặt trời thì tỏa sáng được rất nhiều, rất nhiều”.

Phan Việt đã có cuộc trò chuyện với Người Đô Thị nhân dịp cuốn sách Sống sáng ra mắt tại Việt Nam.

Bà cảm thấy thoải mái khi bạn đọc gọi là nhà văn Phan Việt hay mae Hường?

Bạn đọc có thể gọi thế nào mà họ thấy “thông” với họ. Thật sự gọi gì cũng được. Không quan trọng.

Một chặng đường gần 20 năm, từ 2005 là Phù phiếm truyện và cuối 2024 là Sống sáng. Tên gọi của tác phẩm đầu tiên và tác phẩm mới nhất phần nào gợi người đọc nghĩ đến hành trình cuộc sống và lựa chọn của bà. Bà có thể tóm tắt hành trình đã qua, làm sao từ “phù phiếm” để đến được “sáng” như hôm nay?

Nói đơn giản nó là một hành trình bỏ bớt những cái thừa, chỉ còn lại cái lõi thật và tự nhiên nhất cho sự sống của mình. Nhưng trớ trêu là có những lúc mình chỉ biết chắc cái đó thừa sau khi đã cố có được nó, rồi vác nó, và bị khổ sở vì vác nặng. Ví dụ như trong 20 năm qua, tôi đã kết hôn rồi ly hôn, đã học tiến sĩ và làm việc cho 3 đại học ở Mỹ, rồi tôi rời trường vào chùa sống, cạo tóc, tu hành, và rồi lại trở lại cuộc sống “bình thường”.

Đi một vòng như vậy, tôi rõ một điều: nắm giữ bất cứ cái gì cũng là thừa, cũng sinh khổ, kể cả nắm giữ tâm linh. Khi tự không thu gom, nắm giữ thêm để củng cố một cái “tôi” và “của tôi” chắc nịch thì đời sống tự nhẹ, tự sáng, tự thênh thang vì nó thuận với bản chất tự qua đi của mọi hiện tượng; như chim bay qua trời không để lại dấu vết.

Thiền sư Yantra Amaro (nhân vật trong Trái tim không, vừa viên tịch ngày 9.3.2025 tại Mỹ) và Phan Việt trong cuộc gặp tại Sáng.

Sống sáng là một cuốn sách thuộc dòng sách Sáng của Sáng Books, bà có thể chia sẻ ý tưởng của các dự án này?

Nói thật là từ lúc Phù phiếm truyện ra mắt năm 2005, tôi chưa bao giờ được làm sách như mình mong muốn. Tôi cũng nghĩ Việt Nam có hơn 100 triệu dân mà sao một cuốn sách tốt chỉ bán được vài chục ngàn bản?

Tôi đọc sách từ nhỏ và thấy là một con người cũng như một đất nước ít đọc sách thì khó phát triển trọn vẹn - tức là phát triển cả về sự giàu có lẫn sự tử tế, văn minh. Bây giờ Sáng Books là nơi tôi làm sách như ý mình. Làm sách đẹp và sáng. Làm sách để người đọc thấy đọc sách là điều tự nhiên như ăn và tắm hàng ngày. Làm sách sao cho khi đọc sách thì người đọc cảm nhận mình sáng lên, nhẹ đi, thật hơn ngay lúc đọc.

Trong vài năm tới, Sáng Books sẽ xuất bản các sách giúp người đọc có cơ thể sáng, gia đình sáng, công việc sáng, và một đời sống tâm hồn sáng mà không theo kiểu tu hành khổ sở. Chúng tôi không làm nhiều sách, nhưng sẽ làm từng cuốn thật tử tế.

Bạn đọc vốn yêu mến các tác phẩm văn học của nhà văn Phan Việt có cảm thấy tiếc nuối khi có vẻ Phan Việt không còn viết những tác phẩm văn học hấp dẫn, thú vị nữa mà thay vào đó là các cuốn sách mang tính tâm linh, hướng về đời sống tinh thần như Sống sáng?

Tôi nghĩ họ không tiếc đâu. Vì đa phần bạn đọc đã đi theo những cuốn sách của tôi để quan sát tôi trưởng thành như một con người đang sống đời sống thật chứ không chỉ như một nhà văn. Họ đọc sách và họ cũng trưởng thành cùng tôi qua các cuốn sách. Còn bạn đọc nào mà tiếc các sách văn học của tôi trước đây thì tôi tin là một ngày nào đó, đời sống thật cũng sẽ dẫn họ tìm các sách như Sống sáng. Đây là lộ trình tất yếu của những người có khả năng phản tỉnh.

Phan Việt chia sẻ về cuốn sách Sống sáng với độc giả ở Hà Nội, được dẫn chuyện bởi TS. Giáp Văn Dương, tháng 1.2025. Bìa sách in hai màu để độc giả lựa chọn tùy sở thích.

Giữa thời buổi mạng xã hội xuất hiện rất nhiều các thuật ngữ như chữa lành, tỉnh thức cũng như xuất hiện rất nhiều các chuyến hành thiền, thải độc… thậm chí rất nhiều dự án kinh doanh về tâm linh, bà có e ngại về con đường của mình?

Không. Tôi chỉ chân thật nói tiếng nói của mình, làm những việc của mình. Nó gần như không liên quan người khác nói tiếng nói của họ thế nào. Xưa nay tôi không làm gì trong thế so sánh với người khác cả. Có so sánh là có khổ ngay.

Bà có thể chia sẻ công việc hiện tại của mình ở góc độ một phó giáo sư, tiến sĩ ở Mỹ, một người tu hành, một tác giả, và là người điều hành Sáng?

Trên thực tế thì không có sự phân chia các vai như vậy. Bây giờ đời sống của tôi tự sắp xếp các việc và tôi thuận theo vì tôi hiểu rằng khi một đầu việc xuất hiện ở đâu đó tức là đã đến lúc đi tới đó, làm việc đó. Cần ở Mỹ làm việc tại trường thì tôi ở Mỹ. Cần về Việt Nam cho dự án nghiên cứu hoặc giới thiệu sách mới thì tôi về. Cần ở đâu đó một mình để viết thì tôi ở một mình. Viết và giảng vẫn là phần công việc chính - nhưng không có phân biệt giảng pháp hay giảng bài. Sống và tu là một, không tách rời. Với Sáng thì tôi có một nhóm các bạn trẻ hỗ trợ việc vận hành hàng ngày. Riêng với sách thì hiện nay tôi làm từng cuốn của Sáng, kể cả thiết kế bìa và nội dung. Đây vẫn là công việc mà tôi thích nhất.

Bà có thể chia sẻ một chút về hành trình xuất gia của mình. Cơ duyên nào một người học tập, làm việc trong ngành công tác xã hội ở Mỹ trở thành mae Hường như hôm nay?

Ở thời điểm này nhìn lại thì tôi hiểu là mọi thứ phải xảy ra như đã xảy ra. Nếu nói về tu thì thực tế là tôi đã luôn tu - ví dụ kiên nhẫn viết sách, dịch sách trước đây cũng là tu. Nhưng tôi bắt đầu tìm hiểu đạo Phật vào năm 2010 khi tôi “gặp ma”. Trước đấy, tôi không hề tin ma quỷ.

Chuyện “gặp ma” này buộc tôi phải hỏi: Có ma có Phật thật không? Từ năm 2011 đến 2016, tôi ở Mỹ dạy học 9 tháng còn dành 3 tháng hè sống trong chùa ở Việt Nam để tìm hiểu. Lúc ở chùa, tôi chứng kiến thêm nhiều chuyện ma và Phật ly kỳ không khác gì Tây Du Ký. Đồng thời tôi thấy rất rõ khi tôi nghi “ma” thì tôi cũng sẽ nghi cả Phật. Nếu tôi tin ma thì tôi cũng tin Phật. Còn nếu tôi không dùng đến tâm tin hay nghi gì, thì Phật hay ma cũng không sao cả. Lúc đó tôi đã muốn sống ở chùa nhưng chưa muốn cạo tóc xuất gia.

Năm 2016, tôi sang Thái Lan lần đầu thì mới biết ở Thái Lan có thể xuất gia gieo duyên vài ngày, vài tuần, tùy hoàn cảnh. Năm 2017, tôi xuất gia gieo duyên vài tuần. Nhưng cạo tóc rồi, tôi không muốn quay lại để tóc và mặc quần áo thông thường nữa. Nó là cảm giác nghiễm nhiên phải như vậy. Thì tôi cũng thuận theo như vậy cho đến giờ dù tôi đã về lại Mỹ làm việc ở trường từ năm 2022.

Thực sự những cuộc chiến nội tâm mà chúng ta có - xuất gia hay không - chỉ là tự chiến đấu với những thứ chúng ta đã tự dựng lên và tự thuyết phục “mình là thế này, mình không phải là thế kia”. Nhưng chúng đều là những thứ tự dựng lên và đều có thể tự bỏ đi được. Càng dựng chắc, tin chắc thì càng vất vả khi đi ra.

Phan Việt và những người bạn quốc tế.

Phan Việt và những người bạn quốc tế.

Khi dịch Covid-19 xảy ra, bà đã có một nhóm chat thường xuyên mang tên Về nhà, là nơi các thành viên chia sẻ các câu chuyện của mình và tìm kiếm những lời khuyên. Hiện nay, nhóm còn hoạt động không?

Vẫn hoạt động. Hiện nhóm có gần 900 người và tôi vẫn nói chuyện thường xuyên. Xuất phát của cuốn sách Sống sáng này là các câu hỏi của những bạn học pháp với tôi trong nhóm Về nhà. Các bạn hỏi nhiều chuyện lắm. Đa phần khổ sở về quan hệ gia đình, nuôi dạy con, và làm sao vừa sống đời sống cơm áo gạo tiền đầy áp lực vừa vẫn tử tế, thiện lành, hạnh phúc được. Mỗi lần thấy câu hỏi của một người mà có thể áp dụng cho nhiều người thì tôi gửi câu trả lời cho cả nhóm. Tôi trả lời xong thì cũng quên luôn. Nhưng sau này tôi phát hiện ra các bạn trong nhóm thường lưu các câu trả lời của tôi để đọc lại. Gần đây tôi quyết định biên tập, sửa chữa và viết thêm để có cuốn Sống sáng mà tiếp cận được nhiều người, không cần phải là người học Phật pháp. Bởi tôi nghĩ là ai cũng băn khoăn một câu hỏi: đã sinh ra rồi, đã tồn tại đây rồi thì sống thế nào cho hạnh phúc và ý nghĩa?

Bài: Trâm Anh - Ảnh: TLNV

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/phan-viet-toi-se-lam-sach-dep-va-sang-47628.html
Zalo