Vì sao giáo viên lại thế?
Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng từ khi năm học mới bắt đầu, hai vụ việc liên quan đến hành vi của giáo viên đã khiến dư luận xôn xao. Cả hai vụ việc, một liên quan đến việc giáo viên xin tiền phụ huynh mua laptop, và việc ép học sinh đi học thêm - dù chỉ là thiểu số, cá biệt - song khiến người ta đặt câu hỏi, điều gì đang khiến môi trường học đường trở nên méo mó, và vì sao giáo viên lại thế?
Câu chuyện về cô giáo chủ nhiệm lớp 4/3 Trường Tiểu học Chương Dương (TPHCM) gợi ý phụ huynh mua laptop không chỉ là một sự vụ đơn lẻ, mà phản ánh vấn nạn lớn hơn: việc giáo viên lợi dụng vị thế của mình để yêu cầu sự hỗ trợ tài chính từ phụ huynh và học sinh. Nhiều giáo viên, với những khoản thu nhập hạn chế, đã tìm cách lợi dụng lòng tin và sự tôn trọng của phụ huynh để đề xuất các khoản đóng góp không cần thiết.
Trong khi đó, câu chuyện cô giáo tại Ninh Bình bị tố xúc phạm và ép học sinh đi học thêm một lần nữa làm lộ rõ vấn đề đạo đức trong giáo dục. Phụ huynh phản ánh rằng giáo viên này không chỉ có lời lẽ xúc phạm học sinh, mà còn gây áp lực buộc học sinh phải tham gia lớp học thêm.
Trong văn hóa Việt Nam, nghề giáo luôn được xem là biểu tượng của sự mẫu mực, đạo đức và tinh thần cống hiến. Những hành vi gợi ý quà tặng, hỗ trợ tài chính hay ép học sinh học thêm không chỉ làm tổn hại đến uy tín cá nhân của giáo viên mà còn làm xói mòn hình ảnh người thầy trong mắt xã hội.
Có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến giáo viên đôi khi có những hành vi thiếu kiểm soát là do áp lực công việc khổng lồ. Giáo viên ngày nay không chỉ phải hoàn thành vai trò giảng dạy mà còn chịu trách nhiệm quản lý học sinh, đứng ra giải quyết một số công việc cho nhà trường, giải quyết mối quan hệ với phụ huynh…
Khối lượng công việc lớn cộng với yêu cầu phải đáp ứng được nhiều khía cạnh cùng lúc có thể làm cho giáo viên cảm thấy quá tải, mất đi sự tỉnh táo trong cư xử.
Hơn nữa, điều kiện làm việc và thu nhập của giáo viên tại nhiều nơi vẫn còn hạn chế. Áp lực về thành tích trong giáo dục cũng tạo nên những sức ép với giáo viên. Mức lương trung bình không tương xứng với khối lượng công việc khiến nhiều giáo viên cảm thấy bị đẩy vào tình thế khó khăn về tài chính.
Khi đối mặt với thực tế này, một số giáo viên đã chọn cách “gợi ý” phụ huynh tặng quà, đóng góp kinh phí dưới danh nghĩa “hỗ trợ”, hoặc phải mở lớp dạy thêm…
Giảm tải, xóa bệnh thành tích trong trường học, tăng lương cho giáo viên… Những vấn đề này đã được đề cập. Nhưng trước hết cần sự thay đổi về nhận thức trong cả giáo viên lẫn xã hội. Giáo viên phải hiểu rõ rằng, họ không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là hình mẫu về đạo đức và chuẩn mực sống cho học sinh. Một giáo viên không chỉ cần giỏi chuyên môn mà còn phải có lòng tự trọng và tinh thần trách nhiệm cao với nghề.
Về phía các cơ quan quản lý giáo dục, cần có những biện pháp giám sát chặt chẽ hơn để ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm chuẩn mực. Các trường học nên đưa ra các quy định rõ ràng về việc nhận quà tặng, cũng như tổ chức các lớp tập huấn về đạo đức nghề nghiệp để giáo viên luôn được nhắc nhở về vai trò của mình trong xã hội...
Những hành vi vi phạm, thiếu chuẩn mực trong ngành giáo dục, dù nhỏ, dù chỉ là cá biệt, cũng làm tổn hại đến hình ảnh cao quý của nghề giáo. Việc làm trong sạch môi trường giáo dục không chỉ đảm bảo sự phát triển của học sinh mà còn giúp duy trì niềm tin của xã hội đối với nhà giáo - những người vốn được xem là tấm gương sáng cho mọi thế hệ.