Niềm vui, động lực của các nhà giáo

Đội ngũ nhà giáo trong Quân đội không chỉ dạy kiến thức mà còn truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, bồi dưỡng lý tưởng, niềm tin, bản lĩnh chính trị cho người học, là đồng chí, đồng đội của học viên.

Vì vậy, các giảng viên luôn mang hết tâm huyết để giảng dạy, truyền cảm hứng với mong muốn học viên trưởng thành về mọi mặt, trở thành quân nhân ưu tú, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, đơn vị, xã hội. Đó cũng là niềm vui, động lực lớn mà các nhà giáo chia sẻ với Trang “Ý kiến chiến sĩ” nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11).

Đại tá, TS LÊ XUÂN DIỆU, Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế chính trị học Mác-Lênin, Khoa Lý luận Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Trường Sĩ quan Lục quân 1:

Điều kỳ diệu từ sự thay đổi của một học viên

Tôi trưởng thành từ chiến sĩ thuộc Trung đoàn 568, Bộ CHQS tỉnh Thái Bình. Năm 1993, tôi thi đỗ và trở thành học viên Khóa 60, Trường Sĩ quan Lục quân 1. Năm 1997, tôi tốt nghiệp và được giữ lại trường công tác đến nay. Trải qua các cương vị, tôi luôn trăn trở tìm biện pháp để bồi đắp tình yêu, lý tưởng, niềm tin cho các thế hệ học viên.

Tốt nghiệp ra trường, tôi là cán bộ trung đội, đại đội cùng vai trò là người thầy thứ hai. Sau mỗi giờ học, tôi phân loại chất lượng học tập, hướng dẫn học viên truy trao theo đội hình tổ, nhóm... kịp thời “đẩy khá, xóa kém, nâng cao kết quả học viên giỏi”. Năm 2004, tôi là Phó đại đội trưởng về chính trị Đại đội 28, Tiểu đoàn 9 quản lý học viên năm thứ nhất Trường Sĩ quan Pháo binh.

Giảng viên Học viện Hải quân, Quân chủng Hải quân hướng dẫn học viên phương pháp lái tàu trên Tàu buồm 286-Lê Quý Đôn. Ảnh: ĐỨC THU

Giảng viên Học viện Hải quân, Quân chủng Hải quân hướng dẫn học viên phương pháp lái tàu trên Tàu buồm 286-Lê Quý Đôn. Ảnh: ĐỨC THU

Tôi nhớ trường hợp học viên Nguyễn Ngọc Tiềm thi đỗ đầu vào Trường Sĩ quan Pháo binh với kết quả khá cao. Tuy nhiên, thời gian đầu, Tiềm lại sao nhãng việc học tập, rèn luyện. Qua đồng đội của em, tôi được biết, Tiềm không muốn học tập, rèn luyện trong quân ngũ mà muốn học Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội). Tôi đã gặp gỡ, động viên, phân tích... nhưng Tiềm vẫn một mực xin ra quân để về ôn thi theo ước mơ, sở thích của mình.

Tôi tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và được biết, ông nội của Tiềm từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp nên viết thư gửi về gia đình. Được sự động viên của người thân, đồng đội và cán bộ các cấp, Tiềm tiến bộ rõ rệt trong suy nghĩ, hành động. Sau 3 tháng huấn luyện, Tiềm gặp tôi và tâm sự: “Chính sự động viên, khuyến khích của anh đã giúp em hiểu và trân trọng hơn kết quả mình có được. Em hứa sẽ cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt trong môi trường quân ngũ”.

Câu chuyện cách đây đã hơn 20 năm và tuy trải qua nhiều cương vị công tác nhưng tôi vẫn nhớ mãi. Vì vậy, trong mỗi bài giảng cho học viên hôm nay, tôi không chỉ trao truyền cho các em kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn mà còn chia sẻ để các em biết trân quý công sức học tập, rèn luyện của mình. Tôi cũng luôn nhắc các giảng viên trẻ hãy luôn đem hết tâm sức, trí tuệ, truyền cảm hứng cho học viên qua từng trang giáo án, giúp các em yêu mến, gắn bó với môi trường quân ngũ.

----------

Thượng tá TRẦN THỊ NHẸN, Chủ nhiệm Bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, Khoa Lý luận Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Hải quân:

Niềm vui khi thấy học viên trưởng thành

Tôi có cơ duyên làm việc ở Học viện Hải quân, Quân chủng Hải quân đã gần 20 năm. Niềm vui lớn nhất của tôi là được chứng kiến sự trưởng thành của các học viên. Những ánh mắt háo hức, câu hỏi tò mò và thành công của các em là nguồn động lực to lớn để tôi phấn đấu. Có một học viên mà tôi không thể quên là Nguyễn Tuấn Anh. Một lần, trong giờ nghỉ giải lao, tôi vô tình nói chuyện với Tuấn Anh và thấy em có vẻ chán nản.

Tôi chia sẻ về cuộc sống, lý tưởng phấn đấu của quân nhân và sự cố gắng của mỗi người trong cuộc sống. Hết giờ giải lao, tôi dành thêm thời gian để nói chuyện với cả lớp và tâm sự về tình yêu nghề của bản thân mình với các học viên, khích lệ tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, xây dựng bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng, củng cố niềm tin về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc... Một thời gian sau, tôi thấy Tuấn Anh có nhiều tiến bộ, tích cực học tập, rèn luyện, trở thành học viên tốt.

Từ trường hợp của Nguyễn Tuấn Anh và sự trưởng thành của nhiều thế hệ học viên, tôi càng có thêm niềm vui, động lực đến trường mỗi ngày, hăng say chuẩn bị bài giảng, tài liệu một cách kỹ lưỡng, không ngừng tìm tòi, sáng tạo để mỗi tiết học đều hấp dẫn và bổ ích. Tôi cũng thấy rằng, công việc của một giảng viên không đơn thuần chỉ là đứng trên bục giảng truyền dạy kiến thức mà còn phải là người bạn đồng hành, người truyền cảm hứng cho học viên. Vì thế, tôi luôn quan tâm đến việc rèn luyện phẩm chất, nhân cách cho học viên với mong muốn các em không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn trở thành những quân nhân ưu tú, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, đơn vị và xã hội.

---------------------

Trung tá NGUYỄN ĐỨC ANH, Chủ nhiệm Bộ môn Lý luận chung, Khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Cao đẳng Biên phòng:

Trao truyền nhiệt huyết, say mê

Đã 22 năm làm công tác giảng dạy, tôi vẫn luôn yêu mến và tìm thấy niềm vui, động lực trong công việc. Tôi xác định, giảng viên ở một nhà trường trong Quân đội không đơn thuần chỉ là người truyền đạt tri thức cho học viên mà còn phải biết khơi dậy sự say mê, tạo ra niềm vui, động lực học tập cho người học, bởi làm bất cứ công việc gì cũng cần có sự say mê thì mới có kết quả tốt. Người thầy làm được điều đó chắc chắn sẽ rất hạnh phúc với công việc của mình. Vì vậy, tôi luôn cố gắng đổi mới phương pháp giảng dạy để làm sao có thể truyền được niềm đam mê, nhiệt huyết của mình cho các học viên.

Tôi nhớ mãi một học viên khóa 9 là Hà Viết Chiến, sinh năm 1981, người dân tộc Thái. Sinh ra và lớn lên ở vùng biên giới nghèo của xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước (Thanh Hóa), Hà Viết Chiến nuôi ước mơ trở thành người chiến sĩ mang quân hàm xanh từ khi còn nhỏ. Ở trong trường, nhờ được các giảng viên trao truyền nhiệt huyết, Chiến luôn nêu cao tinh thần tự học, tự rèn luyện, chú trọng đầu tư thời gian nghiên cứu, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ... Kết thúc khóa học, Hà Viết Chiến được xếp loại khá. Hiện nay, Chiến là Thiếu tá QNCN, công tác tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa...

------------------------

Thiếu tá PHÙNG THẾ HẢI, giảng viên Bộ môn Miễn dịch, Học viện Quân y:

Giảng viên tốt thì mới có học viên tốt

Tôi tốt nghiệp Học viện Quân y và nhận công tác tại Bộ môn Miễn dịch từ năm 2014, tham gia giảng dạy cho học viên dài hạn quân y cả nội dung lý thuyết và thực hành. Tôi luôn tâm niệm, là một bác sĩ, giảng viên trẻ nên phải không ngừng phấn đấu, nêu cao tinh thần tự học, tự nhìn ra hạn chế của mình để rút kinh nghiệm, hoàn thiện hơn. Công việc hiện tại đang rất phù hợp với tôi, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá các kiến thức mới liên quan đến chuyên ngành miễn dịch, từ đó ứng dụng phục vụ công tác chẩn đoán, hỗ trợ điều trị các bệnh lý có liên quan.

Tôi và đồng nghiệp ở bộ môn rất mong muốn kiến thức, kinh nghiệm của mình sẽ góp phần xây dựng chuyên ngành miễn dịch có ứng dụng lớn hơn cho lâm sàng. Khi xác định gắn bó với công tác giảng dạy, tôi luôn cố gắng là tấm gương tốt cho các học viên với quan niệm, mình có tốt thì thế hệ sau mới tốt. Quá trình giảng dạy, tôi tích cực hướng dẫn, giúp đỡ học viên kỹ thuật labo trong việc nuôi cấy tế bào và phân tích, đánh giá tế bào, đồng thời, cùng các giảng viên của bộ môn tham gia biên soạn giáo trình phục vụ công tác đào tạo đại học. Vừa qua, tôi cùng với các đồng chí trong bộ môn đã biên dịch thành công một cuốn sách chuyên ngành về miễn dịch trị liệu trong ung thư...

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/niem-vui-dong-luc-cua-cac-nha-giao-803414
Zalo