Vì sao giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn một năm qua?

Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng mạnh trong tháng 11, với chỉ số chuẩn Dutch Title Transfer Facility (TTF) tăng 16% chỉ trong tháng này, đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2023.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Các hợp đồng khí TTF giao tháng 12 giao dịch ở mức 47 euro mỗi megawatt giờ (MWh) vào ngày 22/11, đánh dấu sự phục hồi đáng kể từ mức thấp nhất trong 3 năm qua vào tháng 2, khi giá giảm xuống dưới 25 euro/MWh.

Đợt tăng giá mới này phản ánh sự kết hợp của các yếu tố gián đoạn nguồn cung, căng thẳng địa chính trị và điều kiện thời tiết lạnh hơn dự báo, làm nổi bật tính dễ bị tổn thương của châu Âu trong kỷ nguyên hậu khí đốt Nga.

Thời tiết lạnh giá và căng thẳng địa chính trị: “Cơn bão hoàn hảo” đối với khí TTF

Nhiệt độ lạnh bất thường trên khắp Bắc bán cầu đã khiến nhu cầu sưởi ấm tăng mạnh trong thời điểm này trong năm.

“Một đợt lạnh đột ngột trên Đại Tây Dương đã làm tăng thêm sự thắt chặt thị trường, với nhiệt độ dưới 0 độ C xuất hiện tại Tây Bắc châu Âu và khu vực Đông Bắc nước Mỹ”, theo báo cáo của Quantum Commodity Intelligence công bố hôm thứ Năm (21/11).

Đồng thời, sản lượng năng lượng gió suy giảm đã làm giảm nguồn cung từ năng lượng tái tạo, buộc các nhà máy điện phải chuyển sang sử dụng khí đốt.

Những yếu tố này đã khiến mức dự trữ khí đốt của châu Âu giảm xuống dưới 90% công suất - lần đầu tiên mức dự trữ giảm xuống dưới mức trung bình của 5 năm qua vào năm 2023.

Theo Quantum Commodity Intelligence, mặc dù mức dự trữ nói chung vẫn tương đối tốt, nhưng nỗi lo về tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã làm tăng thêm rủi ro địa chính trị cho giá khí TTF.

Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục phủ bóng lên thị trường năng lượng. Gazprom bất ngờ ngừng cung cấp khí đốt cho Áo vào tuần trước, làm dấy lên lo ngại về những gián đoạn lớn hơn. Thỏa thuận trung chuyển khí đốt qua đường ống giữa Nga và Ukraine sẽ hết hạn vào cuối năm nay, đe dọa một tuyến đường quan trọng cung cấp 5% nhu cầu khí đốt của châu Âu.

Nếu không có thỏa thuận mới, các nước Đông và Trung Âu có khả năng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng trong mùa đông tới, Quantum Commodity Intelligence cảnh báo.

Mặc dù khí đốt qua đường ống của Nga hiện chỉ chiếm 14 tỷ mét khối (Bcm) mỗi năm, một phần nhỏ trong tổng nhu cầu hàng năm 370 Bcm của châu Âu, nhưng bất kỳ gián đoạn nào cũng có thể gây áp lực lớn lên các cơ sở hạ tầng của châu Âu trong thời kỳ nhu cầu cao điểm.

Dự báo của Goldman Sachs

Goldman Sachs dự báo giá khí TTF có thể tăng tới 77 euro/MWh trong kịch bản xấu nhất. Goldman Sachs nhấn mạnh rằng mùa đông năm nay đang có xu hướng lạnh hơn năm trước, khiến nhu cầu sưởi ấm tăng đáng kể.

Ngân hàng này ước tính nhu cầu sưởi ấm có thể tăng 46 triệu m3 mỗi ngày so với năm trước, dẫn đến mức dự trữ vào cuối tháng 3/2025 chỉ còn 40% dung lượng, so với 53% vào tháng 3/2024.

Do đó, Goldman Sachs đã điều chỉnh dự báo giá khí TTF vào năm 2025 lên 40 euro/MWh, tăng so với mức dự báo trước đó là 34 euro/MWh.

Trong ngắn hạn, ngân hàng này nhận thấy các rủi ro tăng giá đối với khí TTF. Nếu đạt được thỏa thuận trung chuyển khí đốt mới giữa Nga và Ukraine, giá có thể giảm xuống 37 euro/MWh, nhưng những cú sốc thắt chặt nguồn cung vẫn có thể đẩy giá lên cao hơn nữa.

Nhà phân tích Samantha Dart của Goldman Sachs cho biết, trong các kịch bản cực đoan - bao gồm các dự án LNG bị trì hoãn, nhu cầu tại châu Á mạnh hơn dự kiến hoặc thời tiết lạnh hơn bình thường - giá khí đốt châu Âu có thể tăng vọt lên 77 euro/MWh, mức giá mà các sản phẩm dựa trên dầu sẽ bắt đầu được sử dụng thay thế.

Tác động kinh tế từ giá khí đốt cao ở châu Âu

Đợt tăng giá mới này có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể.

Giá khí đốt cao sẽ làm tăng chi phí năng lượng cho các hộ gia đình và ngành công nghiệp, có thể làm suy yếu các nỗ lực phục hồi kinh tế và gây áp lực lạm phát.

Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng ở châu Âu có thể gặp khó khăn trong việc duy trì tính cạnh tranh so với các đối thủ ở các khu vực có giá năng lượng thấp hơn.

Chính phủ các nước có thể phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc trợ giá năng lượng hoặc đẩy nhanh việc áp dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường nhiên liệu hóa thạch dễ biến động.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mặc dù giá khí đốt tăng gần đây, nhưng mức giá hiện tại vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức cao kỷ lục vào mùa hè năm 2022, khi giá khí TTF tăng gần 350 euro/MWh trong giai đoạn đỉnh điểm của khủng hoảng năng lượng.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/vi-sao-gia-khi-dot-o-chau-au-tang-vot-len-muc-cao-nhat-trong-hon-mot-nam-qua-721027.html
Zalo