Vì sao doanh nghiệp công nghệ số là động lực của chuyển đổi số?

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT (Bộ Thông tin và Truyền thông): Khả năng mở rộng và sức mạnh của công nghệ số làm cho các doanh nghiệp công nghệ số trở thành những tác nhân chính thúc đẩy sự thay đổi và phát triển trong nền kinh tế.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội chưa từng có cho các địa phương, doanh nghiệp trên thế giới vượt lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, giúp cho Chính phủ các quốc gia hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn.

Thống kê cho thấy có 92% doanh nghiệp đã có sự quan tâm hay thậm chí đã ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh của mình. 98% doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhờ chuyển đổi số như giúp giảm chi phí (67%), giảm tiếp xúc trực tiếp (52%), nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ (42%)…

Tại Hội thảo "Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước: Cơ hội và thách thức" sáng 26/7 do Báo Điện tử VOV phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS); Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo); Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTRANS); Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO), Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Covid-19 lan rộng, dẫn tới những hạn chế tiếp xúc, giãn cách xã hội đã buộc doanh nghiệp phải ứng dụng nhiều hơn các công nghệ số trong hoạt động của mình, nhất là trong quản trị nội bộ, thanh toán điện tử, marketing trực tuyến. Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhân sự từ xa, hội nghị trực tuyến, học trực tuyến, quản trị nội bộ.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT (Bộ Thông tin và Truyền thông)

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT (Bộ Thông tin và Truyền thông)

Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT thông tin, năm 2022, tổng doanh thu công nghiệp CNTT của Việt Nam đạt 148 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2021, gấp 24 lần so với năm 2009 (6,2 tỷ USD). Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015-2020 đạt bình quân 10,5%/năm, cao hơn 1,5-2 lần tốc độ tăng trưởng GDP trong đại dịch Covid-19, trở thành một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, quy mô lớn nhất của cả nước.

Doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên, chuyển đổi số mang lại những giá trị lớn cho doanh nghiệp. Trong đó các doanh nghiệp công nghệ số thường có tiềm năng tăng trưởng vượt trội do tính chất đột phá và sự đổi mới liên tục trong lĩnh vực công nghệ. Khả năng mở rộng và sức mạnh của công nghệ số làm cho các doanh nghiệp này trở thành những tác nhân chính thúc đẩy sự thay đổi và phát triển trong nền kinh tế.

Cùng với đó, doanh nghiệp công nghệ số có khả năng thu thập, lưu trữ và phân tích lượng lớn dữ liệu từ các nguồn khác nhau. Khi kết hợp với trí tuệ nhân tạo và học máy, họ có thể rút ra những thông tin quan trọng từ dữ liệu này, giúp tối ưu hóa hoạt động kinh doanh và đưa ra các quyết định thông minh hơn.

Hội thảo "Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước: Cơ hội và thách thức"

Hội thảo "Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước: Cơ hội và thách thức"

“Các doanh nghiệp công nghệ số thường cung cấp những sản phẩm và dịch vụ tiên tiến, hiệu quả hơn, giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Các doanh nghiệp công nghệ số có thể tương tác trực tiếp với khách hàng qua các ứng dụng di động, trang web, mạng xã hội và email, tạo ra một môi trường giao tiếp thân thiện và hiệu quả. Chính việc tạo ra giá trị cho khách hàng là yếu tố quan trọng khiến cho chuyển đổi số trở nên hấp dẫn và cần thiết”- Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên nhấn mạnh.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên, các doanh nghiệp công nghệ số thường đưa ra những tư vấn về các công nghệ mới và giải pháp số phù hợp để doanh nghiệp lập kế hoạch đầu tư một cách hiệu quả và sáng suốt. Họ cũng cung cấp các giải pháp công nghệ số phù hợp với mục tiêu và yêu cầu của doanh nghiệp cũng như việc đào tạo và phát triển cho nhân viên của doanh nghiệp để giúp họ nắm vững và sử dụng các công nghệ số một cách hiệu quả, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp triển khai và tích hợp các giải pháp số, giúp đảm bảo quá trình triển khai diễn ra suôn sẻ và đạt được hiệu quả mong đợi.

Việt Nam có 70.000 doanh nghiệp công nghệ số đăng ký hoạt động

Năm 2022, Việt Nam đã hình thành đội ngũ doanh nghiệp công nghệ số với hơn 70.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Công nghiệp ICT bao gồm các lĩnh vực: phần cứng-điện tử, phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT.

Đến nay nhiều doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đã có khả năng cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường dịch vụ phần mềm thế giới. Việt Nam thường xuyên được các tổ chức có uy tín đánh giá và xếp hạng cao trong danh sách các điểm đến hấp dẫn nhất thế giới về dịch vụ ủy thác phần mềm xuất khẩu. Năm 2022, Việt Nam được xếp thứ 6/60 về gia công dịch vụ phần mềm theo đánh giá của AT. Kearney.

Theo khảo sát của Tập đoàn tư vấn NeoIT có trụ sở tại Hoa Kỳ, TP.HCM và Hà Nội được xếp vào nhóm các thành phố dịch vụ ủy thác hấp dẫn nhất thế giới. Một số các sản phẩm phần mềm đóng gói thương hiệu Việt bắt đầu chiếm lĩnh thị phần trong nước. Hiện tại có hơn 38.000 doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT và phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việt Nam dẫn đầu các nước Đông Nam Á về tỷ lệ doanh nghiệp cấp chứng chỉ sản xuất phần mềm theo tiêu chuẩn CMMi, trong đó có 6 doanh nghiệp đạt chứng chỉ CMMi mức độ 5 (mức độ cao nhất).

“Doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số do có khả năng tăng trưởng cao, tích hợp dữ liệu và phân tích thông minh, tạo ra giá trị cho khách hàng, thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống, kết nối và tương tác hiệu quả và đổi mới liên tục. Nhờ vào những yếu tố này, họ trở thành động lực treo trong việc thúc đẩy sự chuyển đổi số của xã hội và kinh tế”, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên nhận định./.

Phạm Hòa/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/vi-sao-doanh-nghiep-cong-nghe-so-la-dong-luc-cua-chuyen-doi-so-post1035476.vov
Zalo