Vì sao đi làm nhiều năm vẫn không được thăng chức?

Nhiều người được đề bạt lên các chức vụ quản lý rất nhanh chỉ sau một thời gian đi làm. Tuy nhiên cũng có người gắn bó nhiều năm ở một đơn vị nhưng chưa một lần được thăng chức.

Giai đoạn đầu của sự nghiệp chắc hẳn nhân viên nào cũng được khuyên nên là người đầu tiên đến văn phòng và ra về cuối cùng, cốt để sếp thấy bạn đam mê công việc.

Brianna Doe, giám đốc marketing với 10 năm kinh nghiệm cũng từng như thế. Cô sẽ bắt đầu ngày làm việc của mình rất sớm và ở lại công ty đến tối muộn. Khi đó, cô tin rằng như vậy là cách thể hiện động lực và mong muốn thăng tiến trong công ty. Tuy nhiên, thói quen này của Doe cuối cùng lại phản tác dụng.

Doe chia sẻ: “Tôi từng rất muốn chứng minh với quản lý và mọi người bên ngoài phòng ban rằng mình có thể “làm việc vượt trội” và cảm thấy “một cách tuyệt vời để làm điều đó là trở thành người đầu tiên đến làm và là người cuối cùng ra về”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhìn lại sự nghiệp của mình, Doe thừa nhận rằng dù lời khuyên làm việc nhiều giờ nhằm thể hiện sự tận tụy, phương pháp này thường phải trả giá bằng thời gian cá nhân và sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Brianna Doe đã trải qua tình trạng kiệt sức nghiêm trọng khi liên tục đi sớm về khuya. Cô hiện coi cách tiếp cận này là lỗi thời, đặc biệt trong văn hóa làm việc hiện đại nhấn mạnh vào việc thiết lập ranh giới và ưu tiên sức khỏe tâm lý.

Stacie Haller, cố vấn nghề nghiệp chính tại ResumeBuilder với hơn 30 năm kinh nghiệm tuyển dụng, cũng đồng quan điểm như vậy.

Cô nói: “Tôi nghĩ mọi người ngày nay đủ hiểu biết để nhận thức được rằng việc bạn ngồi trong văn phòng tám tiếng một ngày không nhất thiết có nghĩa là bạn là một nhân viên năng suất”.

Cách tốt hơn để thăng tiến trong sự nghiệp

Thay vì tập trung vào làm việc không kể ngày đêm, chúng ta có thể áp dụng nhiều cách hiệu quả hơn để chứng minh sự cống hiến cho công việc cũng như phát triển sự nghiệp.

Haller gợi ý nhân viên nên đầu tư thời gian vào việc xây dựng các mối quan hệ, tìm kiếm người cố vấn và hiểu cách làm việc của những đồng nghiệp thành công. Đặc biệt, những người lao động thuộc Gen Z được khuyến khích tập trung vào việc vun đắp những mối quan hệ này vì có thể mang lại nhiều lợi ích về lâu dài.

Doe tin rằng các sếp nên đánh giá lại kỳ vọng của mình nếu họ tập trung vào thời gian nhân viên dành cho công việc thay vì những gì họ hoàn thành hoặc cách họ thể hiện tham vọng của mình.

“Nếu nhân viên mới của bạn làm việc tốt và họ yêu cầu bạn trao cho họ nhiều cơ hội hơn cũng như muốn tham gia vào các dự án khác nhau, điều đó sẽ có giá trị hơn so với một người chỉ ở lại làm việc muộn hơn bạn”, cô nói.

Bên cạnh đó, Haller đồng ý rằng mọi người cần thiết phải tuân theo văn hóa làm việc đã được thống nhất trước đó như có mặt đúng giờ, tham dự đầy đủ các cuộc họp và tránh bào chữa cho hành vi trái quy định.

Cuối cùng cô nói: “Nếu mọi người đều có mặt từ 8:30 sáng đến 6 giờ, hãy có mặt từ 8:30 sáng đến 6 giờ. Nhưng nếu bạn đến lúc 7 giờ chỉ để gây ấn tượng với chính mình thì điều đó hơi điên rồ”.

T. Linh (Theo CNBC)

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/vi-sao-di-lam-nhieu-nam-van-khong-duoc-thang-chuc-d200961.html
Zalo