Vì sao có tình mới nhưng vẫn chưa quên người yêu cũ?

Còn nhung nhớ về người yêu cũ không có nghĩa là cuộc tình mới có vấn đề. Các chuyên gia cho hay vấn vương quá khứ khi yêu thực chất vẫn có những mặt tốt.

 Dù đã yêu người mới, nhiều người vẫn không thể gạt bỏ được những suy nghĩ về người cũ. Ảnh minh họa: Netflix.

Dù đã yêu người mới, nhiều người vẫn không thể gạt bỏ được những suy nghĩ về người cũ. Ảnh minh họa: Netflix.

Suy nghĩ về người yêu cũ dù đã bước vào mối quan hệ mới thực tế là trải nghiệm của chung của không ít người. Họ bắt gặp hình ảnh của tình cũ trong cuộc sống hàng ngày, từ ảnh chụp cho đến những cuộc gặp gỡ tình cờ.

Theo đó, không khó hiểu khi nhiều người lo lắng rằng những suy nghĩ này đồng nghĩa với việc họ vẫn còn vấn vương người yêu cũ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay thỉnh thoảng nghĩ về các mối quan hệ trong quá khứ là điều bình thường. Điều quan trọng hơn là mọi người hiểu rõ mình đáng nhớ những kỷ niệm gì thay vì tập trung vào người cũ, theo body+soul.

 Con người có xu hướng nhớ về những gì tốt đẹp và bỏ qua những kỉ niệm xấu trong quá khứ. Ảnh minh họa: Mario Amé/Pexels.

Con người có xu hướng nhớ về những gì tốt đẹp và bỏ qua những kỉ niệm xấu trong quá khứ. Ảnh minh họa: Mario Amé/Pexels.

Gỡ bỏ lăng kính hồng

Khi những suy nghĩ về người yêu cũ xuất hiện, điều đầu tiên chúng ta cần làm là xác định bản thân đang thật sự nhớ nhung họ hay chỉ đang lãng mạn hóa quá khứ.

Thạc sĩ Lissy Ann Puno, nhà trị liệu tâm lý hơn 24 năm kinh nghiệm, cho hay khi nhìn lại các mối quan hệ trong quá khứ, bộ não của chúng ta thường tự động bỏ qua những khoảng thời gian khó khăn. Thay vào đó, não đeo "lăng kính màu hồng" và phóng đại tất cả những kỉ niệm tốt đẹp.

Tất nhiên, đặc điểm tâm lý này có thể khiến một người nhớ đến người yêu cũ, ngay cả khi mối quan hệ của cả hai có nhiều điểm bất hòa. Dù vậy, chính điểm này cũng có thể nêu bật lên những những gì họ mong muốn khi yêu đương cũng như những điểm thiếu sót trong mối tình hiện tại.

Chẳng hạn, nếu chúng ta yêu thích sức sống của người yêu cũ và nhận thấy người bạn đời hiện tại trầm tĩnh hơn, đây có lẽ là một lời nhắc nhở để chúng ta nhìn lại năng lượng của bản thân hoặc thậm chí là độ tương thích về lâu dài của cả hai.

 Chỉ thỉnh thoảng nhớ về người yêu cũ mà không ảnh hưởng đến mối quan hệ hiện tại được coi là bình thường. Ảnh minh họa: alleksana/Pexels.

Chỉ thỉnh thoảng nhớ về người yêu cũ mà không ảnh hưởng đến mối quan hệ hiện tại được coi là bình thường. Ảnh minh họa: alleksana/Pexels.

Nhớ về người cũ thế nào là hợp lý

Nếu không lãng mạn hóa quá khứ và chỉ thỉnh thoảng nghĩ về người yêu cũ, đây là điều bình thường.

Nhớ về tình cũ không khiến chúng ta trở thành một nửa kia tồi tệ và cũng không có nghĩa là mối quan hệ hiện tại sẽ tan vỡ.

Điều này chỉ đơn giản là lời nhắc nhở về quá khứ tình ái và tất cả trải nghiệm đã hình thành nên con người chúng ta hiện tại.

Theo Jennifer Nurick, cố vấn cặp đôi kiêm nhà trị liệu tâm lý lâm sàng, giải thích rằng việc nghĩ đến người yêu cũ không phải điều bất bình thường vì cả hai đã từng có khoảng thời gian ý nghĩa cùng nhau.

Những mối quan hệ thân mật như vậy xuất hiện không nhiều trong cuộc sống chúng ta và thường để lại những kỷ niệm tích cực lâu dài.

Nurick nhấn mạnh rằng mọi người có thể ở yêu người mới trong khi thỉnh thoảng vẫn nhớ về người yêu cũ. Những suy nghĩ này không biểu hiện ý định phản bội hay báo hiệu sự kém chung thủy về lâu dài. Thay vào đó, chúng phản ánh ảnh hưởng của kết nối trong quá khứ.

Cô nói thêm rằng cảm giác ấm áp khi nhớ về người yêu cũ, thậm chí vào nhiều năm sau, là trải nghiệm bình thường của con người. Điều này thể hiện chiều sâu kết nối mà chúng ta có thể hình thành với người khác.

 Xác định rõ nguồn gốc của những suy nghĩ về tình cũ giúp khắc phục vấn đề hiệu quả hơn. Ảnh minh họa: Timur Weber/Pexels.

Xác định rõ nguồn gốc của những suy nghĩ về tình cũ giúp khắc phục vấn đề hiệu quả hơn. Ảnh minh họa: Timur Weber/Pexels.

Khi suy nghĩ gây cản trở

Những suy nghĩ về người yêu cũ có thể trở nên rắc rối khi chúng làm nổi bật những thiếu sót trong mối quan hệ hiện tại.

Bà Nurick khuyên rằng nếu luôn thấy người yêu mới không bằng người yêu cũ, chúng ta cần xem xét lại vấn đề bắt đầu từ việc bản thân nhớ những gì ở tình cũ.

Những điều đó có thể được cải thiện ở mối quan hệ hiện tại không? Mọi người cần nhớ rằng đa số các nghiên cứu chỉ ra một tình yêu thật sự sâu sắc và gắn bó thường mất hai năm để phát triển.

Bên cạnh đó, những suy nghĩ dai dẳng về người yêu cũ có thể báo hiệu những cảm xúc hay vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Nếu chúng cản trở mối quan hệ hiện tại, mọi người cần cân nhắc trò chuyện với người yêu hiện tại hoặc gặp gỡ nhà trị liệu uy tín.

Ngoài ra, chúng ta nên tập trung tìm ra điều gì và lý do bản thân suy nghĩ về người yêu cũ. Điều này giúp hai bên tránh được những hồi tưởng "màu hồng" cũng như xác định được các nhu cầu chưa được đáp ứng trong mối tình hiện tại trước khi có vấn đề nghiêm trọng xảy ra.

Thiên Thanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/vi-sao-co-tinh-moi-nhung-van-chua-quen-nguoi-yeu-cu-post1484826.html
Zalo