Trong những quyển sách cũ

1. Tôi hay đọc sách cũ. Với tôi, sách cũ nhưng luôn có nhiều điều mới, thậm chí sách mới cũng không có. Năm nọ, tình cờ tôi phát hiện trong một quyển sách xuất bản từ những năm 1950 có một bức thư cũ đã ngả màu vàng, nguyên văn:

“Sài Gòn, 20-6-61,

Vĩnh thân mến,

Hay em thi đậu chị mừng lắm. Thế là một niên học mệt nhọc được đền bù một cách xứng đáng.

Để mừng em, chị gởi em quyển sách mà chị đã từng đọc cho các em nghe - chị rất tiếc là trong năm, không có giờ rảnh để đọc đoạn kết cuộc. Vậy em đọc đi nhé và ráng tìm hiểu những ý sâu xa của Saint Exupéry. Chị”.

Bức thư này lại nằm trong cuốn Chữ nghĩa Truyện Kiều của Vân Hạc Lê Văn Hòe, mà tôi tin rằng không phải là quyển mà người chị đã tặng, nên rốt cuộc thì tôi cũng không biết quà tặng là quyển sách nào…

2. Bức thư ngắn đã làm tôi xúc động. Nó làm tôi liên tưởng đến nhiều quyển sách cũ khác. Tôi là người thích đi sưu tầm sách cũ - để đọc thôi, vì giá rẻ và có nhiều quyển hay bất ngờ. Tôi đã từng mua được những cuốn sách có lời đề tặng, như quyển Đại số giải trí rất hay của Perelman có ghi lời của một người cha: “Tặng con Đoàn Hồng Quân, chúc con học giỏi”, hay quyển Hoa tuylip đen của Alexandre Dumas có đề một câu: “Kỷ niệm một ngày vui! 8.7.1988”, hoặc rất nhiều quyển (ở những hiệu sách khác nhau) có ghi “Gia đình Hồng Nghĩa”... Nó gợi cho tôi về tấm lòng của người mua sách, người tặng sách, về tâm trạng của người mua quyển sách ấy, về một thói quen trở thành nền nếp của một gia đình...

Nhưng tiếc rằng vì lý do nào đó mà những quyển sách lại trôi nổi ở giữa chợ trời. Tôi không chắc người tặng sẽ nghĩ ra sao nếu tình cờ thấy quà tặng của mình bị rẻ rúng như vậy (dù bất kỳ lý do gì) nhưng nếu là tôi, chắc tôi buồn lắm, không phải chỉ tiếc một quyển sách hay, có ý nghĩa, ít nhất là đối với người tặng, bị bán làm giấy vụn mà còn đau vì người mà mình đã dành sự trân trọng lại chối từ sự trân trọng đó một cách quá phũ phàng. Vì vậy, tôi chỉ mong sao những quyển sách kia đến tay tôi đều do sự thất lạc (mất mát) và hoàn toàn không muốn có sự bán chác ở đây của người được tặng hoặc được thừa hưởng. Tôi cũng nhiều lúc nghĩ đến câu chuyện nhà văn Nam Cao phải bán sách để nuôi thân trong lúc đói kém, nhưng tôi cũng cho rằng thật ra chẳng bõ bèn gì với những cuốn sách giấy đen nhám xấu xí như thế này. Vậy thì có lẽ tất cả chỉ là sự lạc loài của những quyển sách có hồn nhưng rất đỗi vô tri. Ngay cả con người đôi khi vì thiếu những cuốn sách chỉ đường thì vẫn lạc lối như thường mà!

3. Thôi thì cái gì cũng “hạn sử dụng” của nó. Một sản phẩm văn hóa nếu ở nơi này không còn ý nghĩa nữa thì nó cũng nên được “mời” đến nơi khác để tiếp tục hành trình khai sáng của mình. Hiểu được điều đó để không “đắng lòng” khi thấy sách và thủ bút của mình ở nơi nào đó không phải chỗ mình đã gửi gắm, kể cả từ gánh ve chai…

Còn với người khác, tình cờ thấy gì đó, đọc được gì đó trong các cuốn sách cũ có khi lại mang một ý nghĩa nào đó, một gợi mở nào đó, bỏ qua điều không vui cũng có thể thú vị lắm chứ! Không phải chuyện ấm lạnh ở đời đâu mà chính là các bài học. Có thể về lòng yêu thương, sẻ chia, truyền cảm hứng. Có thể một hoài niệm, nhắc nhớ, gợi ý. Có thể có một giá trị lịch sử, văn hóa nào đó không chừng!

Bởi trong cuốn sách cũ vốn đã chứa bao điều đặc biệt, khác thường rồi. Thêm một vài điều nữa thì càng tốt chứ sao!

Nguyễn Minh Hải

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202408/trong-nhung-quyen-sach-cu-2e26a03/
Zalo