Vì sao chỉ hoàn thành 16% mục tiêu xây 130.000 căn nhà xã hội?
Bộ Xây dựng cho biết, cả nước chỉ hoàn thành 21.000 căn nhà ở xã hội (tương ứng khoảng 16%) so với mục tiêu phát triển 130.000 căn trong năm 2024.
Tại báo cáo tổng kết công tác năm 2024, Bộ Xây dựng thông tin về tình hình triển khai đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030.
Theo Bộ Xây dựng, cả nước không hoàn thành chỉ tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2024, mức hoàn thành được mới là 21.000 căn nhà ở xã hội, tương ứng hơn 16% kế hoạch.
Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 644 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô trên 580.100 căn.
Trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 96 dự án với quy mô hơn 57.600 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 133 dự án với quy mô hơn 110.200 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 415 dự án với quy mô hơn 412.200 căn.
Trong năm 2025, Bộ Xây dựng đề ra kế hoạch, nhiệm vụ hoàn thành số lượng căn hộ nhà ở xã hội ước tính trên 100.000 căn.
Về việc thực hiện gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33 cho loại hình nhà ở xã hội cũng rất hạn chế. Theo Bộ Xây dựng, đến nay mới có 36 trong số 63 UBND tỉnh có văn bản, công bố dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử. Trong đó, 16 dự án ký hợp đồng tín dụng cho vay với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.727 tỷ đồng.
Trong năm qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Đồng thời, Bộ cũng đã đề nghị Bộ Công an và Quốc phòng thực hiện 5.000 căn nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang mỗi đơn vị. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách Xã hội để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội tại Hà Nội.
Thủ tướng yêu cầu cắt giảm thủ tục
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 130 về việc đôn đốc tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nhà ở xã hội.
Thực hiện thủ tục hành chính giao đất, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội theo hướng rút gọn, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch.
Về quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Thủ tướng yêu cầu rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, bao gồm nhà lưu trú công nhân và nhà ở lực lượng vũ trang nhân dân.
Cùng với đó, cần thực hiện nghiêm quy định về việc dành quỹ đất làm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung triển khai thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030"; hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội được giao trong năm 2024; đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm.
“Đối với các dự án đã khởi công xây dựng, thường xuyên đôn đốc để sớm hoàn thành dự án, tổ chức nghiệm thu, sớm đưa vào sử dụng. Đối với các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, khẩn trương triển khai các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật; cấp phép xây dựng;... để sớm nhất khởi công, xây dựng”, Thủ tướng yêu cầu.