Vì sao chất lượng phim Hoa ngữ ngày càng kém?
Hiện nay, những bộ phim Hoa ngữ được đánh giá cao về chất lượng thật sự rất hiếm.
Khoảng thời điểm từ trước năm 2015, Trung Quốc có một đế chế phim ảnh nằm trong top đầu châu Á và thậm chí còn được mệnh danh là “Hollywood của phương Đông”. Đáng tiếc trong vài năm trở lại đây, thị trường phim truyền hình Hoa ngữ đang ngày càng xuống cấp khi không có nhiều tác phẩm chất lượng được lên sóng, thậm chí còn thua kém hẳn so với Hàn Quốc. Lý do gì khiến chất lượng phim Hoa ngữ ngày càng kém như vậy?
Sản xuất theo "dây chuyền"
Thời gian gần đây, Cnet đã có thêm một “thuật ngữ” mới khi nói đến phim ảnh, đó là “sản xuất theo dây chuyền”. Được biết, những bộ phim sản xuất theo “dây chuyền” này đa phần đều được áp dụng cho thần tượng – một thể loại phim được giới trẻ ưa chuộng hiện nay.
Công thức để sản xuất một dự án chuẩn “dây chuyền” chính là kịch bản chuyển thể từ những nguyên tác nổi tiếng và sau đó sẽ mời các diễn viên lưu lượng tham gia. Nhà sản xuất sẽ dựa vào độ hot của nguyên tác và diễn viên để kéo một lượng khán giả xem phim, từ đó dễ dàng có đạt được thành công.
Dĩ Ái Vi Doanh hay Khói Lửa Nhân Gian Của Tôi đều được đánh giá là những bộ phim sản xuất theo công thức “dây chuyền” này. Năm ngoái, cả Dĩ Ái Vi Doanh lẫn Khói Lửa Nhân Gian Của Tôi nằm trong top những bộ phim có rating cao nhất đài Hồ Nam, độ nổi tiếng không có gì phải bàn và còn kiếm về cho nhà sản xuất bộn tiền.
Nhưng thực tế, 2 bộ phim Hoa ngữ này bị đánh giá rất thấp từ kịch bản cho đến diễn xuất, chất lượng có thể coi là cực kém. Đặc biệt là Khói Lửa Nhân Gian Của Tôi, những tình tiết lệch lạc về tam quan khiến cho khán giả khó chịu, đến mức phim chỉ được chấm 2.8 điểm trên Douban.
Kịch bản không được đầu tư
Chính vì sản xuất theo “dây chuyền” nên kịch bản của các bộ phim hầu như không được trau chuốt. Các biên kịch của Trung Quốc hiện nay được đánh giá là quá lười khi họ bị phụ thuộc vào nguyên tác thay vì động não suy nghĩ và sáng tạo ra một cốt truyện mới.
Trong năm 2023 – 2024, Lạp Tội Đồ Giám hay Nhất Niệm Quan Sơn là những bộ phim hiếm hoi có xuất phát điểm từ kịch bản gốc, tuy nhiên 2 dự án này lại nhận về khá nhiều bình luận tích cực của khán giả. Điều này cho thấy, chỉ cần các biên kịch tâm huyết thì những kịch bản xuất sắc vẫn sẽ có thôi.
Không chỉ có biên kịch lười mà các nhà sản xuất, nhà đầu tư còn là những người khiến cho chất lượng kịch bản đi xuống. Có những nguyên tác được khen ngợi rất nhiều nhưng sau khi lên màn ảnh thì kịch bản lại như “nồi thập cẩm”, hết thay đổi tình tiết rồi lại tăng đất diễn cho diễn viên phụ, cuối cùng khiến mọi thứ “loạn cào cào”. Thanh Vân Chí cho đến Độ Hoa Niên vừa mới chiếu chính là ví dụ điển hình cho những phim có nguyên tác hay nhưng lại “nát” khi chuyển thể.
Bị hạn chế trên nhiều phương diện
Kể từ năm 2021 cho đến nay, Tổng cục Phát thanh Truyền hình Trung Quốc (gọi tắt là Quảng Điện) đã tiến hành cấm rất nhiều thể loại phim, từ xuyên không, cung đấu rồi cả đam mỹ/tình huynh đệ nữa. Vốn dĩ, đây đều là những thể loại phim được khán giả rất yêu thích nhưng cuối cùng lại không thể chiếu hoặc được sản xuất nữa.
Nhất là phim tình huynh đệ (chuyển thể từ những nguyên tác đam mỹ nhưng đã lược bỏ yếu tố tình cảm) cũng bị Quảng Điện cho nằm kho vô thời hạn chỉ vì trái với thuần phong mỹ tục đã khiến nhiều nền tảng rơi vào cảnh lỗ nặng.
Khán giả cũng cảm thấy thắc mắc khi cung đấu bị cấm tiệt tại đất nước tỷ dân. Lý do khiến những bộ phim cung đấu bị bài trừ tại Trung Quốc là vì xuyên tạc lịch sử một cách trầm trọng. Thay vì cho cung đấu “đi đày” như vậy, Quảng Điện có thể yêu cầu các nhà sản xuất không dùng bối cảnh lịch sử để làm nền cho các màn đấu đá của phi tần hậu cung mà tự “chế” ra một vương triều riêng biệt. Đáng tiếc, Quảng Điện nhất quyết không mở ra cho cung đấu một con đường, vậy là một thể loại phim hấp dẫn cũng đã bị chôn vùi.
Năng lực yếu kém của diễn viên
Trước đây, các diễn viên muốn có được vai diễn thì cần phải đi casting và dùng năng lực của mình chinh phục phía nhà sản xuất. Nhưng phim Hoa ngữ hiện tại tuyển diễn viên quá mức dễ dàng, chỉ cần có lưu lượng và độ nổi tiếng cao thì kịch bản sẽ tìm đến tận cửa, thậm chí còn được tự mình quyết định thù lao.
Chính vì có phim và thù lao đến tay thuận lợi như vậy nên các diễn viên cũng chẳng còn mặn mà với việc nâng cao diễn xuất nữa. Họ không nghiên cứu nhân vật, bối cảnh câu chuyện như các bậc tiền bối như Củng Lợi, Lương Triều Vỹ hay Chương Tử Di vẫn làm.
Hồi đầu năm nay, Dương Mịch bị chỉ trích toàn mạng vì diễn xuất kém cỏi trong Cáp Nhĩ Tân 1944. Xuất thân là sao nhí, đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề nhưng diễn xuất của Dương Mịch lại kém dần theo thời gian. Dương Dương và Dương Tử cũng là những ngôi sao thâm niên trong nghề nhưng họ thường xuyên bị khán giả phàn nàn về năng lực. Hay một ngôi sao mới nổi như Trương Lăng Hách, diễn xuất kém nhưng chẳng chịu nâng cao tay nghề mà vào đoàn phim liên tục, bảo sao phim nào anh tham gia cũng flop.
Hiện nay, phim truyền hình Trung Quốc đang trải qua thời kỳ giá lạnh, nguyên nhân chính là do chưa thể khắc phục được những yếu tố trên. Nếu Quảng Điện không có những biện pháp cụ thể thay đổi tình hình này, chỉ e cả Trung Quốc Đại Lục sẽ nối gót TVB, từ một thời huy hoàng rồi đã nhanh chóng suy yếu đến mức không nhận ra.