Vì sao các tập đoàn công nghệ 'đặt cược' vào điện hạt nhân
Hợp tác giữa các 'ông lớn' công nghệ và startup điện hạt nhân không chỉ mang lại hy vọng về nguồn năng lượng bền vững mà còn mở ra kỷ nguyên mới cho trí tuệ nhân tạo (AI).
Năng lượng hạt nhân đang nhận được sự ủng hộ ngày càng lớn từ cả giới chính trị và công nghệ, theo CNN.
Tại Hội nghị khí hậu COP28 năm 2023, Mỹ cùng hơn 20 quốc gia khác đã cam kết tăng gấp 3 công suất năng lượng hạt nhân toàn cầu vào năm 2050.
Google, Amazon, Microsoft và Meta là những "gã khổng lồ" công nghệ nổi bật đang khám phá hoặc đầu tư vào các dự án năng lượng hạt nhân. Ngoài ra, Tổng giám đốc điều hành OpenAI - Sam Altman; nhà sáng lập Microsoft - Bill Gates cũng đang điều hành các startup về năng lượng hạt nhân.
Trước áp lực từ nhu cầu năng lượng của các trung tâm dữ liệu và các mô hình AI, động thái của các tập đoàn công nghệ lớn đánh dấu sự khởi đầu cho một xu hướng mới trong toàn ngành.
Các khoản đầu tư gần đây của ngành công nghệ được coi là sự khởi đầu của một “cuộc hồi sinh năng lượng hạt nhân”, có tiềm năng thúc đẩy một cuộc cách mạng năng lượng tại Mỹ và trên toàn cầu.
AI và cuộc khủng hoảng nhu cầu điện
Sự gia tăng của các trung tâm dữ liệu tiêu tốn năng lượng để duy trì việc số hóa, đặc biệt là công nghệ AI và điện toán đám mây đang khiến nhu cầu năng lượng có thể sớm vượt quá khả năng cung cấp.
Đây là một vấn đề lớn đối với các công ty công nghệ, những người đang hy vọng AI sẽ cách mạng hóa mọi khía cạnh của cuộc sống và công việc.
Theo Bộ Năng lượng Mỹ, việc sử dụng điện toàn cầu có thể tăng tới 75% vào năm 2050, trong đó tham vọng AI của ngành công nghệ là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy sự gia tăng này, CNBC cho biết.
Nhu cầu điện của các trung tâm dữ liệu tại Mỹ đã tăng 50% từ năm 2020 và hiện chiếm 4% tổng mức tiêu thụ năng lượng quốc gia. Theo UBS, con số này có thể đạt 9% vào năm 2030.
Đồng thời, JPMorgan dự báo rằng nhu cầu năng lượng tại Mỹ sẽ tăng 13% đến 15% mỗi năm cho đến năm 2030, khiến điện có nguy cơ trở thành “tài nguyên khan hiếm hơn”.
Trong khi đó, các trung tâm dữ liệu cần nguồn điện liên tục 24/7, điều mà năng lượng mặt trời hoặc gió khó đáp ứng. Chính vì vậy, sau nhiều năm tập trung vào năng lượng tái tạo, các công ty công nghệ lớn đang chuyển hướng sang năng lượng hạt nhân vì khả năng cung cấp năng lượng khổng lồ một cách hiệu quả và bền vững.
Các trung tâm dữ liệu phục vụ AI và điện toán đám mây đang phát triển đến mức chúng có thể tiêu thụ lượng điện năng lớn hơn cả một số thành phố.
Tại Mỹ, một trung tâm dữ liệu có nhu cầu điện cao nhất là 1 GW, tương đương với mức tiêu thụ trung bình hàng năm của khoảng 700.000 ngôi nhà hoặc một thành phố có khoảng 1,8 triệu người, CNBC phân tích dựa trên dữ liệu của Bộ Năng lượng và Cơ quan Thống kê Dân số Mỹ.
“Việc có thêm một trung tâm dữ liệu mới với lượng tiêu thụ điện ngang bằng Chicago không đơn giản chỉ là xây dựng thêm một cơ sở, họ cần phải hiểu rõ nhu cầu năng lượng của mình”, Mark Nelson, Giám đốc điều hành của Radiant Energy Group, nhận xét.
“Nhu cầu đó là nguồn điện ổn định, liên tục, hoạt động 24/7, suốt 365 ngày trong năm”, ông nhấn mạnh.
Chìa khóa cho tương lai không carbon
Nhiều chuyên gia đánh giá rằng khoản đầu tư từ các công ty công nghệ không chỉ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy nguồn năng lượng sạch, mà còn giúp chống lại biến đổi khí hậu.
Khi các nhà lãnh đạo trong cuộc đua AI tiếp tục thúc đẩy tiến bộ công nghệ và triển khai quy mô lớn, nhiều người nhận ra rằng nhu cầu khổng lồ và sự phụ thuộc của các trung tâm dữ liệu vào điện năng đang mâu thuẫn với mục tiêu bền vững mà các công ty công nghệ đã cam kết.
Vì vậy, đầu tư vào điện hạt nhân cũng là một phương án để các ông lớn công nghệ tuân thủ cam kết của mình trong việc giảm phát thải.
Megan Wilson, Giám đốc chiến lược tại General Fusion - startup về điện hạt nhân ở Canada được Amazon đầu tư, chia sẻ với CNN rằng sự quan tâm của các công ty công nghệ đối với năng lượng hạt nhân phản ánh nhu cầu cấp thiết về một nguồn năng lượng sạch, ổn định, không phát thải carbon dioxide và methane, đồng thời đáng tin cậy và giá cả phải chăng.
Dù General Fusion vẫn đang trong giai đoạn chứng minh tính khả thi của công nghệ, Wilson cho biết năng lượng nhiệt hạch (fusion) được kỳ vọng an toàn hơn năng lượng phân hạch (fission). Bởi lẽ, nó dựa trên việc kết hợp các nguyên tử thay vì tách rời chúng, khiến quá trình này “rất khó bắt đầu và cực kỳ dễ dừng lại”.
Trong tương lai, General Fusion kỳ vọng các nhà máy điện của công ty sẽ có mức bức xạ tương đương với một bệnh viện sử dụng đồng vị phóng xạ hoặc khoa điều trị ung thư, Wilson nói thêm.
Đại diện TerraPower - công ty năng lượng hạt nhân của Bill Gates - nhấn mạnh: “Thế giới rõ ràng cần nhiều nguồn năng lượng không phát thải carbon và đáng tin cậy hơn. Năng lượng hạt nhân tiên tiến đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cả khu vực công và tư đạt được mục tiêu khử carbon, đặc biệt khi nhu cầu năng lượng tăng theo cấp số nhân".
Các nghiên cứu cho thấy sẽ không thể đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 nếu không tích hợp năng lượng hạt nhân vào danh mục năng lượng. “Bất kỳ ai nghiêm túc về mục tiêu này đều cần phải lên kế hoạch để đưa năng lượng hạt nhân vào sử dụng”, đại diện của TerraPower kết luận.
“Những gì chúng ta đang thấy là năng lượng hạt nhân có rất nhiều lợi ích”, ông Michael Terrell, Giám đốc cấp cao về năng lượng và khí hậu tại Google, cho biết. “Đó là nguồn điện không phát thải carbon. Đó là nguồn điện luôn có thể bật và chạy mọi lúc. Và nó tạo ra tác động kinh tế to lớn”, ông Terrell nói thêm.
Những lo ngại về quy định an toàn
Dù các lãnh đạo công nghệ đã chỉ ra rằng năng lượng hạt nhân là giải pháp thiết yếu cho một tương lai thân thiện với môi trường, một số chuyên gia ngành công nghiệp vẫn đặt câu hỏi liệu các khoản đầu tư có thực sự mang lại lợi ích cho công chúng hay chỉ nhằm bảo vệ khả năng vận hành của các tập đoàn công nghệ.
“Các công ty công nghệ đang quan tâm đến lợi ích của chính họ, và việc các nhà cung cấp năng lượng hạt nhân có thể bán thêm nhà máy cho công chúng hay không lại là một câu hỏi khác”, Sharon Squassoni, Giáo sư nghiên cứu tại Đại học George Washington, người đã nghiên cứu về năng lượng hạt nhân và chính sách liên quan, nhận định.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia lo ngại rằng các khoản đầu tư lớn vào năng lượng hạt nhân của các “ông lớn” công nghệ có thể dẫn đến việc đẩy lùi các quy định an toàn, ngay cả khi chúng được thiết kế để bảo vệ cộng đồng.
“Vấn đề ở đây là các tập đoàn lớn tại Thung lũng Silicon, với tầm ảnh hưởng và quyền lực của mình, có thể đạt được rất nhiều điều họ muốn. Tuy nhiên, thái độ của ngành này trước tiên vẫn là chống lại bất kỳ quy định nào cản trở kế hoạch của họ”, Edwin Lyman, Giám đốc an toàn năng lượng hạt nhân tại Union of Concerned Scientists, nhận xét.
“Tôi rất lo ngại rằng các quy tắc an toàn và an ninh vốn cực kỳ cần thiết để bảo vệ công chúng có thể bị tổn hại nghiêm trọng”, Lyman nói thêm.