Khả năng đặc biệt của hệ thống THAAD trong đánh chặn tên lửa

Với khả năng phát hiện và vô hiệu hóa mục tiêu ở khoảng cách 2.000 km, THAAD không chỉ là 'con bài chiến lược' mà còn gửi thông điệp mạnh mẽ về sức mạnh công nghệ quân sự của Mỹ.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ được triển khai tại Israel. Ảnh: AFP/TTXVN

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ được triển khai tại Israel. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Tiến sĩ Yehoshua Kalisky, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) có trụ sở tại Israel ngày 1/1, việc đánh chặn một trong những tên lửa đạn đạo được phóng từ Yemen bởi hệ thống THAAD (Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối - Terminal High Altitude Area Defense) của Mỹ đã tạo ra sự quan tâm đáng kể trong khu vực.

Điều này chủ yếu là vì nó đánh dấu lần hoạt động đánh chặn đầu tiên của hệ thống kể từ khi triển khai ở Israel nhưng cũng đặt ra câu hỏi vì vụ đánh chặn không được thực hiện bởi các hệ thống phòng thủ của Israel.

THAAD, giống như hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Israel, được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung (khoảng 200 km) thông qua việc tấn công trực tiếp vào mục tiêu, ở bên ngoài hoặc bên trong khí quyển. Ưu điểm chính của hệ thống nằm ở radar tiên tiến và mạnh mẽ, được phát triển bởi Raytheon.

Radar độc đáo này, được tích hợp với các hệ thống chỉ huy và điều khiển tiên tiến, hoạt động ở tần số cao, cho phép phát hiện và theo dõi tên lửa đạn đạo ở phạm vi khoảng 2.000 km. Khả năng này cho phép phát hiện sớm, lập bản đồ quỹ đạo chính xác và đánh chặn hiệu quả trong giai đoạn đầu quỹ đạo bay của tên lửa tấn công.

THAAD có thể cập nhật theo thời gian thực và đồng thời theo dõi tới 7 mục tiêu để đánh chặn mối đe dọa quan trọng nhất. Bản thân tên lửa đánh chặn là loại có khả năng cơ động tiên tiến (động cơ đẩy vector) và đầu đạn linh hoạt có khả năng hoạt động ở nhiều độ cao khác nhau. Ngoài ra, nó còn được trang bị hệ thống liên lạc và cảm biến tinh vi để thu thập mục tiêu chính xác.

Một lợi thế khác của THAAD là tính cơ động của nó. Nó có thể được vận chuyển bằng máy bay chở hàng, triển khai nhanh chóng và triển khai linh hoạt tại các địa điểm khác nhau trên toàn thế giới. Ở Israel, THAAD bổ sung cho lớp phòng thủ hiện có, bao gồm các hệ thống Arrow 2 (Mũi tên 2), Arrow 3, David's Sling và Iron Dome (Vòm sắt), cung cấp thêm một lớp phòng thủ.

So sánh giữa dữ liệu hiệu suất công khai của hệ thống phòng thủ Israel và THAAD làm nổi bật những điểm tương đồng đáng kể. Tuy nhiên, điểm độc đáo của THAAD là radar cực kỳ mạnh mẽ, cho phép phát hiện sớm ở khoảng cách xa trong khi lọc ra "các mục tiêu không liên quan" để tạo ra bản đồ mối đe dọa chính xác.

Việc tích hợp hệ thống này vào hệ thống phòng thủ của Israel không chỉ là đóng góp đáng kể về mặt hoạt động mà còn là một thông điệp chính trị rõ ràng tới bất kỳ đối thủ nào trong khu vực.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo inss.org.il)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/vu-khi-khi-tai/kha-nang-dac-biet-cua-he-thong-thaad-trong-danh-chan-ten-lua-20250102153556833.htm
Zalo