Vì sao bàn đạp ga ô tô thường làm bằng nhựa?

Với sự phát triển của hệ thống bướm ga điện tử, bàn đạp ga ô tô ngày nay thường được làm bằng nhựa nhằm giảm chi phí giá thành và trọng lượng cho chiếc xe.

Trước kia hệ thống bướm ga ô tô thuần cơ khí được dẫn động bởi cơ cấu tay đòn của cụm chân ga bằng dây cáp, vị trí bàn đạp ga càng sâu thì góc mở bướm ga càng lớn.

Để đảm bảo tính chịu lực nên vào thời điểm này cơ cấu tay đòn của cụm chân ga thường được chế tạo bằng kim loại.

Ngày nay hệ thống bướm ga cơ khí đã dần bị loại bỏ, thay vào đó là những hệ thống bướm ga điện tử tiên tiến.

Trên hệ thống này bướm ga được điều khiển bởi mô-tơ điện, góc mở bướm ga sẽ phụ thuộc vào cảm biến vị trí bàn đạp ga, lúc này bàn đạp ga đóng vai trò như một chiếc công tắc.

Do thay đổi về cơ cấu truyền động, bàn đạp ga không còn phải chịu nhiều lực như trước kia nên chúng dần được các nhà sản xuất ô tô thay đổi vật liệu chế tạo.

Bàn đạp ga được làm từ nhựa nhằm giảm giá thành và trọng lượng cho chiếc xe. Ảnh minh họa.

Bàn đạp ga được làm từ nhựa nhằm giảm giá thành và trọng lượng cho chiếc xe. Ảnh minh họa.

Cơ cấu tay đòn của cụm chân ga thay vì được chế tạo bằng kim loại thì ngày nay chúng được làm từ vật liệu nhựa tổng hợp composite vẫn đảm bảo độ cứng vững nhưng giảm được trọng lượng và chi phí giá thành.

Tiến sĩ Klaus Vonberg, chuyên gia thiết kế trọng lượng cho biết, cấu trúc composite giúp bàn đạp ga có trọng lượng nhẹ hơn 50% so với thiết kế thép tương đương. Tuy vậy cấu trúc này vẫn đảm bảo tính chịu tải nhờ vào cấu trúc lớp sợi.

Ngày nay, các hãng sản xuất ô tô dần mở rộng chiến dịch điện khí hóa sản phẩm của mình, trọng lượng ngày càng trở nên quan trọng khi nó quyết định tới phạm vi hoạt động của những chiếc xe điện.

Vì vậy, không chỉ bàn đạp ga mà ngay cả những bàn đạp phanh cũng được một số hãng ô tô chuyển sang dùng vật liệu nhựa tổng hợp.

Mạnh Hưng

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/vi-sao-ban-dap-ga-o-to-thuong-lam-bang-nhua-192240920095623431.htm
Zalo