Vì sao bà Kamala Harris chọn chiến lược khác bà Hillary Clinton?

Trong khi chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton 8 năm về trước nhấn mạnh yếu tố giới tính, ứng viên Dân chủ Kamala Harris ít nhắc đến chủ đề này hơn.

 Dù cùng là các nữ ứng viên của đảng Dân chủ, cách tiếp cận của bà Harris và bà Clinton có nét khác biệt. Ảnh: Washington Examiner.

Dù cùng là các nữ ứng viên của đảng Dân chủ, cách tiếp cận của bà Harris và bà Clinton có nét khác biệt. Ảnh: Washington Examiner.

Trong các bài phát biểu và quảng cáo chính trị, bà Harris không đề cập nhiều đến thực tế bà là người phụ nữ da màu đầu tiên trở thành ứng viên của một đảng phái lớn.

Thay vào đó, bà nhắc nhiều hơn tới tuổi thơ được nuôi dưỡng trong một gia đình trung lưu, cũng như quãng thời gian hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, Politico chỉ ra.

Đây là sự khác biệt rõ rệt với bà Hillary Clinton trước đây: Khi vận động tranh cử hồi năm 2016, bà Clinton nhấn mạnh yếu tố giới tính - thể hiện qua bộ trang phục trắng, diễn ngôn về “rào cản vô hình” với phụ nữ và khẩu hiệu tranh cử: “Tôi ở bên Cô ấy” (I’m with Her).

Thay vì giọng điệu lạc quan về viễn cảnh “nữ tổng thống đầu tiên” hồi năm 2016, phe Dân chủ tiếp cận vấn đề giới tính theo cách khác: Tập trung vào quyền phá thai của phụ nữ, vốn bị đe dọa sau phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ năm 2022.

“Đây là thời điểm các quyền cơ bản của phụ nữ đang bị đe dọa”, Thượng nghị sĩ bang California Laphonza Butler, đồng minh thân cận của bà Harris, nói, theo New York Times. “Điều này không giảm nhẹ tầm quan trọng của sắc tộc hay giới tính. Ở thời điểm lịch sử này của đất nước, cuộc bầu cử này quan trọng hơn sắc tộc và giới tính của bất cứ ai”.

Hướng đến quyền phá thai

Tám năm về trước, tâm trạng chung của phe Dân chủ là lạc quan. Họ hoàn toàn không nghĩ đến viễn cảnh Tổng thống Donald Trump sẽ chiến thắng, lại càng không nghĩ đến khả năng Tòa án Tối cao Mỹ - với các thẩm phán được ông Trump bổ nhiệm - sẽ ra phán quyết góp phần hạn chế quyền phá thai.

“Năm 2016, mọi người cảm thấy họ có sở hữu điều xa xỉ là bình đẳng trước pháp luật, cũng như quyền tự do sinh sản được quy định trong luật. Tôi nghĩ nhiều người không nhận ra nguy cơ trước mắt”, Thượng nghị sĩ Kirsten Gillibrand (New York) tuyên bố.

Trong đại hội đảng Dân chủ vừa qua, các đảng viên Dân chủ khẳng định rõ quyền phá thai sẽ là một trong những vấn đề trung tâm của cuộc bầu cử năm nay.

“Các quyền của chúng ta đã bị vi phạm quá nghiêm trọng tại các bang ‘đỏ’ (bang do đảng Cộng hòa kiểm soát - PV) trên khắp đất nước. Hồi chuông cảnh báo đã reo lên”, bà Gillibrand nói. “Nói thật thì việc bà ấy (bà Harris - PV) là phụ nữ không quan trọng. Quan trọng là bà ấy sẵn sàng đấu tranh. Và việc bà ấy cũng là phụ nữ là điều tuyệt vời”.

Hàng loạt diễn giả cũng đề cập đến khả năng bà Harris sẽ ghi dấu lịch sử với tư cách nữ tổng thống Mỹ đầu tiên. Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton gọi nỗ lực của bà Harris là sự tiếp nối những gì bà đã cố gắng trước đó: Phá vỡ “rào cản vô hình cao nhất và khó khăn nhất”.

“Ở bên kia rào cản đó là Kamala Harris đang giơ tay tuyên thệ trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ”, bà Clinton nói giữa tiếng pháo tay hôm 19/8.

Tuy nhiên, bản thân bà Harris không đề cập rõ ràng đến vấn đề giới tính như vậy. Thay vào đó, bà khéo léo lồng ghép vào câu chuyện bản thân từng được cổ vũ “có thể là bất cứ ai và làm bất cứ điều gì” khi còn là một đứa trẻ.

Khi chấp nhận đề cử của đảng Dân chủ, bà Harris cũng mặc bộ đồ màu đen thể hiện cho quyền lực, thay vì bộ đồ màu trắng thường gắn với phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ - cũng là trang phục bà Clinton đã mặc 8 năm về trước. Bà Harris tuyên bố hành động của mình “đại diện cho mọi người Mỹ, bất kể đảng phái, sắc tộc, giới tính hay ngôn ngữ mà bà của các bạn nói”.

Chiến lược của bà Harris thường được so sánh với ông Barack Obama trong cuộc bầu cử năm 2008. Dù hưởng lợi từ sự hào hứng trong cộng đồng người Mỹ da màu, ông Obama khi đó ít khi nhắc đến sắc tộc của mình mà nhắm nhiều hơn đến nhóm cử tri da trắng ở các bang chiến địa như Pennsylvania, Wisconsin và Michigan.

 Các nữ đại biểu tại đại hội đảng Dân chủ, tổ chức tại Chicago đầu tuần qua. Ảnh: New York Times.

Các nữ đại biểu tại đại hội đảng Dân chủ, tổ chức tại Chicago đầu tuần qua. Ảnh: New York Times.

“Người phụ nữ đầu tiên”

Đối với một số cử tri, “tính đại diện” cho nữ giới của bà Harris là động lực quan trọng. Tuy nhiên, một số người khác không muốn giới tính của bà Harris trở thành trung tâm của cuộc bầu cử.

“Đôi khi tôi cảm thấy rằng nếu nói về ‘người phụ nữ đầu tiên’, yếu tố ‘người phụ nữ đầu tiên’ sẽ trở thành trọng tâm”, bà Cherelle Parker, thị trưởng nữ đầu tiên của thành phố Philadelphia, nói. “Đây là điều rất quan trọng. Nhưng cũng đừng quên chúng ta cần đảm bảo bà ấy có thể chuẩn bị tốt trước mọi cơ hội”.

Nhiều nữ chính trị gia Dân chủ ca ngợi chiến dịch của bà Hillary Clinton 8 năm về trước đã giúp người Mỹ quen với hình ảnh của một nữ ứng viên tổng thống, qua đó giúp bà Harris có cơ hội thể hiện bản thân trên nhiều khía cạnh khác.

Trong bối cảnh ông Trump từng dấy lên câu hỏi về sắc tộc của bà Harris, đảng Dân chủ cũng đã chuẩn bị cho viễn cảnh nhà lãnh đạo của mình bị tấn công về giới tính hay sắc tộc.

Cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã lên tiếng cảnh báo đảng Dân chủ không thể tự mãn vì vẫn còn có nhiều người “sẵn sàng chất vấn và chỉ trích mọi hành động của Kamala, những người sẵn sàng lan truyền tin giả, những người không muốn bỏ phiếu cho phụ nữ”.

Về phần mình, ông Trump dường như cũng đã nhận ra bản thân đang bị phe Dân chủ rơi vào thế phòng ngự trong vấn đề quyền phá thai.

“Chính quyền của tôi sẽ là điều tốt đẹp với phụ nữ và quyền sinh sản”, ông viết trên mạng xã hội Truth Social.

Hà Thủy

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-ba-kamala-harris-chon-chien-luoc-khac-ba-hillary-clinton-post1493907.html
Zalo