Vì sao 8 năm liên tiếp không có ngày 30 Tết?

Việc 8 năm liền Tết Nguyên đán không có ngày 30 Tết không gây ảnh hưởng gì tới chu kỳ thời tiết mà chỉ liên quan tới thói quen sinh hoạt và chuẩn bị cho những ngày Tết.

Vì sao 8 năm nữa mới có ngày 30 Tết?

Tết Ất Tỵ là năm bắt đầu chuỗi 8 năm Âm lịch liên tiếp mà tháng Chạp chỉ có 29 ngày, đến tận năm 2032. Đến Tết Nguyên đán Quý Sửu 2033 mới có lại ngày 30 Tết. Vì sao 8 năm liền Tết Nguyên đán không có 30 Tết?

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) cho biết đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên do quy luật sắp xếp của Âm Lịch.

Phải đến 8 năm nữa mới có ngày 30 Tết.

Phải đến 8 năm nữa mới có ngày 30 Tết.

Âm lịch được tính theo chu kỳ quay của Mặt trăng. Ánh sáng của Mặt trăng mà chúng ta nhìn thấy là sự phản xạ một phần ánh sáng nhận được từ Mặt trời. Mặt trăng di chuyển quanh Trái Đất nên không phải chúng ta luôn nhìn thấy toàn bộ mặt được chiếu sáng của nó, vì vậy mà có những pha tròn, khuyết...

Thời gian Mặt trăng quay quanh Trái đất không phải đúng 30 ngày, cũng không phải đúng 29 ngày mà là xấp xỉ 29,53 ngày, nên các tháng Âm lịch sẽ luân phiên có 29 hoặc 30 ngày để bù trừ sao cho khớp với chu kỳ.

8 năm nữa mới có ngày 30 Tết do cách tính của Âm lịch.

8 năm nữa mới có ngày 30 Tết do cách tính của Âm lịch.

Để tính chuẩn, các nhà thiên văn phương Đông chọn mốc là thời điểm hoàn toàn không trăng mỗi tháng - gọi là điểm "sóc". Đó là khi Mặt trăng ở vị trí mà toàn bộ phần được chiếu sáng của nó không hướng chút nào về phía Trái đất (trong tiếng Anh gọi là "New Moon"/Trăng mới).

Các nhà lịch pháp quy ước, điểm sóc này rơi vào ngày nào thì ngày đó được chọn là mùng 1 của tháng Âm lịch. Nếu điểm sóc rơi vào ngay sau ngày 30 thì đó là tháng đủ, còn điểm sóc rơi vào sau ngày 29 thì đó là tháng thiếu.

Theo các tính toán chính xác của thiên văn học, mồng 1 tháng Chạp của năm Giáp Thìn có điểm sóc rơi vào 5h26 ngày 31/12/2024 (giờ Hà Nội). Nếu cộng thêm 29,53 ngày thì chúng ta thấy rằng điểm sóc tiếp theo là khoảng hơn 18h ngày 29/1/2025 (thực tế là 19h35, do còn nhiều yếu tố khác gây ra dao động trong độ dài của chu kỳ Mặt trăng).

Vậy nên, ngày 29/1/2025 trở thành ngày đầu tiên của tháng 1 Âm lịch, là ngày đầu năm mới Ất Tỵ. Ngày ngay trước đó là 29 tháng Chạp, nói cách khác, ngày 29 trở thành ngày cuối cùng của năm cũ.

Cách tính tương tự thêm 29,53 ngày mỗi tháng như vậy cho ra kết quả tương đối chính xác về ngày đầu năm của các năm tiếp theo. Sự trùng hợp trong những năm tới nằm ở chỗ cho tới tận khi kết thúc năm Tân Hợi (đầu năm 2032, chuẩn bị sang năm Nhâm Tý), Tết Nguyên đán sẽ luôn chỉ có ngày 29 Tết.

"Trên thực tế, đây hoàn toàn chỉ là trùng hợp, được tính ra bằng phép cộng nêu trên. Ngoài tính toán, các chuyên gia cũng hiệu chỉnh điểm sóc bằng việc quan sát thiên văn", ông Đặng Vũ Tuấn Sơn cho biết.

Hiện tượng không có gì đặc biệt

Ông Phạm Vũ Lộc, nghiên cứu viên tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam cho biết, với trình độ tính toán ngày nay, độ chính xác của các thông số có thể vượt qua hàng giây. Việc độ dài tuần trăng và điểm sóc thay đổi từng tháng phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên không thể định ra quy luật mà phải tính toán chính xác theo thực tế mỗi tháng. Không riêng gì tháng chạp, tháng âm lịch nào cũng có thể thiếu hoặc đủ.

Do đó, việc 8 năm liên tục tháng chạp thiếu cũng chỉ là một sự trùng hợp, không hề mang tính quy luật của lịch pháp. Hơn nữa, âm lịch đã được sử dụng lâu đời ở nước ta từ xưa đến nay, hiện tượng này không có gì đặc biệt. Ví dụ như từ năm Bính Thân (2016) đến năm Canh Tý (2020) liên tiếp 5 năm có tháng chạp đủ.

Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, việc 8 năm liền Tết Nguyên đán không có ngày 30 Tết không gây ảnh hưởng gì tới chu kỳ thời tiết mà chỉ liên quan tới thói quen sinh hoạt và chuẩn bị cho những ngày Tết. Việc một tháng nào đó trong năm luôn là tháng thiếu hoặc luôn là tháng đủ trong một số năm liền không hề là chuyện hiếm, chỉ có điều các tháng khác ít được chú ý tới như tháng Chạp.

Ngoài ra, theo các chuyên gia văn hóa, hiện tượng 8 năm tới chỉ có ngày 29 tháng Chạp không ảnh hưởng gì đến đời sống, văn hóa của người dân, mà chỉ được coi là một hiện tượng thú vị.

Dù tháng Chạp có 29 hay 30 ngày, người dân Việt Nam cũng coi trọng ngày cuối cùng và khoảnh khắc cuối cùng của năm Âm lịch như một thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, gọi là Giao thừa. Vì thế trong những năm tháng Chạp thiếu, nhiều người vẫn có thói quen gọi ngày 29 Tết là ngày 30 Tết, vì "30 Tết" đã trở thành khái niệm chỉ ngày cuối cùng của năm Âm lịch.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-8-nam-lien-tiep-khong-co-ngay-30-tet-169241231102928042.htm
Zalo