Di tích khảo cổ Mái Đá Điều: Cỏ mọc um tùm, biển rơi chữ...
Di tích khảo cổ Mái Đá Điều, xã Hạ Trung, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) được phát hiện năm 1984, xếp hạng di tích khảo cổ cấp tỉnh năm 2005. Tuy nhiên, khu vực này cỏ mọc um tùm nhiều năm qua.
Khu vực Mái Đá Điều, thôn Khiêng, xã Hạ Trung, huyện Bá Thước là nơi sinh sống của người Việt cổ khoảng 3.000 năm trước.
Năm 1984, các nhà khảo cổ thu hơn 300 hiện vật thời đồ đá cũ tại đây. Những năm sau, các nhà khảo cổ Việt Nam và Bulgaria khai quật 4 lần, thu nhiều hiện vật văn hóa Sơn Vi, gồm bàn nghiền và công cụ xương thú. Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy 10 mộ cổ, trong đó có 1 mộ song táng và 2 bộ xương chớm hóa thạch tương đối nguyên vẹn, hiếm thấy ở Việt Nam.
Các nhà khoa học khẳng định, từ thuở sơ khai, người Việt cổ đã sinh sống tại khu vực Mái Đá Điều và ven đôi bờ sông Mã. Năm 2005, khu di tích được UBND tỉnh Thanh Hóa xếp hạng di tích khảo cổ cấp tỉnh.
Theo ghi nhận của VietNamNet, khu di tích Mái Đá Điều hiện cỏ mọc um tùm, cổng khóa kín, nhiều chữ trên biển di tích bị rơi rụng.
Lãnh đạo địa phương cho biết, từ khi được công nhận di tích cấp tỉnh, khu di tích chỉ được đầu tư tường rào và một tấm biển. Chìa khóa cổng do trưởng thôn giữ, chỉ mở vào dịp đầu năm để dọn dẹp và làm lễ cầu may cho người dân.
Ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết di tích Mái Đá Điều do xã quản lý. Do địa phương không có kinh phí xây dựng, khu vực này chỉ được tỉnh đầu tư tường rào bao quanh.
"Mái Đá Điều là khu khảo cổ có di chỉ của người Việt cổ cách đây hàng nghìn năm, chủ yếu phục vụ nghiên cứu khoa học. Tới đây, địa phương sẽ làm việc với Phòng Quản lý di tích của Sở VH-TT&DL để được hướng dẫn và đánh giá lại. Địa phương cũng đang lập hồ sơ để Mái Đá Điều được công nhận là di tích cấp quốc gia", ông Thắng cho biết.
Một số hình ảnh ở khu di tích khảo cổ Mái Đá Điều: