Vì sao 2 cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm cùng gần 40 người khác được đề nghị giảm án?

Tất cả các bị cáo đều giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, cạnh đó hai cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm đã được VKS đề nghị giảm án.

Phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Đặng Việt Hà, Trần Kỳ Hình (2 cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam) cùng 142 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Cục đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm trên địa bàn TP.HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng đã trải qua một tuần làm việc.

HĐXX quyết định phiên tòa tạm nghỉ và sẽ được mở lại vào sáng ngày 13-1 với phần bào chữa của các luật sư bào chữa cho các bị cáo.

VKS đề nghị bác kháng cáo của 85 người

Trước đó, trong phần phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm bác kháng cáo xin giảm nhẹ của 85/144 bị cáo vì cho rằng những tài liệu, chứng cứ và tình tiết mới mà các luật sư, bị cáo cung cấp đã được áp dụng theo khoản 2 Điều 51 BLHS (các tình tiết giảm nhẹ khác), không phải các tình tiết mới nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo đối với 85 bị cáo này.

Đối với kháng nghị của VKSND TP.HCM đề nghị tăng hình phạt đối với 18 bị cáo thì tại tòa đại diện VKSND Cấp cao rút kháng nghị đối với 5 bị cáo vì cho rằng các bị cáo này hình phạt cấp sơ thẩm là đã phù hợp với tính chất, hành vi phạm tội.

 Hai cựu Cục trưởng Trần Kỳ Hình (trái) và Đặng Việt Hà (phải) đều được VKS đề nghị giảm hình phạt. Ảnh: HOÀNG GIANG

Hai cựu Cục trưởng Trần Kỳ Hình (trái) và Đặng Việt Hà (phải) đều được VKS đề nghị giảm hình phạt. Ảnh: HOÀNG GIANG

13 bị cáo bị kháng nghị còn lại bị VKS đề nghị tăng hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù.

Còn lại, đối với 41 bị cáo có kháng cáo (trong đó có cả hai cựu Cục trưởng), VKS đã đề nghị giảm từ 6 tháng đến 3 năm. Trong đó, năm bị cáo được đề nghị cho hưởng án treo gồm: Nguyễn Ngọc Hưng, Nguyễn Công Tùng, Nguyễn Đình Khoa, Lê Ngọc Lợi, Bùi Quốc Hưng.

Về lý do đề nghị chấp nhận một phần kháng cáo, giảm mức hình phạt cho các bị cáo này, theo VKS một số bị cáo có vai trò hạn chế, đã chủ động khắc phục thêm một phần/toàn bộ số tiền đã hưởng lợi. Cạnh đó, xét về nhân thân, các bị cáo đã cung cấp thêm một số tình tiết mới như: có thành tích trong công tác, học tập; có đơn xin giảm nhẹ của cơ quan, tổ chức... nên có đủ căn cứ để đề nghị như trên.

Ví dụ như bị cáo Đặng Việt Hà đã khắc phục thêm số tiền 2,6 tỉ đồng (đề nghị giảm từ 1-2 năm tù); bị cáo Trần Kỳ Hình đã nộp khắc phục số tiền còn lại là 4 tỉ đồng (đề nghị giảm từ 2-3 năm tù).

Tất cả đều xin giảm nhẹ hình phạt

Trong phần xét hỏi, các bị cáo giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

 Bị cáo Trần Anh Quân tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bị cáo Trần Anh Quân tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trong đó, bị cáo Hà nhận trách nhiệm về những sai phạm của mình với cương vị là người đứng đầu của ngành đăng kiểm. Cũng giống như tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo này nói mình không chỉ đạo cấp dưới nhận hối lộ để bỏ qua lỗi vi phạm cũng như không đòi hỏi, yêu cầu về quyền lợi riêng nào.

Tương tự, bị cáo Trần Kỳ Hình cho biết mình chỉ chịu trách nhiệm đối với số tiền hơn 7,1 tỉ đồng hưởng lợi cá nhân chứ không chịu trách nhiệm về toàn bộ số tiền cáo buộc của Cục đăng kiểm.

Còn đối với bị cáo Trần Anh Quân (Trưởng phòng VAR) thì khai nhận hối lộ mỗi một bộ hồ sơ cải tạo xe cơ giới từ 1-3 triệu đồng và cho biết khi bị cáo Hà lên giữ chức cục trưởng, Quân đã được yêu cầu “phải nâng mức hưởng lợi của cục trưởng lên mức cao nhất”.

Trong phần bào chữa và tự bào chữa, các luật sư và các bị cáo chủ yếu đưa ra các tình tiết giảm nhẹ để VKS và HĐXX xem xét.

HỮU ĐĂNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-2-cuu-cuc-truong-cuc-dang-kiem-cung-gan-40-nguoi-khac-duoc-de-nghi-giam-an-post829577.html
Zalo