Vị Quận công định hình lễ hội Lim đất Kinh Bắc

Không chỉ có tài năng về quân sự, chính trị, Quận công Đỗ Nguyễn Thụy còn là kiến trúc sư tham gia xây dựng cung điện ở Kinh đô.

Cổng vào lăng mộ Quận công Đỗ Nguyễn Thụy với 3 chữ Hán 'Phúc Thọ Môn'.

Cổng vào lăng mộ Quận công Đỗ Nguyễn Thụy với 3 chữ Hán 'Phúc Thọ Môn'.

Đặc biệt, Quận công Đỗ Nguyễn Thụy là một trong 2 người có công định hình và phát triển lễ hội Lim trên quê hương Kinh Bắc.

Ngược dòng hội Lim

Không chỉ lớn nhất Bắc Ninh, hội Lim còn là một trong 18 lễ hội lớn nhất của cả nước. Thế nhưng ít ai biết bằng, hội Lim vốn chỉ là lễ hội đình tế thần cầu phúc của các làng xã vùng Lim xưa.

Chính Quận công Đỗ Nguyễn Thụy đã định hình nên lễ hội hàng tổng và xây dựng những lệ tục của lễ hội vào mùa Xuân, tháng Giêng. Sau khoảng 300 năm những dấu tích và công trạng của vị Quận công này vẫn nguyên vẹn trên mảnh đất Kinh Bắc, và hội Lim đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Theo Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, tính chất, đặc điểm của hội Lim là lễ hội sinh hoạt văn hóa và ca hát quan họ. Thời gian diễn ra hội Lim trước đây vào ngày 14 và 15 tháng 8 âm lịch, sau mới chuyển sang ngày 13 tháng Giêng. Lễ hội Lim vốn có lịch sử rất lâu đời, và phát triển tới quy mô hàng tổng. Trên cơ sở lễ hội truyền thống của các làng trong tổng Nội Duệ - bao gồm 6 làng xã của huyện Tiên Du: Nội Duệ (gồm Đình Cả và Lộ Bao), Nội Duệ Khánh, Nội Duệ Nam, Lũng Giang, Xuân Ổ và Duệ Đông. Linh hồn của hội Lim là hai thôn Lộ Bao và Đình Cả.

Theo dư địa chí Kinh Bắc, xã Nội Duệ là vùng đất cổ, có núi, có sông tạo thế địa linh - mạch rồng thông thoáng. Cả bốn thôn của xã đều nằm trọn trong nếp uốn của dòng Tiêu Tương xưa. Bởi thế đất, thế sông thuận tiện đường giao thông thủy bộ nên Nội Duệ trở thành nơi hội tụ đa nghề, từ cấy lúa, trồng khoai, ươm tơ, dệt lụa, đến đánh bắt cá trên sông, nghề thợ ngõa (thợ nề), nghề học để thi cử, võ nghệ…

Theo các giai thoại và cả bằng chứng từ các nguồn sử liệu, bia đá thì một trong những nhân vật đầu tiên góp công vào việc hình thành lễ hội Lim phải kể đến Quận công Đỗ Nguyễn Thụy. Theo gia phả họ Đỗ làng Đình Cả, Đỗ Nguyễn Thụy là một võ quan có nhiều công trạng với triều đình nhà Lê.

Trong 20 năm làm quan trải qua nhiều chức vị quan trọng, ông được phong tước Quận công và nhiều phúc lộc. Đương thời, ông đã hiến nhiều ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ trùng tu đình chùa, mở mang hội hè, gìn giữ thuần phong mỹ tục, quy định lễ nhập tịch cầu phúc vào dịp tháng Giêng hàng năm.

Các thư tịch cũng khẳng định, Quận công Đỗ Nguyễn Thụy là người có công phát triển từ lễ hội đình tế thần cầu phúc của các làng xã vùng Lim lên lễ hội hàng tổng Nội Duệ vào dịp mùa Thu tháng Tám, sang mùa Xuân tháng Giêng - kéo dài từ ngày 11 đến 16 với sự chuẩn bị hết sức chu đáo của các xã. Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động tế lễ, rước kiệu, ca hát giao lưu giữa các làng, đặc biệt là ca hát quan họ, thi đánh cờ, dệt vải...

Thời điểm này, trung tâm lễ hội vẫn là đền và đình làng Đình Cả, chưa phải ở núi Lim nên chưa gọi là hội Lim. Về sau, Bồ đề ni (mụ Ả) - tu ở chùa Hồng Vân bỏ tiền mở mang tu bổ chùa và mua nửa còn lại của núi Hồng Vân (tức núi Lim) rồi giao các làng xã trong tổng làm hương hỏa, định lệ hàng tổng 3 năm mở hội chùa, hội chạ tại núi Hồng Vân. Từ đó hội mới có tên là hội Lim hay hội Hồng Vân sơn.

 Quận công Đỗ Nguyễn Thụy là một trong những người định hình lễ hội Lim từ tháng Tám đến tháng Giêng.

Quận công Đỗ Nguyễn Thụy là một trong những người định hình lễ hội Lim từ tháng Tám đến tháng Giêng.

Tiếng hát thờ thần

Vào ngày hội Lim, các làng Đình Cả, Lộ Bao và Xuân Ổ đến đền Cổ Lũng làm lễ nghênh thần về đình làng Đình Cả. Mỗi làng xã đem theo một mâm xôi gà, trầu cau, rượu, hương nến tới để cúng tế, sau đó ca hát cho đến ngày làm lễ tống tiễn thần. Với những năm làng xã không mở hội thì vẫn duy trì việc tế lễ theo thông lệ ở đền Cổ Lũng, còn việc ca hát để vào dịp đại lễ Trung thu.

Những quy định về việc phát triển hội Lim đó do chính Quận công Đỗ Nguyễn Thụy định hình để thực hiện, và được duy trì. Nghiên cứu của cố TS Trần Đình Luyện cũng khẳng định Quận công Đỗ Nguyễn Thụy là người xây dựng lễ tục của lễ hội vào mùa Xuân tháng Giêng, mà sau này chuyển đổi gọi là hội Lim.

Lịch sử hội Lim được truyền miệng lại với rất nhiều phiên bản khác nhau. Nguồn gốc lễ hội Lim bấy lâu nay đã có nhiều nhà nghiên cứu đề cập tới, trong đó đa số nghiên cứu đồng thuận với giả thuyết cho rằng hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi.

Dấu tích xưa để lại chính là dòng sông Tiêu Tương còn khá đậm nét ở các làng quê vùng Lim. Tuy nhiên, điều cốt lõi nhất là lễ hội Lim do ai tổ chức và thành lập thì gần như không có nghiên cứu tường tận.

Hội Lim có một phong tục đặc biệt mà chỉ Bắc Ninh mới có, đó là các sinh hoạt văn hóa hát dân ca quan họ - loại hình dân ca đã trở thành tài sản văn hóa chung của dân tộc. Hát dân ca quan họ diễn ra từ ngày 12 tháng Giêng tại Lim (sân chùa Hồng Ân và các trại quan họ) và khắp tại các chùa, đình.

Hội hát quan họ Bắc Ninh diễn ra ở bất cứ nơi đâu: Trong nhà, trên sân đình, trước cửa chùa hay bồng bềnh trên những thuyền thúng giữa ao, hồ – mô phỏng dấu tích dòng Tiêu Tương.

Liền anh khăn xếp áo the, liền chị áo mớ ba mớ bảy, nón thúng quai thao đến hẹn lại lên, gặp gỡ, đón tiếp nhau thân tình, nồng hậu, tinh tế và lịch lãm theo lề lối của người hát quan họ, bằng làn điệu dân ca đạt tới trình độ nghệ thuật cao, là sự kết hợp nhuần nhuyễn, mê đắm của thơ ca và nhạc điệu nhằm bảy tỏ tình yêu trong sáng, hết lòng vì người kia, chung thủy một lòng ngóng trông của tình yêu đôi lứa.

Chính hội là ngày 13 với các nghi thức rước, tế lễ thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng Quận công Đỗ Nguyễn Thụy. Trong các nhà thờ họ Nguyễn, họ Đỗ ở làng Đình Cả, dâng hương cúng Phật, cúng bà mụ Ả ở chùa Hồng Ân. Trong ngày lễ, có nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng, trong đó có tục hát thờ hậu.

Toàn thể quan viên, hương lão, nam đinh của các làng xã thuộc tổng Nội Duệ phải tề tựu đầy đủ tại lăng Hồng Vân để tế lễ hậu thần. Trong khi tế có nghi thức hát quan họ thờ thần.

Để hát thờ, các liền anh, liền chị hát quan họ nam và nữ của tổng Nội Duệ đứng thành hàng trước cửa lăng hát vọng vào. Trong khi hát, họ chỉ được hát những giọng lề lối để ca ngợi công lao của thần.

 Nhiều tục lệ và lễ tục hội Lim liên quan đến Quận công Đỗ Nguyễn Thụy.

Nhiều tục lệ và lễ tục hội Lim liên quan đến Quận công Đỗ Nguyễn Thụy.

Di sản Quận công sau 300 năm

Tư liệu của Bảo tàng Bắc Ninh cho biết, thời kỳ làm quan, Đỗ Nguyễn Thụy trải qua nhiều chức vụ như: Phụng sai thị trà đội, phó thủ hiệu, thị hầu nhất ưu, tả tịnh hành đẳng huyền, phó cai quan, phó tri thị nội thư, Tả công thuyên, Thị cận, Thị nội giám, Tư lễ giám, Tổng thái giám, Đô chỉ huy sứ, Tư Đô chỉ huy sứ, Giao Quận công (sau đổi thành Cơ Quận công).

Ông làm quan trải 20 năm trong phủ chúa, trông nom và huấn hồ cấm binh - đều làm rất chu đáo, không màng danh vọng địa vị, nên càng có uy tín trong triều, và được giao nhiều chức quan trọng yếu từ kiên tri, phó tri, tư lễ giám, đô tổng giám. Đường công danh quan lộ rất hanh thông, khi về nghỉ hưu lại được dân địa phương kính nể.

Ngoài tài năng về quân sự, chính trị, Quận công Đỗ Nguyễn Thụy còn là kiến trúc sư tham gia xây dựng cung điện ở Kinh đô và ngôi đình của làng Đình Cả. Cuối đời ông đã bỏ ra nhiều tiền của xây dựng sinh từ, công đức ruộng đất cho dân hàng tổng, hàng xã để xây dựng, tu bổ công trình tín ngưỡng cho dân.

 Phần mộ Quận công Đỗ Nguyễn Thụy.

Phần mộ Quận công Đỗ Nguyễn Thụy.

 Nhà bia bằng đá ong trong khuôn viên di tích lăng mộ Quận công Đỗ Nguyễn Thụy.

Nhà bia bằng đá ong trong khuôn viên di tích lăng mộ Quận công Đỗ Nguyễn Thụy.

Quận công Đỗ Nguyễn Thụy tạ thế ngày 17 tháng Giêng năm 1734. Lăng mộ được xây dựng ngay phía trước làng Đình Cả, vào năm 1739 gồm 2 công trình: Lăng mộ và nhà thờ. Di tích hiện nay nằm trong địa phận thôn Đình Cả, trong đó lăng mộ ở đầu xóm Tây (xóm Lăng), cạnh ao làng và gần với Tỉnh lộ 295B; nhà thờ nằm giữa khu dân cư, quay hướng Đông Nam, xung quanh giáp khu dân cư.

Toàn bộ khu lăng được bố trí cân đối, hài hòa mang phong cách kiến trúc thời Lê. Tam môn xây bằng đá ong, mái uốn khum, xung quanh cửa tạo gờ nổi trong khung hình chữ nhật, trên có diềm đua ra. Phía trên, chính giữa vòm lớn gắn một phiến đá xanh trang trí hoa văn trên gờ, giữa nổi bật ba chữ hán lớn “Phúc Thọ Môn”.

Nhà bia xây bằng đá ong theo kiểu am, vòm dạng chóp tháp, trổ cửa 4 mặt cuốn vòm như cổng Tam quan. Bên trong dựng bia tứ diện chữ chìm khắc đẹp rõ ràng, có tên “Huệ phúc điền bi ký” được khắc năm 1734. Ngoài ra, phía sau từ chỉ (bệ thờ) là hai chó đá ngồi chầu canh gác bên phần mộ xây bằng đá ong theo hình vuông. Đây chính là nơi an nghỉ cuối cùng của Quận công Đỗ Nguyễn Thụy.

Cách lăng khoảng 200m là nhà thờ Quận công với công trình chính 5 gian, 2 dĩ dựng trên nền bó gạch, phía trước vỉa đá xanh. Kiến trúc kiểu bình đầu cột trụ cánh phong, bên trong bố trí kiểu “Nội tự ngoại khách” được ngăn cách bằng dãy cửa “Thượng song hạ bản”, 2 gian buồng đóng cửa bức bàn.

Hệ khung chịu lực làm bằng gỗ lim gồm 6 vì, mỗi bộ vì có 5 hàng chân cột. Kết cấu bộ vì theo lối chồng rường con tam kết hợp với kẻ truyền, bẩy, hiên nối cổ ngỗng, riêng hai vì đầu hồi kiểu trụ sóc nóc, đơn giản.

Hầu hết ở 2 đầu các bộ phận kiến trúc chính trong nhà thờ đều chạm nổi, chạm thủng, chạm kênh bong các hình mây lửa, hoa lá đan xen thú 4 chân luồn lách nghiêng ngó cùng rồng biến thể cách điệu với kỹ thuật cao tài nghệ, các mảng chạm khắc đó được liên kết bởi các con chồng tạo thành bức phù điêu sống động.

Đặc biệt trên con rường giáp sà nóc bên phải, người thợ chạm nổi hai con thú chụm đầu ngộ nghĩnh, cong người như muốn cùng chung gánh nặng. Phía ngoài phần hiên nối theo bẩy một đoạn chạm nổi hoa văn tựa như cổ ngỗng, mang đậm phong cách độc đáo của kiến trúc xưa.

Qua thời gian, di tích lăng và nhà thờ Quận công Đỗ Nguyễn Thụy được tu sửa một vài lần nhưng chắp vá, xuống cấp. Năm 1976, nhà thờ đã được gia tộc tu sửa lại, cơ bản chỉ tôn cao nền còn vẫn giữ nguyên trạng thái kiến trúc ban đầu.

Năm 2016, Nhà nước hỗ trợ kinh phí tu bổ nhà thờ (nâng nền, thay hoành dui, nâng cột). Di tích được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 74-VH/QĐ ngày 2/2/1993.

Ngoài công lao của Quận công Đỗ Nguyễn Thụy, sự hình thành và định hình lễ tục cho hội Lim còn có công sức của Trấn thủ kiêm Đốc đồng trấn Thanh Hoa là Nguyễn Đình Diễn. Ông là người thôn Đình Cả, vì có nhiều công lao với triều đình nên được phong thưởng nhiều bổng lộc, đã tự hiến ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ trùng tu đình chùa, mở mang hội hè. Ông còn cho xây dựng trước phần lăng mộ của mình đặt tên là lăng Hồng Vân trên núi Lim. Do có nhiều công lao nên khi ông mất, tổng Nội Duệ đã tôn làm hậu thần, hậu Phật.

Trần Siêu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vi-quan-cong-dinh-hinh-le-hoi-lim-dat-kinh-bac-post705746.html
Zalo