Xã hội hóa hiệu quả góp phần cải cách tài chính công

Xã hội hóa là một chủ trương, chính sách lớn, có ý nghĩa quan trọng không chỉ trước mắt, mà là lâu dài, nhằm huy động mọi tiềm năng và nguồn lực các thành phần kinh tế và của toàn xã hội, cùng hướng tới mục tiêu thực hiện tốt chủ trương 'Nhà nước và nhân dân cùng làm'.

Thực hiện Kế hoạch số 2350/KH-UBND ngày 29 tháng 4 năm 2024 của Ủy ban nhân dân Thành phố về tổ chức Lễ hội Sông nước TP.HCM lần 2 năm 2024, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao cùng các sở, ngành, thành phố Thủ Đức và các quận, huyện triển khai thực hiện.

Lễ hội Sông nước TP.HCM lần 2 năm 2024 diễn ra từ ngày 31 tháng 5 đến ngày 09 tháng 6 năm 2024 là chuỗi hoạt động du lịch - văn hóa - giải trí - nghệ thuật - thể thao - ẩm thực - mua sắm, định hướng trở thành một sự kiện thương hiệu, góp phần định vị TP.HCM - một ĐÔ THỊ SÔNG NƯỚC GIÀU BẢN SẮC VĂN HÓA. Hưởng ứng các chuỗi hoạt động của Lễ hội sông nước lần thứ 2, Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Ẩm thực Thành phố tổ chức Không gian ẩm thực sông nước với ý nghĩa mang đến nhiều trải nghiệm khác nhau cho khách du lịch và cư dân Thành phố, vừa tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí khác nhau.

Không gian ẩm thực sông nước được tổ chức gồm 32 gian hàng kinh doanh món ăn đặc trưng sông nước, giới thiệu món ăn của các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch và được công nhận trong danh sách Michelin Guide.

Sở Du lịch chủ trì, hỗ trợ Hiệp hội ẩm thực TP.HCM trong công tác đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan (Sở Giao thông vận tải, Trung tâm quản lý đường bộ, Sở An toàn thực phẩm) hỗ trợ về mặt bằng tổ chức, thông báo hạn chế xe lưu thông và việc đảm bảo vấn đề về an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh ăn uống trong không gian.

Hiệp hội Ẩm thực Thành phố chủ động thực hiện các nhiệm vụ như: vận động doanh nghiệp tham gia gian hàng, thu các kinh phí để thiết kế, xây lắp khu vực gian hàng; thuê mướn dịch vụ bảo vệ, vệ sinh…, chương trình văn nghệ phục vụ du khách. Đồng thời, Sở Du lịch giữ vai trò kiểm tra giám sát hoạt động của Hiệp hội trong 3 ngày tổ chức chương trình, đảm bảo tính chỉnh chu, và chất lượng dịch vụ phục vụ tốt cho người dân khi đến tham quan.

Với sự phối hợp tốt giữa cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội nghề nghiệp, Không gian ẩm thực sông nước trong khuôn khổ Lễ hội sông nước đã nhận nhiều phản hồi tích cực của người dân và du khách. Qua 3 ngày tổ chức chương trình đã thu hút hơn 100.000 người đến tham quan và thưởng thức ẩm thực. Chương trình đã góp phần mang đến thành công chung cho Lễ hội sông nước lần thứ hai của Thành phố.

Như vậy, chính sách xã hội hóa trong tổ chức các hoạt động văn hóa, sự kiện là xây dựng cơ chế cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội, nhằm huy động các nguồn lực, thu hút các chủ thể tham gia, nhất là các đơn vị, tổ chức xã hội nghề nghiệp. Mục đích của chính sách này là nhằm biến việc xây dựng và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, văn hóa thành công việc chung của toàn xã hội, mà tất cả các chủ thể đều có quyền và trách nhiệm tham gia, đóng góp.

Với cơ chế cộng đồng trách nhiệm đó, Nhà nước sẽ sang vai trò người quản lý, bảo trợ và kiến tạo cho các hoạt động văn hóa, sự kiện cùng phối hợp với các chủ thể khác sáng tạo, sản xuất, phân phối và phát triển sự kiện văn hóa. Đồng thời, các chủ thể này sẽ được đa dạng hóa, tự nguyện tham gia và đóng góp tích cực cho quá trình sáng tạo, phát triển các sự kiện văn hóa bằng các nguồn lực của bản thân và hệ sinh thái các doanh nghiệp tham gia tổ chức. Đây sẽ là cách làm tiếp theo cho các sự kiện của ngành du lịch Thành phố, góp phần cải cách tài chính công.

Phòng quản lý cơ sở lưu trú du lịch (Sở Du lịch TP.HCM)

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/xa-hoi-hoa-hieu-qua-gop-phan-cai-cach-tai-chinh-cong-c2a84810.html
Zalo