Vi phạm nghiêm trọng về đê điều, thủy lợi kéo dài ở Hải Phòng

UBND TP Hải Phòng vừa có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng UBND các quận, huyện liên quan nghiêm túc kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực đê điều và công trình thủy lợi theo kiến nghị của Thanh tra thành phố.

Trước đó, trong năm 2024, Thanh tra TP Hải Phòng đã tiến hành thanh tra tại Sở NN&PTNT và 4 quận huyện: Kiến An, An Dương, Kiến Thụy và An Lão về trách nhiệm quản lý nhà nước về đê điều, thủy lợi. Kết quả xác định, trong giai đoạn 2017-2023 tại các địa phương này có 143 vụ việc vi phạm pháp luật về hành lang bảo vệ đê điều, trong đó có 60 vụ việc đã được chính quyền địa phương phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý, tháo dỡ công trình vi phạm, còn lại 83 trường hợp vi phạm chưa được tháo dỡ khắc phục hậu quả. Có 68 trường hợp không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, cụ thể huyện An Dương (nay là quận An Dương) có 26 trường hợp, huyện Kiến Thụy 18 trường hợp, huyện An Lão 16 trường hợp và quận Kiến An 8 trường hợp. Trong số này, ngoài các cá nhân còn có không ít doanh nghiệp xây dựng trái phép những công trình lớn như trạm trộn bê tông, cầu cảng, bãi tập kết vật liệu xây dựng ven sông.

Đáng chú ý, không ít công trình vi phạm đã nhiều lần bị cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm, yêu cầu khắc phục hậu quả, nhưng sau đó chây ì không chấp hành mà tiếp tục vi phạm, nhưng chính quyền cơ sở cũng không có động thái xử lý dứt điểm. Đơn cử như công trình trạm trộn bê tông và các công trình phụ trợ khác của Công ty TNHH Hoàng Trường tại khu vực K12+150 đê tả Văn Úc (xã Quang Trung, huyện An Lão) đã 3 lần bị lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng sau đó không có quyết định xử phạt vi phạm hành chính nào được ban hành, vi phạm vẫn tồn tại cho đến thời điểm thanh tra.

Bãi vật liệu vi phạm hành lang đê tại quận An Dương (Hải Phòng).

Bãi vật liệu vi phạm hành lang đê tại quận An Dương (Hải Phòng).

Kết quả thanh tra cũng cho thấy, trên địa bàn huyện An Lão còn có không ít trạm trộn bê tông, nhà xưởng, cầu cảng, bãi chứa vật liệu xây dựng chưa bị xử lý hoặc xử lý không triệt để. Tình trạng trên cũng xảy ra tương tự tại các địa phương khác, như ở quận Kiến An tại khu vực K31+500 đê hữu Lạch Tray (phường Đồng Hòa, quận Kiến An), từ năm 2017 Công ty CP Thương mại Vinh Phú lắp dựng cột thép làm nhà xưởng rộng gần 200m2 bị lập biên bản vi phạm hành chính nhưng sau đó không bị xử phạt. Gần đó, tại khu vực K31+100 đê hữu Lạch Tray (phường Lãm Hà), 1 doanh nghiệp khác là Công ty CP Bêtông và Xây dựng Hải Phòng xây dựng bờ kè ở bãi sông bị xử phạt 30 triệu đồng nhưng chưa nộp phạt...

Tính chung cả giai đoạn 2017-2023, theo kết luận thanh tra, trong tổng số 143 vụ vi phạm được phát hiện nêu trên, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã lập biên bản vi phạm đối với 123 trường hợp. Tuy nhiên, mới chỉ có 59 trường hợp được ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt hơn 2,1 tỷ đồng. Trong số này, mới có 27 trường hợp nộp phạt với tổng số tiền hơn 900 triệu đồng, còn 32 trường hợp chưa nộp tiền phạt.

Đó mới chỉ là số vụ việc vi phạm tại 4 quận huyện, còn theo số liệu báo cáo của Sở NN&PTNT Hải Phòng, tính trong giai đoạn này trên địa bàn 11 quận, huyện của Hải Phòng có tổng cộng tới 306 trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đê điều. Các vi phạm chủ yếu là san lấp bãi bồi ven sông, đất nuôi trồng thủy sản tại các khu vực hành lang bảo vệ đê, hành lang thoát lũ để tạo lập mặt bằng xây dựng công trình, nhà xưởng, lập bến bãi tập kết vật liệu xây dựng tại khu vực sản xuất công nghiệp, khu vực ven đô có điều kiện giao thông thủy bộ thuận lợi.

Có thể kể địa bàn quận Lê Chân là ví dụ. Theo báo cáo của UBND quận, hiện có 38 trường hợp sử dụng 25,57ha đất chủ yếu thuộc tuyến đê tả sông Lạch Tray, ngoài những trường hợp đã có hợp đồng ký với chính quyền địa phương, còn có diện tích không nhỏ, người dân tự ý lấn chiếm sử dụng. Trong thời gian dài, phần lớn diện tích này của quận Lê Chân đã không còn sử dụng nuôi trồng thủy sản như cam kết thầu khoán mà được san lấp mặt bằng, trồng cây, chăn nuôi gia súc, dựng nhà … trái quy định.

Việc xây dựng các công trình kiên cố trái phép khu vực ven đê đã diễn ra nhiều năm nhưng không bị chính quyền địa phương xử lý, mặc dù tình trạng này đã được báo chí phản ánh nhiều và UBND TP Hải Phòng cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Thậm chí, dọc theo đê tả sông Lạch Tray thuộc địa phận phường Vĩnh Niệm đã có hàng loạt công trình nhà ở kiên cố, đường giao thông nội bộ và cả những biệt thự kiểu nhà vườn rộng hàng nghìn mét, có thiết kế non bộ, bể bơi, lầu vọng cảnh và gia viên...

Trở lại hoạt động thanh tra của Thanh tra TP Hải Phòng, ngoài vi phạm pháp luật về đê điều, về vi phạm trên lĩnh vực thủy lợi, kết quả thanh tra tại Sở NN&PTNT Hải Phòng cũng thể hiện, trong giai đoạn 2017-2023, trên địa bàn TP Hải Phòng có tới 2.260 vi phạm trong bảo vệ công trình thủy lợi. Trong đó, mới có 1.670 trường hợp vi phạm, xâm hại công trình thủy lợi đã được khắc phục, còn 590 vi phạm vào công trình thủy lợi chưa được khắc phục, xử lý theo quy định. Trong kết luận, Thanh tra TP Hải Phòng nêu rõ: Để xảy ra các vi phạm trong phạm vi bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi, trách nhiệm được xác định thuộc về lãnh đạo Sở NN&PTNT, lãnh đạo các chi cục quản lý đê điều; lãnh đạo UBND các quận, huyện cũng như các cơ quan được giao chức năng quản lý nhà nước về đê điều, thủy lợi tại địa phương.

Trước thực trạng trên, Thanh tra TP Hải Phòng đã kiến nghị Chủ tịch UBND TP Hải Phòng chỉ đạo các Sở NN&PTNT, UBND các quận, huyện Kiến An, An Dương, Kiến Thụy và An Lão tiến hành kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan. Đối với các vi phạm trong phạm vi bảo vệ đê điều, thủy lợi đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa chấp hành hoặc chấp hành chưa đầy đủ, cần thực hiện cưỡng chế thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đúng quy định, tránh thất thoát ngân sách. Thanh tra TP Hải Phòng cũng yêu cầu các quận, huyện chưa được thanh tra cần chủ động phối hợp cùng Sở NN&PTNT trong việc quản lý, bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi, kiên quyết ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vi phạm xảy ra trên địa bàn.

Được biết, là một trong 28 địa phương ven biển trong cả nước, Hải Phòng có chiều dài bờ biển hơn 125km, với mật độ cửa sông lớn đổ ra biển thuộc diện dày nhất khu vực phía Bắc, vì vậy Hải Phòng có hệ thống đê điều, thủy lợi rất đa dạng gắn liền với diện tích khá lớn các khu đất nông nghiệp, vùng bãi bồi ven sông, ven biển. Quá trình vi phạm kéo dài nhưng không được xử lý hiệu quả đã khiến kết cấu truyền thống của khu vực này biến dạng nghiêm trọng.

Đáng nói là, TP Hải Phòng đã và đang triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể cũng như thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính, nếu không có giải pháp quyết liệt và dứt điểm, thì những vi phạm nêu trên rất có thể sẽ lâm vào tình trạng "đánh bùn sang ao", trở thành những hệ lụy khó giải trong bài toán phát triển thời gian tới.

Văn Minh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/vi-pham-nghiem-trong-ve-de-dieu-thuy-loi-keo-dai-o-hai-phong-i756067/
Zalo