Vi phạm đất thế nào sẽ không thể khôi phục lại tình trạng ban đầu?
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương dự thảo quy định 2 trường hợp không có tính khả thi trên thực địa để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Sở Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến tham gia dự thảo quyết định quy định các trường hợp không có tính khả thi và mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trên địa bàn tỉnh Hải Dương theo quy định tại khoản 5 điều 14 Nghị định 123/2024/NĐ-CP ngày 4/10/2024 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Quyết định này không áp dụng đối với các trường hợp san lấp hồ thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa, cải tạo đất nông nghiệp thành ruộng bậc thang và hình thức cải tạo đất khác theo quy định của pháp luật.
Dự thảo quy định 2 trường hợp không có tính khả thi trên thực địa để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Đó là làm suy giảm chất lượng đất (làm mất hoặc giảm độ dày, làm thay đổi tầng đất mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu có thành phần khác với loại đất đang sử dụng; gây bạc màu, gây xói mòn, rửa trôi đất nông nghiệp) mà dẫn đến mất khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.
Trường hợp thứ hai là làm biến dạng địa hình (thay đổi độ dốc, độ cao bề mặt đất; san lấp đất có mặt nước chuyên dùng) mà dẫn đến mất khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.
Tùy theo từng trường hợp vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính áp dụng một hoặc một số biện pháp để khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm bảo đảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Cụ thể, buộc tháo dỡ, phá dỡ, di chuyển các vật chất mà pháp luật quy định không được phép tồn tại ra ngoài diện tích đất bị vi phạm; yêu cầu việc này phải hạn chế tối đa đào sâu quá tầng đất mặt để giữ nguyên tính chất, sự ổn định của kết cấu đất. Buộc san gạt, san lấp, đào hạ thấp mặt bằng hoặc các giải pháp khác để có độ cao, độ sâu, độ dốc tương đương ban đầu của diện tích đất bị vi phạm; yêu
cầu việc này phải sử dụng loại đất hoặc vật liệu tương đương ban đầu để bảo đảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Buộc khôi phục tầng đất mặt có độ dầy, thành phần, tính chất tương đương với tầng đất mặt trước khi bị vi phạm.
Trường hợp diện tích đất ban đầu có các biện pháp chống xói mòn, sạt lở, có hệ thống tưới tiêu, đường ranh cản lửa thì khi khôi phục lại tình trạng ban đầu phải bảo đảm các yêu cầu này.
Trường hợp diện tích đất ban đầu có cây trồng, hoa màu, công trình
xây dựng trên đất hoặc các vật chất khác mà phải khôi phục hiện trạng ban đầu thì việc khôi phục, mức độ khôi phục được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành đối với các loại vật chất đó.